Nghịch lý điểm chuẩn đại học

Mặc dù phổ điểm thi THPT Quốc gia năm 2019 tính theo các khối cao hơn nhưng điểm chuẩn đại học (ĐH) của không ít trường thuộc nhóm thấp chỉ 14 điểm/3 môn (đã tính điểm ưu tiên), ngang bằng năm trước. Trong khi khối C00 không được nhiều trường sử dụng, điểm chuẩn lại cao hơn hẳn các tổ hợp truyền thống khác.

Tư vấn tuyển sinh tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 7/2019. Ảnh: Mạnh Dũng

Khối C “lên ngôi”

Năm nay các trường ĐH có xu hướng sử dụng nhiều tổ hợp khác có môn tiếng Anh, bên cạnh những khối truyền thống A, A1, B, D. Nhưng, phổ điểm khối D và các tổ hợp có môn tiếng Anh vẫn không thể vượt qua khối C. Sự phân hóa chất lượng dạy ngoại ngữ giữa các vùng miền là lý do được nhiều người đưa ra.

Vừa qua Bộ GD&ĐT thanh tra một số trường ĐH và tới đây sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra, tập trung vào những trường điểm trúng tuyển thấp; những trường có dấu hiệu tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng

Một điều khiến nhiều người bất ngờ hơn cả, đó là điểm trúng tuyển nhiều ngành khối C00 cao hơn năm 2018, thậm chí cao hơn cả điểm trúng tuyển khối A, B, D, khiến không ít người hết sức ngỡ ngàng. Cụ thể, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn khối C00 ngành Đông Phương học lên tới 28,50 cao nhất cả nước (năm 2018 là 27,25 điểm), Khoa học quản lý 25,75 điểm, Quan hệ công chúng 26,75 điểm, Báo chí 26 điểm, Tâm lý học 25,50 điểm, Việt Nam học 25 điểm... “Điểm chuẩn các ngành khối C00 của trường đều cao hơn năm trước từ 1 tới 2,25 điểm” - PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định. Tại trường ĐH Văn hóa Hà Nội, các ngành xét tuyển khối C cũng đều có điểm chuẩn rất cao và cao hơn năm trước: Quản trị du lịch lữ hành 26 điểm; Du lịch - Lữ hành, Hướng dẫn du lịch 24,85 điểm, Văn hóa du lịch 24,30 điểm...Giải thích về điểm khối C00 cao vượt trội, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho hay: Gần như tất cả các kỳ thi ĐH, điểm khối C (Văn, Sử, Địa) luôn cao. Mấy năm gần đây càng có sự phân hóa rõ nét bởi Sử và Địa thi trắc nghiệm, số câu hỏi không quá nhiều, học sinh học nắm chắc kiến thức và cẩn thận thì không khó để làm đúng 90% số câu trở lên. Bài thi Ngữ văn, phần Đọc hiểu, khi thí sinh học chắc kiến thức dễ đạt 3 điểm tối đa; phần nghị luận 7 điểm, học sinh làm tương đối tốt cũng được 5 - 6 điểm. Điểm thi cao nhưng điểm chuẩn thấpDựa vào phổ điểm thi THPT Quốc gia 2019 tính theo các khối đều tăng hơn năm 2018, nhiều người khẳng định trường ĐH nhóm đầu, giữa và cuối đều sẽ có điểm trúng tuyển tăng. Đặc biệt, các trường ĐH nhóm dưới điểm sẽ tăng mạnh bởi rất nhiều thí sinh đạt điểm 5, 6/môn thi. Cuối tuần qua, các trường ĐH công bố điểm chuẩn cho từng nhóm ngành, ngành đều tăng hơn năm trước. Thế nhưng, một số trường nhóm thấp có điểm trúng tuyển chỉ 14, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Cụ thể, ĐH Lâm nghiệp, cơ sở Hà Nội, trong tổng số 32 ngành có tới 26 ngành lấy điểm 14. ĐH Thủy lợi có 13 trên 32 ngành/chương trình tiên tiến điểm trúng tuyển 14 - chỉ ngang bằng năm 2018 (dù điểm thi THPT 2019 tăng). Thậm chí, ngành Kỹ thuật trắc địa bản đồ giảm tới 5 điểm. Trường ĐH Công đoàn tuyển sinh 7 ngành thì 4 ngành lấy điểm chuẩn 14, thấp hơn năm 2018 từ 0,90 tới 4,25 điểm.Chia sẻ lý do vì sao điểm trúng tuyển của 4 ngành ĐH Công đoàn thấp hơn năm 2018, PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Phó Hiệu trưởng của cơ sở giáo dục này cho hay: Các ngành xã hội không hot, nhu cầu nhân lực ít, khó xin việc, thí sinh không mặn mà nên điểm chuẩn thấp. PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lại nói về giải bài toán các trường khối nông - lâm - ngư khó tuyển, trước hết cần phân tích xem nhu cầu xã hội có cần mới thúc đẩy, đầu tư; nếu thị trường nhân lực không cần thì nên đóng cửa. Còn các trường cứ tuyển với số điểm thấp, chắc chắn chất lượng đầu ra sẽ không đảm bảo, cho dù có thay đổi phương pháp đào tạo. “Nếu nhu cầu nhân lực thấp thì cần có quy hoạch trường. Các trường không nên gượng ép tuyển vào với điểm số thấp, đầu ra sẽ không đạt yêu cầu” - bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cũng đề xuất.Mới đây, tại hội nghị triển khai năm học 2019 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD&ĐT thanh kiểm tra, giám sát những trường ĐH tuyển sinh điểm thấp. Trong trường hợp đào tạo chất lượng kém nhiều năm thì đóng cửa trường, ngành. Hiện nay dư luận xã hội đánh giá, phân loại các trường dựa vào điểm thi tuyển sinh. Vì thế, những trường lấy điểm đầu vào thấp là tự hạ thấp uy tín của mình nên rất cần cân nhắc.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nghich-ly-diem-chuan-dai-hoc-349917.html