Nghiên cứu các nguồn lực tác động đến phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội

Bùi Cẩm Phượng (Trường Đại học Thăng Long)

TÓM TẮT:

Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vốn từ lâu được du khách biết đến là một điểm du lịch tâm linh với quần thể di tích và danh thắng Hương Sơn. Trong những năm qua, cộng đồng địa phương sinh sống tại khu vực này cũng đã được hưởng lợi từ một các hoạt động đón tiếp du khách. Điều này đã giúp cho loại hình du lịch cộng đồng hình thành tại đây. Tuy nhiên, để du lịch thực sự mang lại hiệu quả tạo ra sinh kế bền vững, giúp cộng đồng địa phương ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, thì việc nghiên cứu các nguồn lực tác động đến việc phát triển du lịch cộng đồng ở đây rất quan trọng. Trong bài viết này, dựa vào cơ sở lí luận về nguồn lực trong phát triển du lịch cộng đồng của Fujin Shen, chúng tôi đã tiến hành khảo sát cộng đồng địa phương, từ đó thấy được thực trạng các nguồn lực tác động đến phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra sinh kế bền vững tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Từ khóa: Du lịch cộng đồng, sinh kế bền vững, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.

1. Cơ sở lý luận

Để tiến hành nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng khung sinh kế bền vững dành cho du lịch của Fujin Shen. Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu và các thang đo được được chỉnh sửa cho phù hợp với đặc điểm và mục tiêu của nghiên cứu. Mô hình nghiên cứu về nguồn lực trong phát triển du lịch cộng đồng được trình bày như sau:

Tài sản sinh kế du lịch là trung tâm của SLFT, bao gồm vốn nhân lực, xã hội, tài nguyên, kinh tế và thể chế. Trong đó:

Vốn nhân lực “đại diện cho các kỹ năng, kiến thức, khả năng lao động và sức khỏe tốt cho phép mọi người theo đuổi các chiến lược sinh kế khác nhau và đạt được mục tiêu sinh kế” (DFID, 1999a, trang 17).
Vốn xã hội “được lấy để có nghĩa là các nguồn lực xã hội mà mọi người rút ra trong việc theo đuổi các mục tiêu sinh kế của họ” (DFID, 1999a, trang 19).
Vốn tài nguyên: bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa phục vụ cho hoạt động du lịch
Vốn kinh tế đã được Scoones sử dụng (1998, trang 8) để đề cập đến vốn tài chính và vật chất. Cụ thể:

- Vốn vật chất (Physical capital): Vốn vật chất bao gồm cơ sở hạ tầng cơ bản và hàng hóa vật chất nhằm hỗ trợ việc thực hiện các hoạt động sinh kế. Nguồn vốn vật chất thể hiện ở cả cấp cơ sở cộng đồng hay cấp hộ gia đình.

- Vốn tài chính (Financial capital): Vốn tài chính là các nguồn tài chính mà người ta sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu trong sinh kế.

- Vốn thể chế: Vốn thể chế ở đây được hiểu là sự cung cấp cho mọi người quyền tiếp cận vào thị trường du lịch, chia sẻ lợi ích du lịch, tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, mức độ sẵn sàng tham gia của mọi người được phản ánh trong các quyết định để đạt được kết quả sinh kế tốt hơn.

2. Phương pháp tiến hành

Dựa trên mô hình và các thang đo gốc, tác giả xây dựng nên bảng hỏi khảo sát về các nguồn lực tác động đến phát triển du lịch cộng đồng tạo ra sinh kế bền vững gồm 37 biến quan sát, giải thích cho 5 nhân tố chính là tài sản sinh kế gồm vốn nhân lực, xã hội, tài nguyên, kinh tế và thể chế. Tiếp đó, bảng hỏi được gửi đến và lấy ý kiến của các hộ gia đình ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, đặc biệt ở các khu vực lân cận với Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn với 400 phiếu. Kết quả thu về đủ 400 phiếu với 387 phiếu hợp lệ và 13 phiếu không hợp lệ do thiếu thông tin. Dữ liệu sau khi thu về được nhập và xử lý trên phần mềm SPSS 20.

Theo công thức mẫu của Hair và cộng sự thì với 37 biến quan sát thì mẫu khảo sát để có độ tin cậy tốt là 370 phiếu hợp lệ, như vậy với 387 phiếu hợp lệ thì tập dữ liệu thu thập được của nghiên cứu này là đáng tin cậy.

