Nghịch lý quân đội Mỹ: Tiếng là máy bay không người lái nhưng cần quá nhiều người vận hành

Bộ Chỉ huy Các lực lượng đặc biệt của Mỹ (SOCOM) muốn các máy bay trinh sát trang bị vũ khí hỗ trợ các lực lượng trên mặt đất. Câu hỏi đặt ra là sao họ không dùng máy bay không người lái (drone)? Thực tế là drone có thể thực hiện công việc nếu chúng không đòi hỏi quá nhiều nhân lực.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ thường sử dụng máy bay cánh quạt hạng nhẹ cất cánh từ các sân bay dã chiến thu thập thông tin tình báo và hỗ trợ trinh sát ở các vùng xa xôi. Phiên bản hiện tại là U-28A, một máy bay thương mại loại Pilatus PC-12 được trang bị các cảm biến tiên tiến và thông tin liên lạc cấp quân sự. Lực lượng trinh sát có vũ trang (Armed Overwatch) sẽ có 75 máy bay mới không chỉ là những con mắt trên bầu trời mà còn có thể can thiệp bằng bom và tên lửa, hỗ trợ đường không tầm gần cho lực lượng mặt đất hoặc thực hiện các cuộc tấn công chính xác khi cần thiết.

Việc mua sắm, được lên kế hoạch vào năm ngoái, đã bị trì hoãn, phần lớn là do đại dịch. Các loại khí tài trong danh mục bao gồm Beechcraft AT-6 Wolverine, một phiên bản vũ trang của dòng máy bay huấn luyện T-6 Texan II và Sierra Nevada / Embraer A-29, phiên bản do Mỹ sản xuất của dòng cường kích hạng nhẹ cánh quạt Embraer EMB 314 Super Tucano đã được cung cấp cho Không quân Afghanistan theo hợp đồng của Mỹ. Giờ đây, một đối thủ mới đã xuất hiện: máy bay không người lái MQ-9 Reaper.

SOCOM đã vận hành Reaper, bao gồm một phiên bản được sửa đổi đặc biệt được gọi là MALET để tấn công các mục tiêu di động, nhưng nhiệm vụ trinh sát có vũ trang sẽ đưa chúng vào các khu vực tác chiến mới.

Trung tướng Mark Kelly, phó tham mưu trưởng tác chiến của Không quân Mỹ, mới đây nói với các phóng viên rằng độ bền cực cao của Reaper so với các máy bay khác (có thể hoạt động liên tục 32 giờ) khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn tại các khu vực tác chiến như Châu Phi, nơi máy bay cần bao quát trong bán kính hoạt động rất lớn.

Tướng Kelly nói với Janes Defense: “Hiếm có nền tảng nào trên thế giới tốt hơn MQ-9 về giới hạn thời gian hoạt động”.

Một ưu điểm lớn nữa là trong trường hợp máy bay bị mất, không cần cứu hộ phi công. Những nhiệm vụ trinh sát trong khu vực thù địch rất nguy hiểm và ít có khả năng được hỗ trợ đầy đủ, chẳng hạn như việc phải giải cứu Scott O'Grady, phi công Mỹ lái tiêm kích F-16 bị bắn hạ phía sau chiến tuyến của kẻ thù ở Bosnia năm 1995. Ở Đông Phi, một hoạt động như vậy sẽ còn khó khăn hơn, và rủi ro khiến các hoạt động cứu hộ không thể thực hiện. Trong khi đó, người ta dễ dàng phái một chiếc máy bay không người lái, dù đắt tiền, vào vùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, Reaper có thể có một vấn đề khác: không giống như các máy bay có người lái như Wolverine và A29, nó đòi hỏi sự chăm sóc và chú ý đáng kể trên mặt đất. Vào ngày 26 tháng 2, Trung tướng James C. “Jim” Slife của Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Lực lượng Không quân Mỹ đã gợi ý với các phóng viên rằng yêu cầu nhân lực có thể quá lớn khiến Reaper khó có thể thực hiện được vai trò trinh sát có vũ trang ở các vùng sâu vùng xa.

Mặc dù Reaper có thể được điều khiển qua vệ tinh từ Căn cứ Không quân Creech ở bang Nevada, Mỹ, việc cất cánh và hạ cánh được thực hiện bởi một phi hành đoàn trên mặt đất tại khu vực chiến trường. Điều này có nghĩa là nó không chỉ cần phi công và người vận hành cảm biến mà còn cần một trạm điều khiển mặt đất hoàn chỉnh với các kỹ thuật viên liên quan.

Reaper có những nhu cầu đặc biệt khác. Các thiết bị điện tử trong khoang điện tử hàng không dễ bị quá nhiệt, máy ảnh và radar có thể ngừng hoạt động hoặc pin không thể sạc lại dẫn đến hỏng hóc trong khi thực hiện nhiệm vụ. Một bộ làm mát đặc biệt được gắn trên xe kéo và được cấp nguồn bằng máy phát điện riêng giúp giữ cho các thiết bị điện tử quan trọng của Reaper luôn mát trên đường băng, làm tăng thêm nhu cầu nhân lực phi hành đoàn mặt đất.

Về dài hạn, có những kế hoạch lớn hơn để các máy bay không người lái có thể thực hiện các hoạt động từ các căn cứ hoàn toàn tự động, trong khi các nhà khai thác thương mại như Amazon và Google thúc đẩy kế hoạch giao hàng bằng máy bay không người lái không cần có sự can dự của con người. Nhưng hiện tại, những chiếc máy bay không người lái cỡ lớn như Reaper vẫn đòi hỏi một lượng nhân lực đáng kể - và đó có thể được coi là một điểm yếu cần khắc phục.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/nghich-ly-quan-doi-my-tieng-la-may-bay-khong-nguoi-lai-nhung-can-qua-nhieu-nguoi-van-hanh-1802980.tpo