Nghịch lý thương hiệu Việt

GD&TĐ - Với xu hướng cạnh tranh bằng thương hiệu, các doanh nghiệp (DN) đang không ngừng tìm ra những cách thức sử dụng thương hiệu để định vị sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng (NTD).

Tuy nhiên, nhiều DN Việt lại chưa xem trọng, chú ý tới việc xây dựng thương hiệu, xuất khẩu nhiều nhưng rất ít NTD thế giới biết đến các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Vẫn thờ ơ với thương hiệu

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu như cách đây 10 năm, DN Việt chưa nhận thấy tầm quan trọng về chất lượng của sản phẩm, giờ đây, họ đã nhận diện được điều này. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần phải phát triển thương hiệu, thay đổi hình ảnh sản phẩm khi hướng tới các chuỗi giá trị.

Chẳng hạn như chè là một sản phẩm lâu đời ở Việt Nam với 350.000 nhà trồng chè. Nhưng hiện chỉ đứng thứ 7 trên thế giới về sản xuất chè và đứng thứ 9 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này nhưng tới nay vẫn chưa được biết đến là nước sản xuất và xuất khẩu chè hàng đầu trên thế giới.

Nguyên nhân là dù sản phẩm chè đa dạng nhưng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu chè đen, để rồi các DN nước ngoài mua lại và sau đó xử lý thành sản phẩm mang thương hiệu của họ, được bán ra với giá trị cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, chỉ dẫn địa lý góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ thực sự phát huy ý nghĩa và giá trị thực tế khi thiết lập được một hệ thống quản lý chặt chẽ, qua đó đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và khả năng truy xuất nguồn gốc, cũng như song song với nó là các hoạt động quảng bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để được sử dụng chỉ dẫn địa lý, các DN cần cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm và tuân thủ các yêu cầu kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất. Điều này giúp hình thành môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao uy tín cho DN. Theo số liệu khảo sát, NTD tại châu Âu sẵn sàng trả giá cao hơn 20 - 25% cho các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Tại Việt Nam, thời gian qua, các khảo sát cũng cho thấy, giá bán, sản lượng tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tăng từ 1,5 đến 2 lần so trước khi được bảo hộ. Rõ ràng, chỉ dẫn địa lý khi kết hợp và phát triển cùng với hệ thống nhận diện thương hiệu của DN sẽ mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho sản phẩm.

Cần sự chung sức của các DN

Theo các chuyên gia, DN cần quan tâm đúng mức đến chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu và yếu tố đầu tiên cần quan tâm là xu hướng tiêu dùng, để có chiến lược tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu có sức cạnh tranh, trước hết các DN Việt cần quan tâm những vấn đề như: Đông Nam Á là một thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư và hiện có 227 quốc gia đang đầu tư tại đây, Việt Nam là một trong 3 nước hấp dẫn của khu vực. Vì vậy sẽ có sự cạnh tranh rất lớn giữa các DN...

Chương trình thương hiệu quốc gia từ nay đến năm 2020 sẽ hướng tới tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu thông qua phối hợp các chương trình và hoạt động tương đồng về mục tiêu và nội dung của các bộ, ngành nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Tiếp tục hỗ trợ DN phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, tăng thị phần nội địa, xác định hướng xuất khẩu để làm nền tảng xây dựng thương hiệu quốc gia.

Đồng thời sẽ xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển thương hiệu cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; trên cơ sở phối hợp giữa thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý các thương hiệu địa phương sẽ tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu của các DN. Bởi trong phát triển thương hiệu, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ thật sự phát huy ý nghĩa và giá trị thực tế khi thiết lập được một hệ thống quản lý chặt chẽ, qua đó bảo đảm chất lượng, nguồn gốc và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hoạt động phát triển chỉ dẫn địa lý thời gian qua đã được các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, tổ chức hiệp hội quan tâm, bước đầu thu được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để hoạt động này phát triển, không chỉ đòi hỏi sự quan tâm của các cơ quan quản ly, mà còn cần sự đầu tư xứng đáng về thời gian, công sức và tài chính từ các DN.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện Việt Nam có gần 950 địa danh được sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ đặc thù của địa phương. Tính đến tháng 1/2017, tổng số có 55 chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký tại Việt Nam, trong đó có 49 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn ở nước ngoài...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nghich-ly-thuong-hieu-viet-3532411-b.html