Nghịch lý: 'Ngập ngụa' trong rác thải, Việt Nam vẫn nhập phế liệu nhiều thứ 2 thế giới

Công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP. Nhưng cùng với tốc độ công nghiệp hóa, là sự phát triển của chất thải công nghiệp, kéo theo những nguy cơ về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống con người.

Thời gian qua, thực trạng việc xử lý và quản lý chất thải công nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, ngành công nghiệp tái chế chất thải công nghiệp còn chưa đáp ứng được thực tế lượng phát sinh chất thải này.

Theo số liệu thống kê, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.

Theo quy định, chất thải công nghiệp phải được chủ nguồn thải phân loại, lưu giữ, ký hợp đồng và chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý. Thế nhưng, để tiết kiệm chi phí xử lí nguồn chất thải này, một số doanh nghiệp đã lén lút đổ trộm ra hàng trăm tấn chất thải công nghiệp ra những khu vực đất trống, vườn cây, hoặc đổ xuống sông, ao hồ... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để giảm thiểu tác hại của rác thải công nghiệp, theo quy định, các chất thải công nghiệp thông thường được phép tận dụng để tái sử dụng, tái chế làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành khác. Cụ thể, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện - đây là loại chất thải công nghiệp có khối lượng lớn ở nước ta, hiện đã được tái chế để làm vật liệu xây dựng.

Tái chế rác thải công nghiệp đã và đang mang lại những lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường. Nhưng có một thực tế, ngành công nghiệp tái chế ở nước ta còn nhiều bất cập chưa thể giải quyết. Nghịch lý hơn, dù rác thải trong nước đang “ngập ngụa” nhưng Việt Nam lại là nước nhập phế liệu đứng thứ 2 trên thế giới về để tái chế, tái sử dụng.

Để phát triển ngành công nghiệp tái chế bền vững trong thời gian tới, cần phải tháo gỡ ngay những khó khăn hiện có về chính sách, công nghệ, và đặc biệt cần phải xem chất thải nói chung, đặc biệt chất thải công nghiệp là một nguồn tài nguyên có thể tái tạo, mang lại nguồn lợi kép về kinh tế và môi trường, cần hơn nữa là sự nhìn nhận đúng đắn về các sản phẩm tái chế từ chất thải công nghiệp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghich-ly-ngap-ngua-trong-rac-thai-viet-nam-van-nhap-phe-lieu-nhieu-thu-2-the-gioi-200952.htm