Nghịch lý cổ phiếu tốt nhưng dòng tiền thờ ơ

Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian vừa qua nhưng có tới quá một nửa lượng cổ phiếu niêm yết không có thanh khoản, trong đó không ít mã có kết quả kinh doanh khả quan, trả cổ tức tiền mặt đều đặn.

Quá một nửa lượng cổ phiếu niêm yết không có thanh khoản, trong đó không ít mã có kết quả kinh doanh khả quan, trả cổ tức tiền mặt đều đặn. Nguồn: Internet.

Quá một nửa lượng cổ phiếu niêm yết không có thanh khoản, trong đó không ít mã có kết quả kinh doanh khả quan, trả cổ tức tiền mặt đều đặn. Nguồn: Internet.

Theo quan sát từ thị trường, với các ngành thuộc diện “hot” như bất động sản, ngân hàng… dù cũng có lúc gặp khó khăn do diễn biến thị trường chung cũng như triển vọng ngành bị đánh giá thấp nhưng vẫn luôn thu hút được sự quan tâm của dòng tiền do có mật độ thông tin dày đặc.

Thế nhưng cũng có nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ vẫn đạt được mức tăng phi mã hấp dẫn dòng tiền đầu cơ như cổ phiếu VCR của Vinaconex ITC với mức tăng 605% chỉ trong 6 tháng đầu năm trong bối cảnh lỗ lũy kế của doanh nghiệp ngày càng tăng cao.

Nghịch lý dòng tiền

Mã cổ phiếu C47 của CTCP Xây dựng 47 là cái tên không mới trên thị trường chứng khoán khi đã niêm yết trên HoSE được gần 8 năm nhưng cổ phiếu này lại không nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư, dù thanh khoản đều đặn.

Năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu giảm 15,6% so với năm 2017 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng gần 96%, lên trên 43,1 tỷ đồng.

Với kết quả đã đạt được, công ty quyết định chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt tỷ lệ 20% mệnh giá (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Với mức chia cổ tức này, tỷ lệ chia cổ tức trên cổ phiếu (lợi tức) của C47 lên tới 14,5%, cao hơn nhiều mức lợi suất đầu tư trái phiếu hoặc gửi tiết kiệm.

Hay như trường hợp của cổ phiếu WCS của CTCP Bến xe Miền Tây, có hoạt động đặc thù, khai thác một trong hai bến xe lớn nhất tại Tp.HCM, kết nối với các tỉnh miền Tây duy trì mức tăng trưởng đều đặn về doanh thu, lợi nhuận trong 10 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, Bến xe Miền Tây còn gây bất ngờ với mức chi trả cổ tức lên tới 400% (năm 2018) bằng tiền mặt, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận về 40.000 đồng tiền cổ tức. Đây cũng là một trong số ít doanh nghiệp có cơ cấu tài chính tích cực, hầu như không vay nợ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu WCS cũng được giao dịch tại vùng giá khá cao, 160.000 đồng/cp nhưng thanh khoản trung bình duy trì ở mức thấp, dưới 2.000 đơn vị mỗi phiên, nhiều phiên thậm chí còn không có giao dịch.

CTCP Đà Núi Nhỏ (mã: NNC) cũng là một doanh nghiệp được đánh giá cơ bản tốt với lịch sử chia cổ tức ấn tượng. Năm 2018, công ty thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền với tỷ lệ 60% và đã hoàn thành hồi đầu năm 2019.

Hiện cổ phiếu NNC đang giao dịch tại vùng giá 55.000 đồng/cp, tăng 20,7% so với mức giá 45.570 đồng/cp hồi đầu năm. Thanh khoản 10 phiên giao dịch gần nhất đạt 14.542 đơn vị/ phiên, đây là con số quá nhỏ so với gần 22 triệu cổ phiếu NNC đang lưu hành trên thị trường chứng khoán.

Niêm yết từ 2009 và duy trì tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt 18-25% của CTCP Thủy điện Thác Bà (mã: TBC) nhưng giao dịch của mã cổ phiếu này lại thường xuyên trắng thanh khoản, những phiên hào hứng nhất cũng hiếm khi vượt quá 10.000 đơn vị trong khi lượng cổ phiếu niêm yết của doanh nghiệp là 63,5 triệu đơn vị.

Nhìn vào diễn biến thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy dòng tiền trên thị trường vẫn “ưu ái” cho các mã chứng khoán có “sóng “ bởi dễ kiếm lời hơn.

Nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt vẫn không hấp dẫn được dòng tiền

Hay… hợp lý?

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Vn-Index dừng ở mức 949,94 điểm, tương ứng tăng 6,43% so với cuối năm 2018. Trái ngược với Vn- Index, HNX-Index giảm 0,69%, xuống 104,09 điểm. UPCoM-Index tăng 5,33% lên 55,65 điểm.

Nửa đầu năm nay ghi nhận 51 cổ phiếu tăng giá trên 100%, trong số đó có cổ phiếu còn tăng đến hơn 6.000%. Hầu hết những cái tên góp mặt trong số này đều thuộc sàn UPCoM vốn dĩ là nơi tập trung nhiều “hàng lởm” có kết quả kinh doanh “bết bát”.

Tuy nhiên, đây chỉ là những động thái ngắn hạn. Thông thường dòng tiền luôn tìm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, minh bạch và loại bỏ dần những khoản đầu tư yếu kém.

Do đó, việc các cổ phiếu tốt bị thờ ơ đã trở thành một nghịch lý. Thế nhưng có chắc chắn đây là một nghịch lý hay không thì cần xem xét kỹ hơn về những doanh nghiệp này.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cổ phiếu “trắng thanh khoản” dù doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, lợi tức hấp dẫn thường đến từ việc cơ cấu cổ đông quá cô đặc, lượng cổ phiếu giao dịch tự do ít, trong khi cổ đông hiện hữu muốn nắm giữ dài hạn nên hạn chế bán ra.

Điều này đi ngược với “gu đầu tư” của thị trường chứng khoán Việt khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn, mong muốn tìm kiếm cơ hội sinh lời cao trong ngắn hạn hơn là nắm giữ dài hạn những cổ phiếu hoạt động ổn định.

Có thể lấy ví dụ từ cổ phiếu TBC, trong số 63,5 cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường, hai cổ đông lớn của Thủy điện Thác Bà là CTCP Cơ điện lạnh và EVNGENCO 3 đã nắm giữ tới hơn 90%, tương đương gần 57,5 triệu cổ phiếu.

Như vậy, lượng cổ phiếu giao dịch tự do của TBC chỉ còn khoảng 6 triệu đơn vị, khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Hay như cổ phiếu NNC tính từ năm 2016 tới nay, thị giá cổ phiếu không có nhiều biến động, với những nhà đầu tư nắm giữ trong suốt khoảng thời gian qua thậm chí còn lỗ chi phí thuế cổ tức.

Ngoài ra, cổ phiếu hấp dẫn được dòng tiền phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng một yếu tố không thể thiếu chính là doanh nghiệp phải có quan hệ với nhà đầu tư (IR) tốt để cập nhật tình hình hoạt động, giúp nhà đầu tư hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/nghich-ly-co-phieu-tot-nhung-dong-tien-tho-o-309655.html