Nghịch lý ở Bạc Liêu: Thiếu nước mặn giữa mùa hạn, mặn

Ông Lại Thanh Ẩn - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu - khẳng định, dù cố gắng đến đâu cũng không thể đủ nước mặn cho trên 1.000ha nuôi tôm tại huyện Hồng Dân.

Ông Huỳnh Văn Phó (người đeo kính) than thiếu nước mặn với Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (người đối diện). Ảnh: NHẬT HỒ

Nghịch lý thiếu nước mặn

Trong khi một số địa phương đang liên tiếp cảnh báo mặn xâm nhập sâu vào đất liền ảnh hưởng đến sản xuất thì tại Bạc Liêu nỗi lo thiếu nước mặn nuôi tôm đang thường trực tại vùng chuyển đổi lúa - tôm.

Ông Nguyễn Văn Tây - ấp Phước Bình, xã Phước Long, huyện Phước Long - chép miệng: “Mọi năm giờ này chúng tôi đã thả tôm cả tháng rồi. Năm nay độ mặn thấp quá không dám thả tôm, sợ thiếu nước mặn về”. Ông Tây cùng một số bà con ở đây đã chuẩn bị sẵn sàng cho một mùa vụ tôm trên đất vừa chuyển đổi từ trồng lúa sang lúa - tôm đang chuẩn bị sẵn sàng chỉ chờ đủ nước là thả giống ngay.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Phó - ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân - đã thả giống xuống 4ha vuông tôm của mình dù độ mặn chưa cao. Ông Phó phân trần: “Ở đây mô hình lúa - tôm thành công lắm. Năm trước mặn nhiều tôm, tôi lãi trên 200 triệu. Đến mùa mưa tôi trồng lúa cũng thu trên 100 triệu. Nếu nước mặn, ngọt về đúng quy luật thì lo gì nông dân không giàu. Có điều năm nay nước mặn về trễ quá”.

Nếu như năm 2017, vào thời điểm này nhiều nơi đã có nước mặn để đưa vào đồng ruộng, thì hiện nay nhiều tuyến kênh tại huyện Phước Long, Hồng Dân độ mặn chỉ dao động từ 1 - 2 phần nghìn. Trong khi để con tôm sống được trên đất lúa, độ mặn thấp nhất phải từ 7 - 10 phần nghìn.

Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân Võ Văn Thum cho biết: “Năm nay nhiều tuyến kênh trên địa bàn xã độ mặn đo được còn quá thấp nên nông dân vẫn chưa thể thả tôm nuôi”. Lộc Ninh có hơn 4.338ha diện tích nuôi tôm trên đất lúa - tôm. Đến nay gần 2.600 hộ nông dân đã cải tạo xong, chỉ chờ có nước mặn là thả nuôi ngay. Không riêng gì xã Lộc Ninh mà các địa phương khác như: Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A của huyện Hồng Dân nhiều nơi vẫn còn thiếu mặn để nuôi tôm.

Khó đáp ứng nhu cầu nước mặn

Trước tình hình thiếu nước mặn để nuôi tôm, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cùng một số sở, ngành, địa phương đã khảo sát thực tế tại vùng “thiếu mặn” gay gắt thuộc huyện Hồng Dân, Phước Long. Báo cáo với đoàn công tác, ông Phan Thanh Duy - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân - cho biết, huyện có trên 10.000 diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm, hiện nay đang bước vào chính vụ nuôi tôm, khả năng thiếu nước mặn lên đến trên 4.000ha. Trong khi đó, huyện Phước Long cho biết có đến gần 500ha đang thiếu nước mặn.

Ông Lại Thanh Ẩn cho biết, giải pháp duy nhất hiện nay là điều tiết nước mặn từ các cống dọc theo QL1A lấy nước mặn về. Tuy nhiên, nếu mở cống cho mặn vào nhiều khả năng mặn sẽ tràn qua Ninh Quới đến Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) nên không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân cần nước mặn nuôi tôm. “Dù chúng tôi có cố gắng đến đâu cũng vẫn còn đến trên 1.000ha thiếu nước mặn để nuôi tôm trong năm nay” - ông Ẩn cho biết.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo các địa phương cần thông báo rộng rãi đến người dân lịch điều tiết nước. Khi có nước mặn ở các kênh chủ động bơm vào đầm trữ mặn để rút ngắn thời gian mở cống lấy nước mặn không để mặn tràn vào vùng ngọt.

Về lâu dài, ông Trung cho biết, Chính phủ đã chấp nhận cho xây dựng âu thuyền Ninh Quới để điều tiết mặn, ngọt ổn định. Đối với vùng giáp ranh, mặn về ít địa phương cần khuyến cáo người dân lựa chọn vật nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/nghich-ly-o-bac-lieu-thieu-nuoc-man-giua-mua-han-man-597401.ldo