Nghịch lý ngành điện?

Việc Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “đau lòng” vì lương nhân viên chỉ có 7,3 triệu đồng/tháng tại buổi họp công khai khoản lỗ của ngành điện chiều 19/11 khiến không ít người ngạc nhiên. Thậm chí ông Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh còn cho rằng: “Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”.

Dư luận ngạc nhiên vì trong khi ngành điện lúc nào cũng kêu lỗ, thậm chí lỗ nặng nhưng mức thu nhập trung bình của cán bộ công nhân viên EVN như thế không phải là thấp. Bởi nếu xét trên bình diện mặt bằng chung, tiền lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2010 là khoảng từ 3,2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng. Các ngành trả lương cao như ngân hàng cũng chỉ ở mức bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng (theo kết quả điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, công bố tháng 10/2011).

Các đại biểu cho rằng trả lương cao trong khi kinh doanh thua lỗ là khó chấp nhận (Ảnh minh họa)

Chính những lời “thanh minh” trên của người đứng đầu ngành điện lực dẫn dư luận từ sự ngạc nhiên ban đầu đến phản ứng vì trong khi ngành điện kinh doanh vẫn lỗ với số nợ lên tới trên 10.000 tỷ đồng thì mức lương trung bình như thế là quá cao. Trước vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khi trao đổi với báo chí đã cho rằng, khi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN có nguyên nhân khách quan nhưng hoạt động thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính. T

heo đại biểu Trần Du Lịch, có ba vấn đề cần lưu ý là EVN kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, từ viễn thông tới bất động sản dẫn đến phân tán nguồn lực. Thứ hai, phải minh bạch trách nhiệm của EVN trong các khoản đầu tư ngoài ngành. Nếu thuần túy là kinh doanh gây lỗ thì phải xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo trong việc quyết định đầu tư. Thứ ba, cơ sở tăng giá điện phải minh bạch, làm rõ giá thành sản xuất, kinh doanh điện, trong đó có nỗ lực của EVN về việc chống thất thoát điện như thế nào. Phải làm rõ như vậy để có cơ sở đòi hỏi trách nhiệm, không đơn giản là EVN cứ nói thế nào, tin thế ấy rồi cho tăng giá điện.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Quang - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc EVN đưa vào khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng phải kiểm tra lại và dứt khoát những chi phí không liên quan đến việc phát điện mà trước đó chưa tính hết thì phải tính vào. Đồng thời, cơ quan kiểm toán cần lưu ý khi tính toán giá thành điện những chi phí không phục vụ sản xuất điện phải triệt để loại ra ngoài như các khoản đầu tư ngoài.

Có một thực tế rằng các tập đoàn Nhà nước, trong đó có EVN được hưởng ưu đãi rất nhiều về vốn, được ưu tiên vay vốn ODA, được Chính phủ bảo lãnh vay vốn ngân hàng trong và ngoài nước… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà hoạt động của EVN vẫn chưa hiệu quả. TS.Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề lãi, lỗ bao nhiêu, lương cao hay thấp của EVN chỉ là nhỏ lẻ, mà quan trọng bây giờ là phải có cuộc đại phẫu tổng thể cả ngành điện. Bây giờ không phải chữa theo cách xem nó nổi u ở đâu thì cắt ở đó mà phải kiểm tra tổng thể, xác định đúng nguyên nhân để có cách trị liệu hiệu quả, nếu cần thiết phải làm cuộc đại phẫu cũng nên làm.

Nguyễn Thanh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20111125105248293p61c71/nghich-ly-nganh-dien.htm