3. Thực trạng các nguồn lực tác động đến phát triển du lịch cộng đồng tạo ra sinh kế bền vững tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội * Thực trạng về vốn con người

Nhân tố “vốn con người” được đánh giá thông qua 13 biến quan sát, kết quả khảo sát cho thấy, các biến quan sát được đánh giá ở mức độ không đều nhau với giá trị trung bình nhân tố đạt 2.94 điểm (ở mức 3, Bình thường) và giá trị trung bình các quan sát dao động trong khoảng 2.25 - 4.18 điểm. Trong đó, cao nhất là hai tiêu chí “Người dân có khả năng biểu diễn văn nghệ cho khách thưởng thức” và “Người dân có kỹ năng bán hàng cho khách du lịch” với giá trị trung bình đạt 3.01 điểm, còn hai tiêu chí thấp nhất là “Người dân có kỹ năng giao tiếp với khách du lịch” và “Người dân có khả năng phục vụ khách ăn uống” có giá trị trung bình lần lượt là 2.83 điểm và 2.82 điểm. Song nhìn chung, tất các các tiêu chí đang được người dân địa phương đánh giá ở mức 3 (bình thường).

Kết quả này cho thấy cộng đồng tại khu vực xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức nhận thức chưa thực sự rõ nét vai trò của nguồn vốn con người khi tham gia vào hoạt động du lịch. Cộng đồng địa phương cho rằng, để làm du lịch cộng đồng thì bản thân những người dân trong mỗi hộ gia đình cần phải có những kỹ năng cần thiết trong quá trình đón tiếp và phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, trong nhân tố vốn con người, bên cạnh việc người dân có kĩ năng đón tiếp khách thì khả năng phục vụ khách cũng là một nhân tố quan trọng tác động đến nguồn vốn con người. Đó là khả năng hướng dẫn, phục vụ lưu trú, phục vụ ăn uống. Một vấn đề nữa, đó là du lịch cộng đồng không phải là việc làm đơn lẻ của từng hộ gia đình mà kinh nghiệm từ các địa phương khác cho thấy muốn làm du lịch cộng đồng thành công cần phải có sự tham gia của các thành viên khác trong thôn, xóm tức là cần phải có câu lạc bộ sinh kế. Tuy nhiên, cộng đồng lại đánh giá chưa cao về vấn đề này.

* Thực trạng về nguồn vốn kinh tế

Nhân tố “Nguồn vốn kinh tế” được đo lường qua 06 biến quan sát thành phần, giá trị trung bình nhân tố đạt 2.317 điểm (mức 2, không đồng ý), các biến quan sát có giá trị trung bình tương đối đều nhau, biến thiên trong khoảng từ 2.25 đến 2.40 điểm và đều ở mức thấp.

Nguồn vốn kinh tế giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, song các điều kiện về vốn đang chưa tạo điều kiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận cũng như yên tâm đầu tư vào phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể, người dân cho rằng họ không dễ để tiếp cận với nguồn vốn cho phát triển du lịch cộng đồng và ngân hàng cũng thiếu sự đồng hành cùng người dân trong việc phát triển các dự án du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, quy mô vốn vay cũng thấp, thời gian vay vốn cũng chưa đủ dài hạn và các thủ tục vay vốn còn khó khăn…, cũng tác động đến việc tiếp cận đồng vốn của người dân, điều này nghĩa là để tham gia phát triển du lịch cộng đồng thì người dân chủ yếu phái khai thác các nguồn vốn từ gia đình, do vậy việc phát triển du lịch cộng đồng nơi đây vẫn ở tình trạng mạnh ai lấy làm.

* Thực trạng về vốn tài nguyên

Nhân tố vốn tài nguyên có 05 biến quan sát thành phần, kết quả số liệu cho thấy, các biến quan sát được đánh giá ở mức độ tương đối cao với giá trị trung bình nhân tố đạt 4.104 điểm và giá trị trung bình các quan sát cũng không đều nhau và dao động trong khoảng 4.06 - 4.15 điểm. Trong đó, cao nhất là tiêu chí “Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn có giá trị tâm linh cao để giúp phát triển du lịch cộng đồng” với giá trị rất cao là 4.15 điểm, còn tiêu chí thấp nhất là “Địa phương có cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú để phát triển du lịch cộng đồng” có giá trị trung bình đạt 4.06 điểm. Điều này chứng tỏ cộng đồng chưa nhận thức được hết tiềm năng trong phát triển du lịch, đặc biệt là tiềm năng về tài nguyên du lịch văn hóa.

Kết quả này cho thấy, mặc dù tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và nguyên du lịch văn hóa góp phần không nhỏ tạo nên nét đặc sắc của du lịch cộng đồng và cộng đồng dân cư ở Hương Sơn cũng đã nhận thực được và đánh giá rất cao về những giá trị tài nguyên du lịch của địa phương.

