Nghịch lý đào tạo bác sĩ: Điểm thấp và học phí cao

Chiều 21.8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị góp ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH.

Đại biểu trao đổi trong hội nghị chiều 21.8 - Ảnh: Hà Ánh

Hội nghị tổ chức với mục đích lấy ý kiến các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ học thứ 6 Quốc hội khóa 14.

Cả nước có 43 trường đào tạo y dược

Phát biểu tại hội nghị, GS-TS Phạm Văn Lình, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, bày tỏ nhiều băn khoăn về chất lượng đào tạo ngành y dược.

Theo ông Lình, hiện nay chúng ta đang có 43 trường đào tạo y dược. Riêng từ năm 2011 trở lại đây đã có thêm 21- 22 trường, trước đây số trường chưa tới một nửa. Theo ông Lình, lý do việc gia tăng này là đào tạo ngành này “hot” và thu được nhiều tiền.

Ông Lình nêu lên một nghịch lý trong đào tạo bác sĩ hiện nay. “Nếu thí sinh điểm thấp và quá thấp, gia đình xác định dù học lại 1 năm, thậm chí 2-3 năm vẫn không đủ điểm vào trường uy tín thì gia đình chấp nhận bằng mọi giá bỏ tiền đóng học phí cao để vào trường tư. Cứ tưởng thu học phí cao thì người học không vào nhưng ngược ở chỗ vẫn có người học, vì điểm họ thấp quá không vào học thì không còn chỗ nào để học trở thành bác sĩ", ông Lình nhấn mạnh.

“Hiện có hơn 20 trường đa ngành đào tạo y dược. Có trường đào tạo 6.000 sinh viên nhưng khi kiểm định chất lượng vẫn đạt vì kiểm định chung cho toàn trường chứ không riêng cho lĩnh vực chuyên ngành đào tạo”, ông Lình bổ sung.

Cũng liên quan đến ngành khá đặc thù là sư phạm, PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen, ý kiến: “Có những cái tôi nghĩ rất độc quyền. Trong này quy định trường sư phạm chỉ thuộc trường công, vậy tại sao chúng ta nói trường công và tư như nhau?!”.

Cũng theo ông Hiệp: “Thống kê cho thấy hiện mới có khoảng 25% học sinh vào ĐH nhưng chúng ta đã lo cuống cuồng. Trong khi đó, Hàn Quốc có tới 80% học sinh vào ĐH. Tôi thấy rằng 15-16 điểm vào ĐH là điểm đào tạo được”.

Có khả thi nếu hội đồng bổ nhiệm hiệu trưởng?

Hội nghị cũng đặt ra nhiều vấn đề về vai trò của hội đồng trường. Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà nẵng), quy định hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trường là đúng và thể hiện quyền lực tuyệt đối của hội đồng này.

Tuy nhiên ông Toàn lo ngại về tính khả thi khi trong bối cảnh hiện nay quy trình bổ nhiệm người đứng đầu cơ sở ĐH phải theo quy định của Đảng, quy định gồm 5 bước cụ thể.

Cũng theo ông Toàn: “Theo dự thảo này hội đồng trường có chức năng phê duyệt tài chính hằng năm. Tôi rất lo lắng và cho rằng nên cân nhắc thêm vì hội đồng này không có chuyên môn về lĩnh vực này. Trong khi đó người này phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Về tự chủ và chịu trách nhiệm, ông Toàn cho rằng từ trách nhiệm của hiệu trưởng chuyển sang trách nhiệm chung của hội đồng trường và tập thể lãnh đạo chính là bước lùi. Hội đồng trường 15 người, có người trong trường và người ngoài trường. Trong khi đó, theo dự thảo này hội đồng trường chịu trách nhiệm về nhiều lĩnh vực không có chuyên môn.

“Nếu không khéo thì hiệu trưởng không chịu trách nhiệm và cũng chả ai chịu trách nhiệm hết”, ông Toàn lo ngại.

Trong đề xuất của mình, PGS-TS Nguyễn Mạnh Toàn còn cho rằng việc đánh giá các trường ĐH chỉ có thể về uy tín và chất lượng. Khái niệm đánh giá “hiệu quả hoạt động” của cơ sở này rất khó, rất mơ hồ.

Ông Toàn phân tích: “Nếu trường đào tạo nhều sinh viên nhưng rất ít giảng viên thì có gọi hiệu quả không, hoặc đầu tư rất ít tiền nhưng đào tạo số lượng nhiều thì hiệu quả thế nào. Vì vậy theo tôi nên bỏ cụm từ hiệu quả hoạt động trong luật”.

Hà Ánh

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/nghich-ly-dao-tao-bac-si-diem-thap-va-hoc-phi-cao-995358.html