Nghịch tử

Con Tuyền nhà ở bãi Thành vừa đen vừa còi. Nhưng mắt nó đẹp và miệng thì cười duyên duyên.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Ánh trăng mùa xuân chiếu chênh chếch bên hè phố, đủ soi rõ cái cổ áo màu đỏ chành trên ngực con gái. Nó mặc quần đùi, chân kéo lê đôi giày há mõm cùng với rổ ốc đã được vợt sạch dưới cái vòi nước sát cạnh con mương mà lũ bạn chúng nó quen mồm gọi là Cống Thối. Bên này hè phố bụi bặm, đèn đường đỏ quạch đọng trên những rổ vỏ ốc, những cái tăm đã dùng xỉa lên màn đêm thứ hương đặc sệt cay thoang thoảng mùi những con ốc thối… Mẹ nó đang đon đả luộc tiếp những mẻ ốc. Bà đon đả với lũ ốc thì đúng hơn, vì đôi mắt lờ đờ của người thiếu ngủ không thể nhìn khách ăn mà khích lệ được. Chỉ có đôi tay bà là khích lệ họ gọi thêm những đĩa, những bát tô.

Con Tuyền biết mẹ mình yếu lắm rồi. Nửa đêm nó choàng tay qua người mẹ thấy người lạnh đến rút xương. Mùi mồ hôi lạnh ngấm xuống gối, tanh tanh ốc.

Đêm mẹ nó chỉ mơ thấy rong rêu. Những loài rong rêu bám theo giấc mơ nặng nề của người đàn bà quanh năm không biết niềm vui phấn son.

Con Tuyền bảo:

- Sau này con kiếm thằng chồng có tiền lo cho mẹ. Mẹ khỏi bán ốc đêm đêm nữa. Con cũng không thích bán ốc. Con không thích làm đứa con gái bán ốc nuôi thân.

Mẹ nó bĩu môi:

- Làm sao mà mày khẳng định sẽ lấy được thằng chồng dư dả.

- Sao con không lấy được - Tuyền cãi - con dù sao cũng hạng hoa khôi xóm bãi này. Đầy thằng có tiền mắt toét môi thâm muốn mà con còn không thèm nhìn lấy một cái ấy chứ.

Mẹ nó cười:

- Tao bán ốc cả ngày đêm, có thấy thằng nào ra hồn tán tỉnh mày đâu. Toàn thằng trốn vợ đi ăn ốc với tình nhân tình ngãi, thằng thì nghiện, thằng thì cờ bạc. Khéo không lại rài rạc đời con ạ.

Nó nằm im lặng một lúc rồi lại thì thào với mẹ:

- Con sẽ ôn thi đại học mẹ ạ.

Mẹ nó húng hắng ho rồi bảo:

- Thi có nổi không lại chỉ tổ tốn tiền. Cứ kiếm thằng chồng là xong khỏi học hành thi cử. Đẻ cho tao một đứa cháu, lớn lên phụ bà ngoại bán ốc.

Con Tuyền cáu:

- Mẹ định bán ốc gia truyền đấy à? Con không bao giờ muốn mẹ bán ốc. Lại là bán ốc ở khu bãi nữa chứ, Cống Thối bên cạnh. Cuộc đời thật hết biết chữ ngờ. Đi đâu bọn bạn bè cũng bảo con Tuyền ốc, nghe nhức hết cả tim. Mẹ, hình như nhà mình ngày xưa có làm hương?

- Có, nhưng bị thất truyền rồi!

- Vậy sao?

Nằm trong bóng đêm, con Tuyền nghĩ Đông nghĩ Tây. Nhưng cứ phải nghe tiếng xe ầm ì ngoài đường và rồi có tiếng đám thanh niên chơi đêm rú xe chạy trốn cảnh sát cơ động đang dượt đuổi phía sau.

Mấy hôm sau Tuyền bớt xén chút tiền của mẹ, đi tân trang đầu tóc, móng tay móng chân. Nó kiếm được 2 bộ quần áo hàng thùng khá “khủng”, mặc vào trông tây tây bụi bụi. Nó quyết định rẽ thẳng ra giữa ngã ba, chỗ có cái bục gỗ tròn, trên có anh cảnh sát khá trẻ và đẹp trai.

