Nghịch lý thị trường bất động sản Bình Dương

KTNT – Mặc dù là một trong những tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn của cả nước và được nhiều tập đoàn lớn quan tâm đến 'miếng bánh' bất động sản, thế những, thị trường bất động sản Bình Dương vẫn mang gam màu tối so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Hút mạnh vốn FDI

Cùng với thành tích thu hút đầu tư nước ngoài nằm trong top đầu cả nước, những lợi thế về hạ tầng và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liên tục, Bình Dương là địa phương được kỳ vọng sẽ trở thành miền đất hứa cho hoạt động đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, năm 2016 thị trường bất động sản Bình Dương đã vắng bóng những nhà đầu tư lớn, rất ít dự án mới được triển khai, số lượng giao dịch mua bán giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều dãy nhà ở thành phố mới Bình Dương chưa có người ở

Thời điểm năm 2015, Bình Dương đã vượt kế hoạch 34% so với mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn 5 năm 2011-2015. Qua 5 năm Bình Dương đã thu hút được 6,7 tỷ USD vượt kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) đã đề ra mục tiêu thu hút 5 tỷ USD. Kết quả này đưa Bình Dương được xếp vào một trong năm địa phương thu hút vốn FDI cao của cả nước.

Qua năm 2016, Bình Dương đã thu hút được 1,047,78 triệu USD đạt 74,84% kế hoạch năm, cao hơn 89,4% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó cấp mới 100 dự án với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD và 60 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 347 triệu USD.

Từ đầu năm đến nay đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào địa bàn Bình Dương. Các nhà đầu tư Singapore dẫn đầu với 7 dự án mới, 8 lượt tăng vốn với số vốn đầu tư là 359,65 triệu USD (chiếm 34,3% tổng vốn đầu tư). Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 với vốn đầu tư là 129 triệu USD (chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với số vốn đầu tư là 84,95 triệu USD (chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư).

Lũy kế đến hết tháng 5/2016, Bình Dương có 2.687 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 24.697 triệu USD. Trong đó đầu tư vào các khu công nghiệp là 1.617 dự án với tổng vốn đầu tư là 16.260 triệu USD, chiếm 65,84% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh.

Thị trường đang chững lại

Có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đổ vốn vào Bình Dương như tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Phú Thăng Long (Đài Loan), Công ty TNHH MTV Setia Lái Thiêu (Malaysia), Goucco Land (Malaysia)… Các nhà đầu tư lớn khác như N.H.O hay VSIP của Singapore. Bên cạnh đó, nhiều công ty, tập đoàn trong nước cũng tham gia khá tích cực vào lĩnh vực bất động sản tại Bình Dương. Tuy nhiên, những doanh nghiệp để lại dấu ấn tại khu vực này chưa thật rõ nét.

Các giao dịch mua bán ở trung tâm thành phố Mới giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái

Nổi bật và được xem là dự án tạo lực hút mang tính đột phá là Khu đô thị Tokyu Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Becamex Tokyu, liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu Nhật Bản và Tập đoàn Becamex IDC của Việt Nam đầu tư. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt dự án khác như Khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree của Singapore; phố Golden Town, dự án Aroma.

Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Bình Dương có dấu hiệu chững lại, các giao dịch chậm, các dự án mới không được triển khai một phần do quỹ đất tại trung tâm đã không còn. Những khu vực cách trung tâm 20 - 30km thì quỹ đất còn nhiều, tập trung nhiều dự án lớn nhưng thanh khoản lại không cao. Thực tế căn hộ ở Bình Dương có thanh khoản tốt chỉ tập trung ở những dự án nhà ở xã hội có vị trí tại khu trung tâm, giá bán trên dưới 1 tỉ đồng, phù hợp với nhiều người dân, còn lại những dự án cách xa trung tâm thì thanh khoản không cao.

Theo chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, xét tổng thể giá căn hộ ở Bình Dương tăng chậm, mức tăng thấp hay gần như không tăng giá được. Nhiều khu vực như Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 hoặc thành phố mới có những dự án lớn bị đóng băng từ năm 2009 đến nay vẫn chưa giải quyết được. Theo đó, giá nhà đất tại Bình Dương tăng trung bình từ 10-15%, tùy vị trí và từng phân khúc, có những vị trí tăng 5 - 10%, cá biệt có những vị trí tăng đến 20%, nhưng phần lớn là biến động về giá đất nền, còn giá căn hộ hầu như không thay đổi.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, rõ ràng với nhiều lợi thế nhưng bức tranh bất động sản vẫn mang gam màu tối trong một thời gian dài là một điều vô cùng đáng tiếc với thị trường Bình Dương.

Mạnh Tiến

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nghich-ly-thi-truong-bat-dong-san-binh-duong-post7110.html