Nghịch lý không hề bất ngờ

Sau một 'thỏa thuận hòa bình lịch sử', lửa xung đột lại càng bùng cháy dữ dội ở Afghanistan. Nghịch lý ấy, đáng buồn thay, lại là điều đã được giới quan sát quốc tế tiên liệu từ khá sớm.

Sự hỗn loạn quay trở lại

Ngày 29/4/2020, thêm một vụ đánh bom liều chết làm rung chuyển Afghanistan. Vụ nổ diễn ra ở ngoại vi thủ đô Kabul, cách thành phố khoảng 11km. Một phần tử Hồi giáo cực đoan, người quấn đầy thuốc nổ, đã xông vào đám đông dân thường và tự biến mình thành một quả bom sống làm 3 người chết, 15 người bị thương. Tháng Ramadan, tháng lễ linh thiêng của Hồi giáo, chỉ vừa bắt đầu. Và bóng ma đầy hăm dọa khác của virus SARS-CoV-2, tác nhân gây nên đại dịch COVID-19 đang tàn phá toàn cầu, cũng đã ngấp nghé tiến sát mảnh đất Trung Á đó.

Hai ngày trước đó, 27/4, Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) công bố báo cáo định kỳ hằng quý. Theo đó, vài tuần sau điều mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là "thỏa thuận lịch sử" giữa quân đội Mỹ và lực lượng phiến quân Taliban, tình trạng bạo lực tại Afghanistan tăng vọt.

Sau thỏa thuận hòa bình, vòng xoáy bạo lực lại gia tăng tại Afghanistan.

Sau thỏa thuận hòa bình, vòng xoáy bạo lực lại gia tăng tại Afghanistan.

Cho dù tổng số lượng thương vong trong quý I-2020 giảm tới 29% so với quý I-2019 (bởi xung đột tạm lắng nhờ các lệnh ngừng bắn phục vụ thương thảo Mỹ - Taliban trong tháng 1 và tháng 2), thì riêng với tháng 3/2020, thời điểm tất cả đều chờ đợi sự khởi động tiến trình hòa đàm "nội bộ" giữa Chính phủ Kabul và Taliban, xung đột lại leo thang. Kết quả: Hết 3 tháng đầu năm 2020, vẫn có 500 dân thường thiệt mạng và 700 người khác bị thương.

Hiện tại, mọi lời đề nghị ngừng bắn nhằm bảo đảm sự thanh bình cho tháng lễ thánh Ramadan đều bị phía Taliban từ chối. Cho dù đó là đề xuất của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, hay là đề nghị từ cả Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (tức là cơ quan quyền lực đầu não của NATO), câu trả lời vẫn là không.

Liên tiếp trong hạ tuần tháng 2, tang tóc chồng lên tang tóc. Ngày 19/4, 18 binh sĩ chính quyền Kabul thiệt mạng sau các trận giao tranh ở tỉnh Takhar, miền Bắc Afghanistan, với những cuộc tiến công vào sở cảnh sat và căn cứ quân sự. Ngày 21/4, ở tỉnh Sar-e-Pul miền Bắc và tỉnh Logar miền Đông, các trạm kiểm soát an ninh cùng các khu mỏ đồng loạt bị tấn công, khiến tổng cộng 19 nhân viên an ninh thiệt mạng, cùng hàng chục người khác bị thương.

Ngày 25/4, quân đội và các lực lượng an ninh chính phủ Kabul phản kích, tiến hành truy quét, đánh bật phiến quân khỏi hàng loạt ngôi làng, tiêu diệt hàng chục phần tử. Song, đổi lại, khi bom đạn không có mắt, cũng đã có không ít người dân thường liên lụy. Điển hình có thể kể tới việc một trái đạn cối rơi trúng làng Shaliz, tỉnh Ghazni, làm 1 người chết và 12 người bị thương (bao gồm cả 9 phụ nữ và trẻ em).

Liệu các lực lượng vũ trang của chính quyền Kabul có đủ mạnh mẽ để đứng vững khi Mỹ rút quân?

Chứng kiến tất cả những điều này, bà Deborah Lyons, người đứng đầu UNAMA, kêu gọi: "Các bên đối địch tại Afghanistan cần phải ngay lập tức chấm dứt bạo lực cũng như thiết lập một lệnh ngừng bắn, đồng thời khởi động hòa đàm để bảo vệ tính mạng dân thường và đem lại hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc này". Song chẳng ai đáp lời bà. Hay nói đúng hơn, lời hồi đáp sớm nhất chính là vụ đánh bom liều chết ngày 29/4.

Đến cả những buổi kinh nguyện thiêng liêng theo tín điều Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan cũng bị xem nhẹ, có thể nói chẳng có bao nhiêu tín hiệu tích cực hay viễn cảnh tươi sáng cho Afghanistan, ít nhất là trong tương lai gần.

Nước Mỹ đã xong việc

Bất chấp việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gia hạn lệnh ngừng điều động binh sĩ đối với các nhiệm vụ không thiết yếu đến tận 30-6, nhằm ngăn chặn sự lây lan đại dịch COVID-19, vẫn có những cuộc đổi quân được thực hiện trên lãnh thổ Afghanistan.

