NGHIÊN CỨU HÌNH THỨC TƯ VẤN PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TẠI NHÀ TRƯỜNG ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG LÀ TRẺ EM

Tại hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)' do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các chuyên gia đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình tại nhà trường đối với đối tượng là trẻ em.

Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức

Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức nhằm tiếp tục lắng nghe, thu thập ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp vào những chính sách lớn của dự án Luật; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa về công tác bạo lực gia đình, về sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là điều cần thiết để ứng phó với vấn nạn này trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cũng tập trung cho ý kiến đánh giá các quy định về báo tin và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; kiến nghị các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả tin báo về các vụ việc bạo lực gia đình trong công đồng; đánh giá việc xã hội hóa và tính khả thi của nguồn nhân lực và tài chính thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thực tế; góp ý quy định về hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đánh giá tính khả thi của các quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; góp ý về những vấn đề đặt ra trong việc xử lý vi phạm pháp luật với bạo lực gia đình; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý vấn đề bạo lực gia đình.

Quan tâm đến các quy định về tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải, góp ý, phê bình, hỗ trợ, bảo vệ trong phòng, chống bạo lực gia đình của dự thảo Luật, bà Cao Thị Hồng Minh, Phó Ban Chính sách - luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các chuyên gia cho rằng, mục tiêu của Dự thảo Luật trong lĩnh vực đề xuất sửa đổi này là nhằm hướng đến tư vấn diện rộng và tư vấn chuyên nghiệp theo hướng tách “tư vấn về gia đình ở cơ sở” thành 03 điều như dự thảo, gồm: Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; Tư vấn tại cộng đồng; Tư vấn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ sở khác hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các điều khoản sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo đã thể hiện được mục tiêu tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là cung cấp các thông tin, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình mà còn tham gia vào điều trị - hỗ trợ điều trị các sang chấn tâm thần do bạo lực gia đình gây ra như trong Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) số 100/TTr- CP ngày 28/3/2022 đã thể hiện.

Bà Cao Thị Hồng Minh, Phó Ban Chính sách - luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Việc bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến công tác tư vấn trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng phù hợp với quy định của Công ước CEDAW (về Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ) “Các quốc gia phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ nhằm đảm bảo cho phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới…, đảm bảo về tiếp cận tới thông tin giáo dục cụ thể giúp đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc gia đình…”

Về hình thức tư vấn, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng một số nhà nghiên cứu đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức tư vấn tại Nhà trường đối với đối tượng là trẻ em. Hiện nay, dự thảo đang quy định hình thức tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng, tư vấn ở nơi khám chữa bệnh v.v. Tuy nhiên, để đối tượng là trẻ em dễ tiếp cận với công tác tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình thì nên nghiên cứu, bổ sung hình thức tư vấn tại Nhà trường (Phòng tham vấn học đường), hoặc tư vấn qua đường dây nóng, sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, ứng dụng công nghệ như mạng xã hội v.v để nâng cao hiệu quả truyền thông và tư vấn cho nhóm đối tượng trẻ em. Ngoài ra, cũng cần lưu ý để có các kênh thông tin truyền thông chuyên biệt đối với các nhóm đối tượng tới đối tượng là người dân tộc thiếu số (tư vấn bằng tiếng dân tộc), người khuyết tật (tư vấn bằng ngôn ngữ phù hợp đối với người khuyết tật) với này.

Về nội dung tư vấn, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các chuyên gia đánh giá các nội dung tư vấn liên quan đến cung cấp thông tin, kiến thức, pháp luật về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền con người, bình đẳng giới trong gia đình, các kỹ năng ứng xử trong gia đình, tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý v.v được nêu như Dự thảo là rất phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Các chuyên gia cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình và bạo lực giới nói chung là xuất phát từ vấn đề thiếu kiến thức về pháp luật, các vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới, định kiến thứ bậc trong gia đình (nhiều trường hợp bạo lực gia đình đối với trẻ em là từ việc nhìn nhận thứ bậc người lớn – trẻ em); sự thiếu hụt về kỹ năng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ để đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề bạo lực gia đình phù hợp, hiệu quả.

Qua thực tiễn theo dõi công tác phòng, chống bạo lực gia đình của các cơ quan, tổ chức liên quan, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ rõ, người dân, trong đó có những nạn nhân bạo lực gia đình còn thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có mâu thuẫn, xung đột làm tăng tình trạng bạo lực gia đình. Trong nhiều trường hợp, cộng đồng còn thờ ơ với hành vi bạo lực gia đình, việc phổ biến, quán triệt, giáo dục chưa hiệu quả. Trong các vụ án về hôn nhân và gia đình, đương sự có hành vi bạo lực gia đình thường có ý thức pháp luật thấp, có thái độ thách thức pháp luật, không hợp tác dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết của Tòa án. Nhận thức của cộng đồng và ngay cả một bộ phận nhóm quản lý về bạo lực gia đình còn hạn chế, chưa nhận thức đúng về hành vi bạo lực gia đình; Nhiều địa phương cho rằng trên địa bàn mình không có bạo lực gia đình khi coi việc vợ chồng đánh, chửi nhau là chuyện bình thường của mỗi gia đình; Quan niệm truyền thống về vai trò giới, các phong tục tập quán là những rào cản hạn chế tiêu cực đến kết quả công tác phòng chống bạo lực gia đình./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64559