Nó chào:

- Em chào anh.

Anh cảnh sát hỏi:

- Cô có việc gì?

Nó cười:

- Em không hỏi đường anh đâu. Em cũng không cần gì. Em chỉ thấy anh đứng giữa đường nắng nôi thế này thì em chào.

Nó cười rõ tươi. Anh cảnh sát tuổi trẻ không nỡ mất lịch sự cũng cười:

- Vâng, cám ơn cô, tôi đang làm nhiệm vụ.

- Em biết. Anh làm tốt nhé. Nhưng… thực ra là em đang muốn nhờ anh một việc.

- Việc gì?

Anh cảnh sát đang bận nên hơi khó chịu.

- Em đang chuẩn bị thi vào trường báo chí, em cần tư liệu để viết bài gửi vào hồ sơ xin thi tuyển.

Nghe nói chuyện báo chí thì anh cảnh sát lại thấy nể nể.

- Em sẽ nhờ người chụp ảnh anh đang điều khiển giao thông. Sau ca trực, anh cho em gặp để hỏi vài câu thôi, được không ạ?

- Cũng được.

- Thế anh cho em số di động của anh đi.

Thế là con Tuyền chạy ra cửa hiệu chụp ảnh gần đấy thuê thợ chụp theo sự đạo diễn của nó. Nó có được một bức ảnh rất ấn tượng và có được số di động của Long, chàng cảnh sát trẻ tuổi của chốt Cảnh sát giao thông Y.

Khi Tuyền hỏi anh Long về tình hình giao thông trật tự, thì nảy sinh ra những vấn đề khác. Chẳng hạn việc phối hợp với Cảnh sát cơ động. Nhất là trong thời điểm hiện tại khi cả nước tăng cường công tác thanh tra giao thông, bắt buộc mọi người phải tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Long hứa sẽ giới thiệu cho Tuyền thêm mấy anh bạn bên Cảnh sát cơ động, cho cô bé có thể đi theo vài đêm cùng họ. Như thế mới có thể có đủ tư liệu để viết một bài báo.

Tuyền kiếm cái băng đỏ xin đứng cùng Long một vài buổi. Đứng đây mới thấy hết ghét các anh cảnh sát mấy lần phạt lũ bạn bè Tuyền vượt đèn hay không đội mũ bảo hiểm bị giữ xe, xin xỏ mãi cũng chỉ được tha xe, còn giấy tờ thì giữ đến đồn trình báo đủ thủ tục mới được lấy về.

Đứng đây mới thấy nhiều điều mà cô bé chưa bao giờ biết. Chẳng hạn có những người thật nhu mì điềm đạm, có những người nóng tính sẵn sàng văng ra đủ thứ với người giữ trật tự. Có tay chỉ lượn phố cả ngày, đầu tóc vàng chóe, vài ba chục lai phẩy ngo ngoe trên cái đầu trống rỗng. Chỉ chờ đèn đỏ là vụt xe qua trêu tức cảnh sát. Có người ngày đi qua cả chục lần chở nặng hàng. Có kẻ cặp bồ đun đẩy nhau qua, mắt nhìn xiên xéo, hai xe hai hàng long thong nghe ngóng. Lại có thằng bé bán bánh khúc gia truyền, không hiểu được gia truyền từ nhánh nào đời nào, không hiểu nhân bánh có nhồi thịt chuột hay thịt lợn quai xanh không, hôm được ngồi, hôm phải đuổi, chạy nhong nhóc mấy xó, cũng bán được hết cả thúng.

Minh họa: Trần Đỗ Nghĩa

Tuyền đứng ở giữa ngã ba đâm vui. Cô vụt lớn hẳn. Gương mặt cô rạng ngời nắng. Đen và nắng. Nắng và đen. Hai thứ trộn lẫn làm nóng sực cả góc nhà vào ban tối.

Bài báo Tuyền viết về anh cảnh sát trẻ tuổi và những câu chuyện nơi ngã ba giao thông được công an thành phố lấy làm câu chuyện điển hình. Long bị anh em cùng đội trêu chọc lúc giải lao. Nhân thể Long chưa có vợ, mấy anh bạn đun đẩy: “cô bé ấy được đấy, đen thì càng giòn, đi điều tra lý lịch đi”. Long mặt đỏ lên như quả gấc chín nhừ.