Theo đó, Lữ đoàn Hỗ trợ lực lượng an ninh (SFAB) số 4, có căn cứ tại bang Colorado, sẽ thay thế Lữ đoàn SFAB số 3, theo kế hoạch luân chuyển lực lượng hỗ trợ Chiến dịch Lính gác tự do (OFS) tại Afghanistan. Lữ đoàn CAB thuộc Sư đoàn Bộ binh số 4, cũng có căn cứ tại Colorado, cũng sẽ được triển khai tới Afghanistan, thay thế cho Lữ đoàn CAB thuộc Sư đoàn Miền núi số 10.

Song, kể cả với những động thái này, không mấy ai trong giới phân tích quốc tế tin rằng xung đột, giao tranh và bạo lực tại Afghanistan có thể bị đẩy lùi. Đơn giản, ngay từ khi thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban được ký kết, nhằm "kết thúc cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ và đưa các binh sĩ Mỹ về nước", như cách nói của Tổng thống Mỹ Donald Trum, họ đã chỉ ra viễn cảnh đầy nghịch lý hôm nay.

Khi những người lính Mỹ đã hoàn tất công việc của mình.

Dù thế nào, vì đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông Trump thì một thành tựu ngoại giao, một sự chấm dứt những nỗ lực quá dài và mệt mỏi, một động thái "rút chân khỏi vũng lầy", tiến trình triệt thoái hoàn toàn quân đội Mỹ cũng sẽ diễn ra và hoàn tất, bằng mọi giá. Nó chỉ có thể bị xem xét lại nếu Taliban vẫn duy trì các cuộc tập kích trực diện vào những lực lượng đồn trú nước ngoài. Nhưng không, cho đến giờ, sau thỏa thuận, Taliban chỉ tiến đánh các cơ sở an ninh - quân sự của chính quyền Kabul.

Hòa bình trong thỏa thuận này là hòa bình cho riêng mối quan hệ Mỹ - Taliban. Còn với chuyện nội bộ của Afghanistan, Taliban có hướng tiếp cận khác để "nói chuyện phải quấy" với Kabul. Ngay cả những chuyên gia hàng đầu về địa chính trị Afghanistan - Trung Đông - Trung và Tây Á của phía Mỹ cũng từng cảnh báo việc Mỹ rút quân sẽ tạo nên những khoảng trống quyền lực, và do Kabul còn quá yếu để lấp đầy những khoảng trống đó nên Taliban sẽ tận dụng.

Cho đến giờ, xung đột về quan điểm giữa Taliban với Kabul, ở bề mặt, xoay quanh câu chuyện về số lượng và thời điểm trao đổi - phóng thích tù nhân. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, bất cứ nhà quan sát nào cũng hiểu: Taliban muốn tạo càng nhiều áp lực càng tốt, để đạt được càng nhiều ưu thế trên bàn đàm phán càng hay. Họ muốn chứng minh rằng Kabul ở vào vị thế yếu, với sức kiểm soát chỉ có thể trùm phủ tại các đô thị. Còn ngoài kia, ở các thôn quê, là một vùng ảnh hưởng khác. Và khi không đủ mạnh, Kabul sẽ buộc phải nhượng bộ nhiều hơn, đồng nghĩa với việc Taliban có thể giành lại được nhiều quyền lực đã mất hơn.

Và cuối cùng, điểm then chốt của ván bài địa chính trị này không nằm trên lãnh thổ Afghanistan. Nó nằm tại các phòng họp ở Washinghton, hoặc tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương. Quân đội Mỹ đã đến, đã lật đổ một chính quyền (Taliban, năm 2001, sau cuộc tấn công khủng bố "Tháp đôi 11/9"), đã ở lại 20 năm.

Nhưng, sau hai thập kỷ, họ không có cách nào dập tắt hoàn toàn được những ngọn lửa phản kháng cùng tâm lý "bài Mỹ" tại đây, qua đó không cách nào triệt phá được hoàn toàn những căn cứ cuối cùng của Taliban. Đồng thời, họ cũng chẳng xây dựng được một chính quyền "thế thân" đủ mạnh mẽ và vững vàng.

Chính nước Mỹ đã mệt mỏi, đã chán chường, đã tìm mọi cách để phủi tay khỏi khung cảnh hỗn loạn mà họ tạo nên. Và bây giờ, họ bằng lòng với vai trò "trung gian hòa giải", như một phía vô can, để có thể hối thúc các bên "dẹp bỏ thù hận, gác lại bất đồng, chung tay chống kẻ thù chung là đại dịch COVID-19" như lời đặc phái viên cao cấp về Afghanistan của Mỹ, Zalmay Khalilzad.

Song, cho dù cũng khá nhiều đường nét trào lộng, điều đáng buồn là những lời kêu gọi đó lại không thể bị phản bác. Quả thực, lúc này chính là lúc mọi phe phái đối địch ở quốc gia Trung Á đó đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của mình…

Thiên Thư

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/nghich-ly-khong-he-bat-ngo-593598/