* Thực trạng về nguồn lực vốn xã hội

Nhân tố này có 06 biến quan sát thành phần, giá trị trung bình 06 biến quan sát giải thích cho nhân tố “vốn xã hội” đạt 3.08 điểm, các biến quan sát có giá trị trung bình biến thiên trong khoảng từ 2.98 đến 3.15 điểm. Điều này chứng tỏ cộng đồng có quan tâm đến nguồn vốn xã hội, các biến quan sát có liên quan chặt chẽ với lợi ích của cộng đồng và được cộng đồng quan tâm và đánh giá cao.

* Thực trạng về vốn thể chế

Nhân tố này có 07 biến quan sát thành phần, giá trị trung bình 07 biến quan sát giải thích cho nhân tố “vốn thể chế” và có giá trị trung bình nhân tố ở mức tương đối cao, đạt 3.586 điểm, các biến quan sát có giá trị trung bình biến thiên trong khoảng từ 3.54 đến 3.65 điểm. Điều này chứng tỏ, thể chế đóng vai trò khá quan trọng trong việc định hướng sinh kế cho cộng đồng địa phương ở khu vực nghiên cứu.

Kết quả này cho thấy, người dân luôn mong đợi vào những chính sách của chính quyền địa phương. Do đó nếu chính sách từ phía chính quyền đưa ra tốt sẽ giúp cho cộng đồng phát triển theo đúng như mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh” nhưng ngược lại nếu chính sách không tốt sẽ đẩy người dân đến cuộc sống khó khăn. Cộng đồng ở khu vực nghiên cứu mong muốn trong sinh kế du lịch thì chính quyền địa phương có được những chính sách tốt và luôn đồng hành cùng với cộng đồng.

4. Kết luận

Qua việc tiến hành thu thập đánh giá của người dân xã Hương Sơn về 05 nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững đã cho kết quả như sau, người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đánh giá các nguồn vốn cho phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững theo mức độ thứ tự từ cao nhất là “Vốn tài nguyên” với giá trị trung bình nhân tố đạt 4.104 điểm, thứ hai là “Vốn thể chế” với giá trị trung bình nhân tố đạt 3.586 điểm, thứ ba là “Vốn xã hội” với giá trị trung bình nhân tố đạt 3.08 điểm, thứ tư là “Vốn con người” với giá trị trung bình nhân tố là 2.94 điểm, và cuối cùng là “vốn kinh tế” với giá trị trung bình nhân tố đạt 2.317 điểm.

Dựa trên kết quả khảo sát cho thấy, người dân xã Hương Sơn bước đầu đã nhận thức được vai trò của du lịch đối với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, do những yếu tố bao gồm cả chủ quan và khách quan dẫn đến nhận thức của cộng đồng về các nguồn lực cho phát triển du lịch để tạo ra sinh kế bền vững với “Vốn con người” sau những nguồn lực khác, trong khi đối với loại hình du lịch cộng đồng thì nguồn vốn con người giữ vai trò quyết định bởi con người chính là chủ thể tham gia và quyết định vào hoạt động du lịch của địa phương. Để du lịch cộng đồng tại khu vực nghiên cứu thực sự phát triển và trở thành nguồn sinh kế bền vững giúp người dân ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống rất cần những chuyên gia tư vấn, định hướng cho cộng đồng; đồng thời cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn cho cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: DFID (1998), Sustainable Rural Livelihoods, Department for International Development.
Fujun Shen (2009), Tourism and the Sustainable Livelihoods Approach: Application within the Chinese Context, A thesis of Doctor of Philosophy, Lincoln University.
Vũ Mạnh Hà (2004), Giáo trình Kinh tế Du lịch, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu, (2002) Giáo trình Du lịch bền vững, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trần Đức Thanh (chủ biên), (2016), Giáo trình Địa lí du lịch, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

ANALYZING RESOURCES AFFECTING COMMUNITY BASED TOURISM TOWARDS SUSTAINABLE DEVELOPMENT AT HUONG SON COMMUNE, MY DUC DISTRICT, HANOI

Ph.D BUI CAM PHUONG

Thang Long University

ABSTRACT:

Huong Son commune, My Duc district, Hanoi has long been known to tourists as a spiritual tourist site with Huong Son relics and landscapes complex. Over the years, local communities living in this area have gained benefits from tourim activities. The community based tourism has been formed among these local communities. It is necessary to have researches on resources affecting the community based tourism in order to help local communities have sustainable livelihoods, stabilize and improve their quality of life. Based on Fujin Shen's theoretical basis of resources for community based tourism and surveying local communities, this article presents how resources affect the community based tourism and creat sustainable livelihoods in My Duc district, Hanoi.

Keywords: Community based tourism, sustainable livelihoods, Huong Son commune, My Duc district.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-cac-nguon-luc-tac-dong-den-phat-trien-du-lich-cong-dong-theo-huong-ben-vung-tai-xa-huong-son-huyen-my-duc-thanh-pho-ha-noi-64280.htm