Nghịch lý môi giới chứng khoán: Thị phần càng cao, lợi nhuận càng thấp?

Có một số công ty chứng khoán thị phần lớn nhưng doanh thu môi giới lại rất nhỏ, đồng thời lợi nhuận từ mảng môi giới gần như không có vì đó bản chất là tự doanh...

Doanh thu môi giới của 10 công ty thị phần lớn nhất.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) mới đây đã công bố thị phần giá trị giao dịch môi giới quý 2 và 6 tháng đầu năm năm 2021 của 10 công ty chứng khoán hàng đầu. Hiện, top 10 công ty chứng khoán chiếm 65,04% giá trị thị phần.

Chứng khoán VPS tiếp tục dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE. SSI đứng ở vị trí thứ 2 với thị phần 10,97%; Chứng khoán HSC vị trí thứ 3 với thị phần 7,05%, Chứng khoán VNDirect thứ tư thị phần 6,92%.

Top 10 công ty chứng khoán thị phần lớn quý 2/2021.

Ghi nhận của VnEconomy cho thấy, có sự trái chiều giữa thị phần và lợi nhuận nhận được giữa các công ty chứng khoán.

Mặc dù là quán quân thị phần môi giới liên tiếp 2 quý gần đây song VPS lại đang có khoản lợi nhuận khá thấp so với các công ty chứng khoán khác. Quý 2/2021, VPS ghi nhận doanh thu từ mảng môi giới 746 tỷ đồng, tăng gần gấp 7 lần so với quý 2/2020; chi phí môi giới chứng khoán cũng tăng mạnh lên 580,7 tỷ đồng dẫn đến lãi từ hoạt động môi giới 166 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, VPS lãi từ hoạt động môi giới 237 tỷ đồng, tuy nhiên mức này thấp hơn đáng kể so với lãi của vị trí thứ 2 SSI, thứ 3 HSC, thậm chí là cả vị trí thứ 7 - TCBS. Nếu xếp hạng lợi nhuận môi giới trong quý 2/2021 của 10 công ty chứng khoán thì VPS ở vị trí thứ 4.

Ở vị trí thứ 2 thị phần môi giới - Chứng khoán SSI ghi nhận doanh thu hoạt động môi giới 623,5 tỷ đồng trong quý 2/2021, tăng 227%. Chi phí môi giới chứng khoán trong kỳ 369 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động môi giới 254,5 tỷ đồng. Mặc dù ở vị trí thứ 2 thị phần môi giới song SSI mới là quán quân lợi nhuận thu được từ mảng này, cao hơn so với con số 166 tỷ đồng của VPS. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, SSI lãi từ hoạt động môi giới 434 tỷ đồng.

Vị trí thứ 3 thị phần môi giới là Chứng khoán HSC ghi nhận 360,7 tỷ đồng từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán trong quý 2/2021, tăng gấp đôi so với con số 150 tỷ đồng của quý 2/2020. Sau khi trừ đi chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán, HSC còn lãi 175 tỷ đồng, cao hơn cả lãi môi giới của VPS. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HSC ghi nhận lãi 315 tỷ đồng từ môi giới chứng khoán.

Chứng khoán VnDirect cũng thu được 371 tỷ đồng từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán trong quý vừa qua, sau khi trừ đi chi phí môi giới, lãi từ nghiệp vụ này 159 tỷ đồng, gần bằng với VPS. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VnDirect lãi 290 tỷ đồng. TCBS dù thị phần ở vị trí thứ 7 song công ty này ghi nhận khoản lãi lớn 167 tỷ đồng từ môi giới so với VPS vị trí số 1, HSC, VNDS, VCSC, MAS.

Đáng lưu ý, Chứng khoán KIS Việt Nam đã lọt vào top 10 thị phần, đạt thị phần môi giới cổ phiếu 2,79%. Trong khi đó, chứng khoán BSC chính thức bị loại khỏi top 10 thị phần. Doanh thu và lợi nhuận từ nghiệp vụ môi giới của KIS trong quý này lần lượt 110 tỷ đồng và 30 tỷ đồng. Trong khi đó, các công ty còn lại ghi nhận lợi nhuận môi giới rất thấp, chỉ khoảng từ 30-90 tỷ đồng trong quý 2/2021.

Không khó lý giải tình trạng thị phần ngược chiều lợi nhuận giữa các công ty chứng khoán. Chẳng hạn như VPS, dù đứng top đầu thị phần song lãi từ môi giới lại ở vị trí thứ 4 do VPS đã việc áp dụng nhiều chính sách ưu đãi giao dịch như miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư mới, miễn phí giao dịch trên tài khoản đuôi 1, tức tài khoản không margin. Kèm theo là tỷ lệ hoa hồng chia cho môi giới tới 68%, thay vì 30 - 40% như các công ty khác…

Trao đổi về vấn đề này, một giám đốc công ty chứng khoán cho rằng, thị phần môi giới ở một số công ty chứng khoán lớn chưa hẳn là thị phần thật sự vì họ mua cổ phiếu cơ sở và bán khống chỉ số index. Đối với một số công ty chứng khoán khác muốn đẩy thị phần lên thì có những phiên giao dịch tự doanh lên tới cả nghìn tỷ. Tuy làm vậy thì nguồn lực lớn và lãng phí. Chính vì vậy, có một số công ty chứng khoán thị phần lớn nhưng doanh thu môi giới lại rất nhỏ, đồng thời lợi nhuận từ mảng môi giới gần như không có vì đó bản chất là tự doanh.

Dù vậy thì việc các công ty chứng khoán chấp nhận giảm phí môi giới, nhận lãi thấp thì người được lợi lớn nhất vẫn là nhà đầu tư.

Kiều Linh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghich-ly-moi-gioi-chung-khoan-thi-phan-cang-cao-loi-nhuan-cang-thap.htm