Nghịch lý Công Phượng, Văn Toàn ở tuyển Việt Nam

Như một luật bất thành văn, cứ Công Phượng vào sân thì gần như chắc chắn, Văn Toàn sẽ ra nghỉ tại đội tuyển Việt Nam.

6 trận đã qua tại vòng loại World Cup, cặp đôi của HAGL mới có 2 lần cùng xuất hiện trong đội hình tuyển Việt Nam. HLV Park Hang-seo dường như có một quy tắc ngầm: cứ người này vào sân thì người kia sẽ ra nghỉ tại đội tuyển Việt Nam.

Một người đá thì một người nghỉ

Trước Indonesia vừa qua, quy tắc ngầm ấy một lần nữa xuất hiện. Văn Toàn vào sân từ đầu rồi ra nghỉ sau hiệp một. Người vào thay anh chính là Công Phượng. Trước đó, ở trận lượt đi với UAE, Văn Toàn chơi 58 phút rồi được thay ra. Người vào sân vẫn là Công Phượng.

Những diễn biến gần tương tự có thể được tìm thấy ở nhiều trận đấu khác. Trận duy nhất Văn Toàn chơi trọn 90 phút tại vòng loại là trước Indonesia ở lượt đi. Cũng trận đó, Công Phượng vắng mặt. Tới trận lượt về với Thái Lan, Văn Toàn đá chính và chơi tới phút 56. 16 phút sau khi Toàn rời sân, Công Phượng mới được xuất trận.

Bộ đôi của HAGL có vỏn vẹn 2 lần cùng xuất hiện trên sân. Đó là ở hiệp hai trận gặp lượt đi với Thái Lan và 63 phút đầu trận lượt đi với Malaysia. Có điều gì đặc biệt?

Đấy là hai trận mở màn vòng loại World Cup. Từ đó tới nay, họ chưa từng cùng xuất hiện trên sân. Nghĩa là sau 2 lần thử nghiệm, HLV Park đi tới kết luận không nên xếp cả hai cùng thi đấu một lúc. Hiện tượng này là ngẫu nhiên, hay là toan tính của ông Park, chúng ta không thể chắc được. Nhưng rõ ràng với chiến lược gia người Hàn Quốc, cả hai người đá cùng một lúc không có lợi bằng sử dụng từng người trong từng thời điểm. Tuyển Việt Nam chỉ có chỗ cho một trong hai người, hoặc Toàn, hoặc Phượng.

Với chiến lược gia người Hàn Quốc, dùng cả Công Phượng, Văn Toàn cùng một lúc không có lợi bằng sử dụng từng người trong từng thời điểm.

Ông Park thực ra không phải HLV đầu tiên “có vấn đề” với cặp đôi Công Phượng - Văn Toàn. Hai ngôi sao của HAGL cùng đá tiền đạo lùi, cùng nhỏ con, cùng tranh chấp kém. Việc sử dụng họ cùng lúc trên hàng công luôn tạo ra những băn khoăn. Bộ đôi này vừa thiếu sức mạnh, vừa chơi đầu kém, vừa khiến khả năng phòng ngự từ xa bị ảnh hưởng đáng kể.

Trước ông Park, nhiều HLV đã nhận ra vấn đề và cố gắng thay đổi. Người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng tách rời cặp đôi này khi đẩy Văn Toàn sang đá tiền vệ phải. Nhiều năm qua, khi Toàn - Phượng chơi cạnh nhau, HAGL không ngóc đầu lên được ở V.League. Ngày Kiatisuk Senamuang về phố núi, ông lập tức đẩy Công Phượng về tuyến giữa. Kết quả là HAGL thành công rực rỡ.

HLV Park cùng từng làm điều đó. Giai đoạn 2018 và đầu 2019, Văn Toàn gần như không có cơ hội khi Công Phượng chơi tốt tại U23 và tuyển Việt Nam. Tiền đạo quê Hải Dương chỉ lấy suất đá chính khi Công Phượng sa sút tại Bỉ, còn Phan Văn Đức chấn thương. Giai đoạn Toàn đá chính ở tuyển Việt Nam cũng chính là lúc Phượng liên tục phải ngồi ngoài.

 Văn Toàn vẫn chưa ghi bàn nào trong khi những người đá cạnh anh đều đã nổ súng (Tiến Linh 3 bàn, Quang Hải 2 bàn). Ảnh: Quang Thịnh.

