Nghiệm thu nhiệm vụ xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc với 3 sản phẩm nông sản

Chiều 7-7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu nhiệm vụ xây dựng các mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai-Phó Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo UBND các địa phương Phú Thiện, Đak Pơ và các đơn vị liên quan.

Đây là nhiệm vụ do Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia làm cơ quan chủ trì và do Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hà, Thạc sĩ Nguyễn Đắc Minh và Thạc sĩ Trần Văn Việt làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao kết quả của nhiệm vụ. Ảnh: Văn Ngọc

Theo đó, năm 2021, Sở KH-CN đã tổ chức lựa chọn và phê duyệt 3 nhiệm vụ KH-CN xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông sản địa phương cho 3 gồm: sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai thực hiện tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; sản phẩm “Gạo Phú Thiện” thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai; sản phẩm “Rau Đak Pơ” thực hiện tại Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Đak Pơ.

Dự kiến các nhiệm vụ được hoàn thành trước ngày 31-12-2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, việc vận hành thử hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử phải bám theo mùa vụ, chu kỳ sản xuất của cây trồng nên một số hoạt động triển khai của 3 nhiệm vụ kéo dài sang năm 2022. Đến tháng 6-2022, tổ chức chủ trì đã tổ chức hội nghị phổ biến kết quả áp dụng của 3 mô hình nêu trên, từ đó hoàn thành tất cả các nội dung và chuẩn bị hồ sơ tổ chức nghiệm thu theo quy định. Hiện tại, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo tiêu chuẩn Việt Nam đã tiến hành vận hành thử.

Tại hội nghị, các chủ nhiệm của nhiệm vụ đã thuyết minh về tiến độ, kết quả của các nội dung. Hội đồng nghiệm thu gồm 6 thành viên đã đánh giá cao những nỗ lực của các cá nhân, đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu cũng đóng góp các ý kiến cần bổ sung như: các quy định về truy xuất nguồn gốc; thể hiện rõ việc sử dụng công nghệ để xây dựng mô hình; báo cáo những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện; kết quả của hội nghị phổ biến; đánh giá tác động kinh tế-xã hội đến doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, chính quyền địa phương của việc truy xuất nguồn gốc…

Kết luận tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đã bỏ phiếu thông qua nhiệm vụ. Cả 3 nhiệm vụ đều có kết quả “Đạt” với 6/6 phiếu thông qua.

Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn quốc gia là một trong những giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu sẽ xây dựng khoảng 10 mô hình trở lên áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm: rau, củ, quả, cà phê, mật ong, dược liệu… Qua đó nhằm tiến hành xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và vận hành, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và người tiêu dùng như: quản lý tốt chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra; bảo đảm sự thu hồi nhanh chóng sản phẩm; chống giả mạo chuỗi cung ứng thực phẩm, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên thị trường.

VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202207/nghiem-thu-nhiem-vu-xay-dung-mo-hinh-truy-xuat-nguon-goc-voi-3-san-pham-nong-san-5782542/