Nghiên cứu khoa học trong nhà trường: Gỡ khó cách nào?

Một trong các mục tiêu quan trọng của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Thực tế cho thấy, NCKH của sinh viên trong những năm gần đây được các nhà trường coi như một nhiệm vụ quan trọng cùng với quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

Nghiên cứu khoa học trong trường đại học cần được đẩy mạnh.

Số lượng công bố quốc tế tăng nhanh

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2010, trong 56.000 cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng chỉ có khoảng 1.100 giảng viên (chiếm 3%) tham gia nghiên cứu khoa học và rất ít giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 29, theo Báo cáo Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2016, khu vực các trường đại học (ĐH) đóng góp hơn 50% tổng số nhân lực khoa học công nghệ trong cả nước. Tính đến hết năm 2017, trong các cơ sở giáo dục ĐH đã có 945 nhóm nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, có một thời gian dài, nguồn thu của các trường dựa nhiều vào học phí; việc nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế chưa được quan tâm. Trong những năm gần đây, các trường đã quan tâm đầu tư và tạo cơ chế thích hợp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Trong 2 năm gần đây, số liệu công bố quốc tế nhiều hơn 5 năm trước đây cộng lại.

Theo GS TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐHQG Hà Nội), năm 2013, trước khi có Nghị quyết 29, tổng công bố quốc tế của cả nước hết sức khiêm tốn, ở mức 2.309 bài. Sau Nghị quyết 29, tính từ năm 2017 đến tháng 6/2018, chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường ĐH hàng đầu Việt Nam đã đạt 10.515 bài, bằng tất cả công bố trên toàn quốc giai đoạn 5 năm 2011-2015.

Giai đoạn 2011-2016, Bộ GDĐT đã đầu tư gần 292 tỉ đồng cho 46 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, trung bình mỗi dự án được đầu tư xấp xỉ 6,4 tỉ đồng. Theo thống kê từ gần 150 trường ĐH trong toàn hệ thống, số lượng các tổ chức khoa học công nghệ (phòng thí nghiệm; trung tâm nghiên cứu; viện nghiên cứu, công ty khoa học công nghệ; xưởng sản xuất...) đã đăng ký hoạt động và chưa đăng ký hoạt động của các trường ĐH trong toàn ngành giáo dục là tương đối lớn, với tổng số lên đến 1.413 tổ chức/142 trường ĐH được điều tra.

Hệ thống phòng thí nghiệm, đặc biệt là phòng thí nghiệm công nghệ cao của các trường ĐH kỹ thuật đã và đang được đầu tư mới bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước. Quá trình chuyển giao khoa học công nghệ của các nhóm nghiên cứu đã thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp cho phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trong các trường ĐH, đặc biệt đối với các trường ĐH thuộc khối kỹ thuật như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng…

Gỡ rào cản

Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ sở ĐH, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH lần này có đề xuất một số nội dung điều chỉnh về công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo, tháo gỡ những ràng buộc, vướng mắc về pháp lý đã và đang hạn chế sự phát triển của công tác nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH.

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực thì vấn đề NCKH của sinh viên vẫn để lại những trăn trở về số lượng sinh viên quan tâm đến NCKH chưa đông đảo trên tổng số SV trong một trường, NCKH vẫn được xem như phong trào hơn là hoạt động tự giác và chủ động, chất lượng các công trình NCKH thiếu tính thực tiễn…

Theo ThS Nguyễn Thị Khánh Phương- Học viện Ngân hàng, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động NCKH trong sinh viên. Các nhà trường cần có phương pháp đào tạo thông qua NCKH giúp sinh viên nắm vững phương pháp luận và vận dụng những phương pháp NCKH cụ thể trong quá trình học tập cũng như trong thực tiễn sau này.

Mặt khác, nhà trường cũng chưa có sự kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp nên các đề tài NCKH của sinh viên tính thực tiễn chưa cao. Cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu còn khó khăn, gây hạn chế đến khả năng, hiệu quả. Một thực tế khác, sinh viên từ năm thứ 3 trở đi mới bắt đầu tham gia hoạt động NCKH mà chương trình đào tạo dành cho sinh viên những năm cuối thường nặng hơn về kiến thức chuyên ngành. Điều đó khiến sinh viên phải chú trọng và dành thời gian nhiều cho việc làm các chuyên đề, khóa luận, đi thực tập. Nếu có làm thì chất lượng các công trình NCKH cũng hạn chế chất lượng.

Luật Giáo dục ĐH hiện hành đã quy định cơ sở giảng dạy cũng chính là cơ sở nghiên cứu khoa học. Giảng viên - nghiên cứu viên muốn được công nhận chức danh GS,PGS phải có đủ 270 giờ giảng bên cạnh các tiêu chí khác về bài báo quốc tế, hướng dẫn cơ sở, viết sách khác… Tuy nhiên, trong 5 năm qua, các văn bản dưới luật ban hành sau đó, cũng như quá trình thực thi luật đã không thực hiện được điều này.

Theo TS Phạm Hùng Hiệp (thành viên Nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục ĐH), trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã quy định chức danh giảng viên là người thực hiện, tham gia công tác giảng dạy và các hoạt động khoa học trong cơ sở giáo dục ĐH. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người có năng lực nghiên cứu tốt được tập trung nghiên cứu, và ngược lại, ai giảng dạy tốt sẽ có nhiều thời gian giảng dạy trên lớp. Vấn đề là tỷ lệ quy đổi như thế nào để đảm bảo giảng viên phải thực sự NCKH.

TS Phạm Hùng Hiệp cho rằng, để xóa nhòa ranh giới giữa giảng viên-nghiên cứu viên, không nên khống chế một GS hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh, nếu ai có điều kiện năng lực hướng dẫn nhiều thì nên khuyến khích, quan trọng là phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Đồng thời, cũng nên cho phép quy đổi hướng dẫn nghiên cứu sinh thay cho đi dạy, càng linh hoạt sẽ càng tạo điều kiện cho các trường tự chủ về nghiên cứu khoa học.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH cũng bổ sung quy định: Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành có liên quan khác quy định, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ.

Hoạt động NCKH công nghệ nói chung và NCKH công nghệ trong các cơ sở đào tạo ĐH hiện đang bị vướng bởi sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành. Cụ thể, quy định quản lý của ngành dọc là Bộ Khoa học và Công nghệ (quản lý đề tài, dự án); Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất… đang tạo nên thực trạng: có phòng thí nghiệm nhưng không có đề tài, một bên có đề tài nhưng không có phòng thí nghiệm. Điều này thực sự làm khó với người NCKH nói chung và giảng viên nghiên cứu khoa học nói riêng.

* SV từ năm thứ 3 trở đi mới bắt đầu tham gia hoạt động NCKH, mà chương trình đào tạo dành cho SV những năm cuối thường nặng hơn về kiến thức chuyên ngành. Điều đó khiến SV phải chú trọng và dành thời gian nhiều cho việc làm các chuyên đề, khóa luận, đi thực tập. Nếu có làm thì chất lượng các công trình NCKH cũng hạn chế chất lượng.

Vũ Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-nghe/nghien-cuu-khoa-hoc-trong-nha-truong-go-kho-cach-nao-tintuc422370