Ra ngã ba làm nhiệm vụ, thấy Tuyền đến, Long bảo:

- Thôi, tôi xong nhiệm vụ với cô rồi. Giờ cô đi học đi, cứ đứng mãi đây không ổn.

Tuyền nghệt mặt ra, không hiểu sao hôm nay anh Long lại khó tính thế. Cô trình bày:

- Em đã xong loạt bài để nộp dự thi đâu. Anh còn hứa giới thiệu em với bên cơ động cơ mà.

- Thì tôi sẽ giới thiệu. Cả thể giới thiệu cô đến chốt giao thông khác nữa.

- Vâng, thế thì tốt quá. Nhưng…

Tuyền ngập ngừng. Cô thấy ưng ức thế nào. Còn Long thì suýt nữa để thoát mấy anh chàng choai choai đầu đinh không đội mũ bảo hiểm đang rú ga chạy qua chốt. Long chạy vội ra giơ tay chào. Mấy cậu choai định rũ áo thoát. Nhưng Tuyền đã kịp thời chạy ra phía bên đứng ngăn luôn phía trước. Mà nếu chúng có chạy thì cô cũng đã kịp nhớ số xe để báo cho chốt trên.

Giúp Long giải quyết mấy cậu choai choai, nhưng Tuyền vẫn ấm ức lắm. Khi không bị đuổi khéo. Tuyền cắn cắn môi, nghĩ cách bật lại Long. Tưởng mình là cảnh sát giao thông thì không bị ai bật chắc.

Hôm sau Tuyền rủ thằng Linh con bà bún ngan đầu ngõ lượn phố. Thằng Linh có cái mũ bảo hiểm hãng xịn nhưng làm vành lưỡi trai, nhìn xa như mũ mềm. Nó đội lên đầu, ngồi lên xe vẹo cả một bên bánh, nó nặng những 75 kí lô, người toàn mùi bún chua chua trộn lẫn mùi mỡ ngan. Tuyền ngồi sau xe Linh cảm thấy phí hoài nhan sắc (dù sao cô cũng thuộc hàng hoa khôi xóm bãi), nhưng trí đã quyết. Cô ôm eo Linh khiến Linh nhột nhột thích thích. Nó nghiêng đầu điệu bộ, hỏi:

- Đi đâu?

Tuyền chỉ tay:

- Ra ngã ba chỗ mọi khi tớ hay đứng ấy.

- Có đi đâu nữa không?

- Lượn vài vòng qua đấy, xong tính tiếp.

Linh nghi ngờ:

- Lượn vài vòng như kiểu đua xe ấy à? Tớ ngại lắm.

Tuyền nhăn nhó:

- Mới thế đã ngại. Đã gì mà ngại. Ai bảo lượn như đua xe. Chỉ gần như đua xe thôi. Tớ đang làm báo, phải lấy cảm giác của đối tượng mới viết hay được.

Linh tin ngay, hớn hở lao lên mặt phố.

Khi chiếc xe vừa chớm ngã ba nơi anh Long đứng thì Tuyền bắt đầu ngả người ôm chặt Linh. Linh bị đột ngột, run tay, mồ hôi toát ra nhưng không dám đi chậm. Chiếc xe lạng lách qua dòng người, không nhanh không chậm, không vi phạm gì, chỉ ngứa mắt những người tử tế đang đi từ tốn. Long cũng nóng mắt, định chặn cái xe hỏi giấy tờ thì nhìn ra Tuyền đang ôm chặt cậu con trai to lù như con trâu mộng. Bỗng nhiên Long thấy tức. Tưởng người tử tế còn giúp, thì ra cũng chỉ là hạng con gái nhạt phèo mà thôi. Vui đâu chầu đấy. Đúng là nghịch tử. Con gái gì mà ôm ấp con trai ngay ban ngày ban mặt. Dạo nọ tự nhiên ra bắt quen, rồi báo báo chí chí, không biết có nên cơm cháo gì không nữa. Từ nay mặc xác, nhờ vả gì cũng mặc xác.

