Nghịch lý quân đội Saudi: Vũ khí hiện đại, sức chiến đấu yếu

Quân đội Saudi Arabia được trang bị những vũ khí thuộc loại hiện đại nhất Trung Đông nhưng họ lại không thể nắm ưu thế trong cuộc chiến với phiến quân tại Yemen.

Vài năm trở lại đây, Saudi Arabia đã dẫn đầu cuộc can thiệp quân sự vào nội chiến ở Yemen. Đó là một động lực đằng sau cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar và các nước láng giềng, cũng như can thiệp chính trị vào Lebanon. Những việc làm này dường như có một mục tiêu chung nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran đối với Trung Đông.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng tham vọng của Saudi Arabia bị giới hạn bởi năng lực hạn chế của quân đội nước này. Lực lượng quân sự Riyadh được xem là không hiệu quả dù quốc gia này là một trong những nước chi tiền cho quốc phòng nhiều nhất thế giới.

Vũ khí hiện đại nhất Trung Đông

Michael Knights, chuyên gia về quân sự và an ninh thuộc Viện Washington về Chính sách cận Đông, cho biết quân đội Saudi Arabia đang đối mặt với 2 vấn đề nan giải.

Quy mô quân đội quá lớn nên dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về tổ chức và chất lượng chiến đấu. Kho vũ khí của họ được thiết kế cho cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn mà không phù hợp với cuộc chiến ủy nhiệm của thế kỷ 21.

Sự kém hiệu quả trong chiến đấu của quân đội Saudi Arabia hoàn toàn không phải ở vấn đề trang bị. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, ngân sách quốc phòng Saudi Arabia năm 2016 đứng thứ 4 thế giới. Năm 2014, Saudi Arabia là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Các năm 2015 và 2016, Riyadh đứng thứ hai trong danh sách những nước mua nhiều vũ khí nhất.

Không quân Hoàng gia Saudi Arabia có số lượng tiêm kích F-15 lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: AP.

Không quân Hoàng gia Saudi Arabia có số lượng tiêm kích F-15 lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: AP.

Những vũ khí mà Saudi Arabia mua đều là các sản phẩm do Mỹ, châu Âu sản xuất có chất lượng hàng đầu thế giới. Kho vũ khí của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia bao gồm tiêm kích Eurofighter Typhoon, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của châu Âu.

Phi đội chiến đấu cơ F-15 Eagle, vị vua không thể tranh cãi trên bầu trời trong hơn 3 thập kỷ qua. Thậm chí, không quân nước này còn đặt mua phiên bản F-15SA (Saudi Advanced) phát triển riêng và bắt đầu đưa vào hoạt động trong năm nay. Dàn chiến đấu cơ của Saudi Arabia có lẽ là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới.

Lực lượng mặt đất Saudi Arabia có gần như mọi vũ khí tương tự quân đội Mỹ. Từ xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley đến trực thăng tấn công AH-64 Apache và UH-60 Black Hawk.

Các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Saudi Arabia đều được đóng mới tại các xưởng đóng tàu của Mỹ và châu Âu. Chiến hạm mới nhất của họ là khinh hạm lớp Al Riyadh, phiên bản sửa đổi từ khinh hạm tàng hình lớp La Fayette của Pháp. Quân đội Saudi Arabia là một trong những lực lượng được trang bị tốt nhất thế giới nhưng điều đó không đi cùng với sức mạnh chiến đấu tương xứng.

Thất thế trước phiến quân

Bằng chứng về năng lực chiến đấu kém của quân đội Saudi Arabia được bộc lộ ở phía nam biên giới với Yemen. Gần 3 năm sau cuộc can thiệp quân sự do Riyadh dẫn đầu, phiến quân Houthi vẫn nắm giữ thành phố lớn nhất Yemen là Sana’a.

Phiến quân Houthi cũng đã chứng minh khả năng thực hiện các cuộc tấn công cao cấp vào quân đội Saudi. Phiến quân đã thực hiện nhiều cuộc đột kích sang biên giới Saudi Arabia, đánh chìm tàu chiến của UAE và Saudi Arabia, phóng tên lửa đạn đạo vào trung tâm Riyadh.

Dàn xe bọc thép tối tân của quân đội Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Theo một báo cáo của New York Times, ngày 4/12, một tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi phóng đi đã phát nổ tại sân bay gần Thủ đô Riyadh chứ không bị bắn hạ như tuyên bố của quân đội Saudi Arabia.

Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đang gặp khó khăn trong cuộc chiến với phiến quân Houthi được đào tạo bài bản và trang bị đầy đủ. Quân đội Saudi Arabia không triển khai nhiều lực lượng mặt đất, điều cần có để chiến thắng trên chiến trường.

“Tôi không biết liệu quân đội Saudi Arabia có thể gây ảnh hưởng đến cuộc chiến ở Yemen hay không, vì chúng ta chỉ nhìn thấy việc triển khai lực lượng trên không”, nhà phân tích Knights nói. Ông cho biết thêm rằng một chiến dịch chỉ có không quân sẽ không tạo được hiệu quả lớn, đặc biệt là trong điều kiện địa hình phức tạp và kẻ thù giỏi trong việc ngụy trang.

Nhà phân tích Knights ước tính Saudi Arabia cần triển khai từ 10.000-20.000 quân mới có thể tạo ra ảnh hưởng mong muốn. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã không triển khai lực lượng mặt đất quy mô lớn. Ông Knights nhận định lãnh đạo Riyadh không dám triển khai lực lượng mặt đất quy mô lớn vì sợ lộ điểm yếu.

Bản đồ chiến sự tại Yemen: Màu đỏ do quân đội chính phủ kiểm soát, màu trắng do Al-Qaeda kiểm soát và màu xanh do phiến quân Houthi nắm giữ. Đồ họa: Wikipedia.

Quân đội Saudi Arabia thiếu thiết bị hậu cần và kinh nghiệm để thực hiện chiến dịch lớn như vậy. “Họ không có kinh nghiệm trong một cuộc viễn chinh. Chiến dịch Bão táp Sa mạc chống lại Iraq mà Saudi Arabia tham gia được dẫn dắt bởi Mỹ”, ông Knights nói.

Bên cạnh đó, lực lượng mặt đất Saudi Arabia không được đào tạo một cách bài bản cho những chiến dịch quy mô lớn. Do đó, việc triển khai chiến đấu ở Yemen có thể phải hứng chịu nhiều tổn thất hơn là lợi ích mang lại.

Bilal Saab, giám đốc Chương trình Quốc phòng và An ninh tại Viện Trung Đông, nói với Business Insider: “Saudi Arabia hiểu được tiềm năng gây tổn hại cho lực lượng mặt đất. Nếu triển khai chiến đấu ở Yemen, thương vong mà họ phải hứng chịu có thể còn nhiều hơn những gì gây ra cho phiến quân”.

Chuyên gia Knights cho rằng quân đội Saudi Arabia cần giảm chi tiêu mua sắm vũ khí, tập trung vào tuyển dụng và đào tạo, nâng cao chất lượng chiến đấu cho các đơn vị thông qua hợp tác đào tạo với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ.

Không quân Saudi Arabia phô diễn sức mạnh Không quân Hoàng gia Saudi Arabia sở hữu phi đội tiêm kích hiện đại như Typhoon, F-15SA với sức mạnh tác chiến hàng đầu khu vực.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nghich-ly-quan-doi-saudi-vu-khi-hien-dai-suc-chien-dau-yeu-post805830.html