Nghiên cứu mới về vi khuẩn ở sân bay cho thấy thứ bạn phải dùng ở sân bay là thứ nguy hiểm nhất

Nó có một lượng virus gây bệnh khổng lồ đến từ nhiều nguồn và không bao giờ được cọ rửa.

Trong một nỗ lực nhằm tìm ra những cách mà người ta tiếp xúc với những bệnh truyền nhiễm ở sân bay, một nghiên cứu vừa được hai nhà vi sinh học tại Học viện sức khỏe và phúc lợi Phần Lan thực hiện.

Trong sân bay, mọi thứ liên tục di chuyển, và liên tục được sử dụng. Hành khách phải chạm vào rất nhiều thứ trong quá trình đến và đi, từ hàng rào, nắm cửa, ghế, quầy vé… Tệ hơn nữa, dòng người trong sân bay không bao giờ dừng lại, và vì thế sân bay là “cơ hội vàng” cho các loại virus nhảy từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Các nhà dịch tễ học đã biết về điều này từ lâu, và cảnh báo du khách phải rửa tay và che miệng khi ho, hắt xì. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về cách mà các loại vi khuẩn đó phân tán trong sân bay. Để lấp đầy khoảng trống này, một nghiên cứu đã được thực hiện bởi hai nhà vi sinh học Johnathan Van Tam và Niina Ikonen tại Học viện sức khỏe và phúc lợi Phần Lan. Nó chỉ ra những kết quả hết sức bất ngờ, và bạn sẽ thấy rằng những nơi mình tưởng rằng an toàn thật ra lại rủi ro nhất.

Để thực hiện nghiên cứu của mình, họ đến sân bay Helsinki-Vantaa trong mùa dịch cúm 2015-2016. Mẫu vật được lấy từ các bề mặt mà du khách thường xuyên chạm vào được lưu trữ bằng phương pháp đặc biệt giúp họ có thể phát hiện ra ADN trong phòng thí nghiệm, và họ cũng lấy mẫu không khí để xem liệu có virus trong đó hay không.

Đã có 90 mẫu vật được kiểm tra, bao gồm nắp toilet, thanh vịn trong thang máy, nút thang máy, thành ghế, tay nắm xe đẩy, đồ chơi trong khu vực trẻ em,… Kết quả kiểm tra cho thấy 10% trong số này chứa một loại virus gây bệnh nào đó có thể lây qua đường hô hấp. Những thùng nhựa được dùng để đặt vật phẩm tại các cửa kiểm tra an ninh sân ba là thứ tệ hại nhất khi chúng chứa nhiều loại virus như adenovirus, virus cúm A, rhinovirus (gây ra cảm mạo thông thường) và coronavirus.

Lý do của điều này khá đơn giản: các khay nhựa đó gần như không bao giờ được xử lý. Lượng virus này có thể bị giết chết một cách dễ dàng nếu các sân bay cung cấp các loại dung dịch rửa tay cho du khách trước và sau khi quét an ninh, và chùi rửa các khay nhựa thường xuyên.

Ngoài các khay nhựa, nhiều bề mặt khác cũng chứa rất nhiều virus như quầy thanh toán của các cửa hàng, tay vịn cầu thang, quầy kiểm tra passport, đồ chơi trong khu vực trẻ em. Rhinovirus được tìm thấy trong 40% các mẫu thử nhóm này, trong khi virus cúm A hiếm hơn ở mức 10%.

Nhà vệ sinh sân bay Narita, Nhật Bản.

Ngược lại, nhà vệ sinh của sân bay là một nơi sạch sẽ đến bất ngờ, và hoàn toàn không có loại virus lây qua đường hô hấp nào được tìm thấy dù là trên nút dội nước, nắp toilet hay tay nắm cửa. Lý do của điều này là nhà vệ sinh được lau chùi thường xuyên, và hành khách cũng chú ý đến vệ sinh cá nhân hơn trong môi trường toilet.

Phạm Lê

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/suc-khoe/nghien-cuu-moi-ve-vi-khuan-o-san-bay-cho-thay-thu-ban-phai-dung-o-san-bay-la-thu-nguy-hiem-nhat-57488.html