Cái xe lạng đi lạng lại qua cái ngã ba vài vòng. Tuyền chán ôm cái lưng hôi của Linh, ngãng tay ra, phán:

- Cà phê thôi.

Cà phê cùng Tuyền thì Linh chưa bao giờ dám mơ. Con gái bán ốc vậy mà nhìn Tuyền thì Linh quên mất cái tên Tuyền ốc. Linh lúp cúp theo Tuyền vào cái quán cà phê sừng sững ngay ngã ba.

Tuyền cố tình đi chậm vào quán cho Long nhìn thấy. Nhưng hình như anh không buồn nhìn. Bực thật.

Ngày hôm sau lại diễn ra cảnh ấy. Linh thấy nghi nghi, giống như Tuyền đang giăng bẫy cho con nhện nào đó rơi vào.

Hôm ấy Tuyền đang đãi ốc dưới bến sông. Linh đứng trên bờ gọi:

- Tuyền ơi, nhanh lên, có anh cảnh sát đang tìm kìa.

Tuyền nghe hai tiếng cảnh sát đã nhảy phốc lên bờ. Một người cảnh sát trẻ như anh Long chạy tới:

- Cô là Tuyền phải không?

- Vâng, có việc gì ạ?

- Long nó nhờ tôi đưa cho cô cái thư

- Anh Long? Anh ấy đâu ạ?

- Long đi công tác biệt phái rồi.

- Ơ?

Tuyền ngạc nhiên, cứ tưởng cảnh sát giao thông thì cứ phải đứng mãi ở cái chốt được phân công chứ, nếu không làm sao thông thuộc được các luồng xe mà điều khiển?

- Chúng tôi thực ra mới ra trường, nên cũng phải thuyên chuyển. Long bảo giấy này giới thiệu cho cô mấy địa chỉ cần đến để cô viết báo gì đó.

Tuyền ỉu xìu, tưởng thư viết gì cho mình.

Cũng bẵng đi vài tháng của câu chuyện này.

Tuyền được tin Long bị tai nạn phải cấp cứu. Hóa ra anh cũng chỉ đi sang khu vực phố mới ở quận bên cạnh. Khi anh đang điều khiển giao thông thì một chiếc xe do người lái xe say rượu lao tới chèn nát cả bục gỗ. Long bị đẩy ngã nhào, đầu đập xuống mặt đường. May mà chiếc xe không chèn lên người anh.

Tuyền hớt hải chạy đến bệnh viện của công an tìm.

Anh Long nằm băng trắng toát. Vậy mà vẫn mỉm cười được với cô.

Tuyền nhăn nhó:

- Lại còn cười được?

Bạn bè Long dãn ra. Tuyền lúng túng, luýnh quýnh, không biết nên làm gì, rót nước hay bóc cam cho anh Long. Nhìn anh, Tuyền bỗng muốn khóc, nước mắt cứ chảy tràn trên gò má. Anh Long giơ tay ra nắm tay Tuyền:

- Nghịch tử, nhớ phải thi đỗ nhé.

Tuyền gật. Rồi nói lí nhí:

- Anh nhớ phải khỏe nhanh đấy.

Anh Long ngúc ngoắc cái đầu bảo Tuyền cứ yên tâm.

Rồi hai người im lặng, không biết nói gì nữa.

Lúc ấy, tiết trời đang có mưa xuân. Những hạt mưa rơi nhẹ trên những thảm cỏ làm làn bụi mờ đi, chìm lút xuống đáy hồ. Những tiếng xe chạy ngoài phố cũng như êm ả hơn, nhẹ nhàng hơn.

Hình như hai người không nhìn thấy gì, cũng không nghe thấy gì.

Tuyền nghĩ, mình nhất định sẽ thi đỗ. Sẽ xin cho mẹ đi làm hương để mẹ vui, không bán ốc nữa.

Anh Long nghĩ, khỏi rồi ra viện sẽ đến chơi nhà Tuyền. Cái đồ nghịch tử xóm bãi, không hiểu Tuyền có biết là anh đã nghĩ đến cô rất nhiều không?

Truyện ngắn: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nghich-tu/778846.antd