Nghịch lý lò đào tạo PSG

Paris Saint Germain (PSG) sở hữu lò đào tạo đẳng cấp thế giới, nhưng lại có rất nhiều 'sản phẩm' không ở lại phục vụ đội bóng nhà giàu này của nước Pháp.

Lần hiếm hoi Weah (giữa) khi còn ở PSG vào sân thay cho Neymar. Ảnh: bleacherreport

Lần hiếm hoi Weah (giữa) khi còn ở PSG vào sân thay cho Neymar. Ảnh: bleacherreport

Khi liệt kê những cuộc chia tay giữa các “sao mai” và PSG, danh sách này rất dài và sẽ còn dài thêm. Hè năm ngoái, PSG bán Moussa Diaby, Stanley N’Soki, Christopher Nkunku, Timothy Weah và Arthur Zagre với tổng cộng 54 triệu Euro. Tất cả đều dưới 21 tuổi và từng gia nhập học viện trẻ trong độ tuổi 12-15. Trước đó, Matteo Guendouzi, Kingsley Coman, Mike Maignan, Moussa Dembele cũng quyết định rời sân Công viên các Hoàng tử. Điều gì đang xảy ra với lò đào tạo PSG khi những tài năng trẻ tốt nhất đều lần lượt ra đi, thậm chí có những cầu thủ chưa đá một phút nào cho đội một?

Theo kênh ESPN, những công dân Paris thường thích gia nhập học viện khác ngoài PSG bởi họ tin chắc sẽ có con đường thông thoáng hơn để đến đội một. Đây chính là điều đã xảy ra với tiền vệ Paul Pogba, người đã chọn lò đào tạo Le Havre hoặc Thierry Henry và Mbappe đều đến với Monaco. Paris hoa lệ và khu vực lân cận là một trong những cái nôi ươm mầm tài năng lớn nhất trên thế giới. Ở World Cup 2018, 1/3 tuyển thủ Pháp vô địch giải đấu đó xuất thân từ “Kinh đô ánh sáng” như Pogba, Mbappe, Kimpembe, Alphonse Areola, N’Golo Kante và Blaise Matuidi.

Lúc chính thức thâu tóm PSG hồi Hè 2011, các ông chủ người Qatar không giấu tham vọng xây dựng một đội bóng có thể thống trị bóng đá Pháp và cả Champions League. Kèm theo đó là thông điệp rõ ràng: dồn sức đào tạo cầu thủ trẻ thay vì chiêu mộ siêu sao Lionel Messi. Nói cách khác, PSG sẽ tự tìm và đào tạo những Messi mới, rồi tỏa sáng trong màu áo đội bóng thủ đô Paris. Do vậy, PSG chi rất nhiều tiền, mỗi năm rót tới 10 triệu Euro cho học viện và kết quả thu về không quá thất vọng. Năm rồi, Liên đoàn Bóng đá Pháp vinh danh học viện PSG là nơi đào tạo cầu thủ trẻ tốt nhất đất nước hình lục lăng, qua đó cũng kết thúc sự thống trị lâu nay của Lyon. Thế nhưng, mục tiêu chính là trình làng những Messi mới thì PSG vẫn chưa đạt được dù đã gần 10 năm trôi qua. Trong khi đó, những cầu thủ trẻ đầy triển vọng của họ liên tục cập bến những đội bóng khác.

Có 2 nguyên nhân chính lý giải những cuộc tháo chạy này. Thứ nhất, đường lên đội một khá hẹp và khi lên đây được thì có rất ít thời gian thi đấu. Ở một đội bóng toàn siêu sao, cầu thủ trẻ phải thực sự xuất sắc và giỏi hơn những tên tuổi lớn hơn mới có thể ra sân đều đặn. Coman không thể chờ thêm để có cơ hội thi đấu cho đội một, khi cựu HLV Laurent Blanc từng “ghìm” anh ở mùa giải 2013-2014. Diaby và Nkunku cũng không nghĩ rằng HLV Thomas Tuchel đủ tin tưởng để sử dụng họ thường xuyên. Do vậy, Nkunku và Diaby chọn Bundesliga làm nơi phát triển tài năng. Cầu thủ chạy cánh 20 tuổi Diaby được đảm bảo một suất đá chính tại Leverkusen. Trong khi đó, Weah đang là hạt nhân trên hàng công Lille. Thật ra, có vài cầu thủ hiếm hoi trưởng thành từ lò đào tạo PSG chứng tỏ được khả năng ở đội một, chẳng hạn như hậu vệ Presnel Kimpembe và Adrien Rabiot. Nhưng rồi Rabiot cũng bị hất cẳng sang Juventus hồi Hè 2019, trong khi Kimpembe ở lại chật vật tranh giành vị trí chính thức. Các cầu thủ trẻ PSG nhìn vào những tấm gương này và chẳng còn chút hy vọng nào. Do đó, khi tốt nghiệp họ chỉ mong thoát ly càng sớm càng tốt.

Về phần mình, giới chủ Qatar giờ đây quay sang những ngôi sao lớn như Neymar hoặc Kylian Mbappe vì nhiều mục đích: đánh bóng hình ảnh của PSG, thu về lợi nhuận từ hoạt động thương mại/tài trợ và gặt hái những thành công tức thời.

BÌNH DƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nghich-ly-lo-dao-tao-psg-a122089.html