Nghiên cứu: 'Gây lộn' trong nhà giúp trẻ tăng cường thể lực, phát triển tư duy

Một nghiên cứu mới được công khai của Đại học Cambridge tiết lộ những lợi ích bất ngờ khi các anh chị em trong nhà đánh lộn.

Tranh cãi, trêu ghẹo hay thậm chí đánh lộn với các anh chị em trong gia đình sẽ giúp trẻ phát triển thể lực, theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Cambridge - Ảnh: Getty

Bạn đang là phụ huynh của nhiều hơn một em bé và muốn phát điên lên trước các cuộc cãi cọ “không lối thoát”, những màn đánh đấm có chút bạo lực của các con? Hay phụ huynh chỉ có con một và đang ngại ngần viễn cảnh nêu trên?

Đừng quá vội tuyệt vọng hay vui mừng bởi một nghiên cứu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Gia đình của Đại học Cambridge kéo dài trong 5 năm đã chứng minh rằng sự cạnh tranh hay gây gổ lành mạnh giữa các anh chị em trong gia đình sẽ giúp trẻ phát triển cả thể lực, tinh thần và kỹ năng xã hội.

Nghiên cứu có tên Toddlers Up là một phần của dự án nghiên cứu phân tích sự phát triển nhận thức và xã hội của trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi.

140 trẻ em đã tham gia vào dự án và kết quả cho thấy rằng có anh chị em thực sự tác động tích cực đến sự phát triển trong giai đoạn đầu đời của trẻ, ngay cả khi mối quan hệ không hòa thuận.

Nghiên cứu bao gồm việc ghi lại và quan sát các video, cách trẻ tương tác với gia đình, bạn bè và người lạ, phỏng vấn và yêu cầu trẻ làm một số bài kiểm tra đánh giá việc sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng lập kế hoạch, trí nhớ và tính tự chủ.

Tiến sĩ Claire Hughes, người thực hiện nghiên cứu này tại Đại học Cambridge nói: “Quan điểm truyền thống thường cho rằng có thêm con thứ sẽ gây ra cạnh tranh về mọi mặt như tình yêu và quan tâm của cha mẹ, thành tích học tập, thể thao... Trên thực tế, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự hiểu biết xã hội của trẻ có thể được thúc đẩy nhờ mối tương tác của chúng với các anh chị em trong nhiều trường hợp”.

Một trong những hiện tượng thú vị nhóm nghiên cứu ghi lại được chính là trẻ nhỏ có xu hướng coi một anh chị em như đồng minh tự nhiên, thay vì đối thủ cạnh tranh như nhiều người lầm tưởng.

Các anh chị em thường có cùng bước sóng sinh học, có cùng xu hướng phát triển cảm xúc ngay cả khi tính cách khác biệt. Trong những trò chơi tương tác ở điều kiện nhất định, các bé cũng có chiều hướng tâm sự thoải mái hơn với anh chị em hơn cha mẹ.

Hơn nữa, ngay cả khi hai trêu chọc, tranh cãi hay thậm chí gây gổ với nhau, cách trẻ tương tác vẫn thể hiện một số ngôn ngữ cảm xúc nhất định.

Đôi khi, một em bé bị yếu kém về các kỹ năng xã hội trước đó thường được cải thiện vào lúc 6 tuổi nếu thường xuyên tương tác với một anh chị lớn tuổi hơn.

Tiến sĩ Hughes nói: “Qua nghiên cứu này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng mối tương tác trong các gia đình là vô cùng quan trọng, ngay cả khi chúng không mang vỏ bọc ngọt ngào. Các bậc phụ huynh cần quan sát các bé, trò chuyện với con theo một cách thân thiện và giữ sự công bằng tương đối.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng thấy rằng nếu căng thẳng giữa các anh chị em không được cha mẹ dàn xếp hợp lý, chúng có thể trở thành thù hận, gây ảnh hưởng xấu đến hành vi và tình cảm của trẻ”.

Thu Phương (Theo Mirror)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/nghien-cuu-gay-lon-trong-nha-giup-tre-tang-cuong-the-luc-phat-trien-tu-duy-a241637.html