Văn Toàn vẫn chưa ghi bàn nào trong khi những người đá cạnh anh đều đã nổ súng (Tiến Linh 3 bàn, Quang Hải 2 bàn). Ảnh: Quang Thịnh.

12 lần vào sân, 1 bàn

Điều thú vị thứ hai là cặp đôi này gần như không ghi bàn cho tuyển Việt Nam. 6 trận đã qua tại vòng loại World Cup, Văn Toàn xuất phát cả 6 lần. Công Phượng cũng vào sân 6 lần dù phần lớn chỉ từ băng ghế dự bị.

Sau 12 lần vào sân, bàn thắng vào lưới Indonesia là pha lập công đầu tiên của họ.

Với hiệu suất ấy, họ lẽ ra không được trao cơ hội ở tuyển Việt Nam. Nhưng ông Park vẫn tin tưởng họ. Ông từng nhiều lần bảo vệ những tiền đạo Việt Nam có hiệu suất ghi bàn kém trong quá khứ, điển hình như trường hợp của Tiến Linh hay Hồ Tuấn Tài hồi năm 2019. Ông Park bảo: “Hỏi như thế về số bàn thắng thì ta sẽ đánh giá thế nào về các tiền đạo của tuyển Việt Nam hiện tại? Số bàn thắng rất quan trọng nhưng nó chỉ là một trong các tiêu chí đánh giá cầu thủ thôi. Đó không phải 100% tiêu chí của tôi”.

Vì bàn thắng không phải tất cả, nên ông Park cần Công Phượng, Văn Toàn cho những vai trò khác. Quan sát Văn Toàn, Công Phượng tại vòng loại World Cup, dễ thấy người đầu tiên giống như một cỗ máy phá sức đối thủ, di chuyển không biết mệt, tạo áp lực lên hậu vệ đối phương. Người thứ hai là dự bị hạng sang, được tung vào khi đối phương đã mệt mỏi và để lộ khoảng trống. Dù không ghi bàn, mỗi người họ đều có nhiệm vụ riêng, có những cách khác nhau để đóng góp cho thành công chung của đội tuyển.

Số bàn thắng rất quan trọng nhưng nó chỉ là một trong các tiêu chí đánh giá cầu thủ thôi.

HLV Park Hang-seo

Tư duy này của HLV Park thực ra không phải xuất hiện lần đầu. Chiến lược gia người Hàn Quốc từng dành rất nhiều ưu ái cho một chân sút có vấn đề tương tự là Hà Đức Chinh. Cầu thủ của Đà Nẵng cũng có mặt trong thành phần tuyển Việt Nam tới UAE. Lên tuyển sau kỳ tích Thường Châu năm 2018, Đức Chinh chưa có bàn nào cho tuyển Việt Nam tại các giải chính thức dù đã ra sân trong không ít.

Với ông Park, nhiệm vụ của tiền đạo không chỉ là ghi bàn. HLV người Hàn Quốc luôn đòi hỏi các cầu thủ tấn công tham gia nhiều vào việc lối chơi chung. Ngoài Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải và Phan Văn Đức cũng là những cầu thủ tấn công đa năng, hoạt động rộng, đóng góp nhiều cho tập thể.

Cũng bởi hiệu suất kém cỏi ấy, ông Park không dùng Văn Toàn và Công Phượng cùng một thời điểm. Sự xuất hiện cùng lúc của họ chắc chắn sẽ làm suy yếu hỏa lực tuyển Việt Nam. Phong độ của họ cũng phần nào lý giải chuyện Việt Nam là cái tên ghi bàn ít nhất trong nhóm 8 đội đầu bảng vòng loại World Cup.

Bất chấp tất cả, tuyển Việt Nam vẫn dẫn đầu. Chừng nào chúng ta còn ở vị trí này, chừng đó ông Park vẫn đúng. Và Văn Toàn, Công Phượng, những tiền đạo không (hoặc ít) ghi bàn, vẫn có thể tìm thấy vị trí riêng cho mình.

Quang Hải tập riêng cùng Tuấn Anh, Văn Toàn Ngoài Tuấn Anh và Văn Toàn bị đau sau trận gặp Indonesia, tuyển Việt Nam có thêm Quang Hải phải tập riêng ở buổi tập tối 9/6.

Thanh Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-ly-cong-phuong-van-toan-o-tuyen-viet-nam-post1225531.html