Nghiên cứu: Núi lửa và cháy rừng gây ra 'Đại diệt vong' 250 triệu năm trước

Các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy thêm bằng chứng cho thấy, núi lửa và cháy rừng đóng vai trò quan trọng trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trên Trái đất vào khoảng 250 triệu năm trước.

Sự kiện lớn xảy ra vào cuối kỷ Permi - rất lâu trước khi loài khủng long xuất hiện - đã quét sạch gần 90% các loài sinh vật biển và đất liền trong một quá trình thường được gọi là "Đại diệt vong".

 Ảnh minh họa: Shutterstock

Ảnh minh họa: Shutterstock

Mặc dù nguyên nhân trực tiếp của sự hủy diệt đã được tranh luận rộng rãi, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự nóng lên toàn cầu thảm khốc và sự khô cằn do các hoạt động núi lửa gây ra là những yếu tố thúc đẩy chính.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết trong một nghiên cứu được công bố gần đây, các hoạt động núi lửa dữ dội vào thời điểm đó đã gây ra sự giải phóng lớn khí nhà kính và các loại khí độc khác, dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, cháy rừng thường xuyên và “sự khô cằn hóa”, một quá trình trong đó các khu vực ngày càng trở nên khô hạn.

Hầu hết các nghiên cứu trước đây về sự tuyệt chủng tập trung vào các ghi chép đại dương trong thời kỳ cuối kỷ Permi, nhưng các nhà khoa học trong thập kỷ qua cũng đã bắt đầu xem xét các ghi chép trên mặt đất, theo Jiao Shenglin, tác giả chính của nghiên cứu được công bố tuần trước.

“Điểm mới trong nghiên cứu này là chúng tôi đã sử dụng một phương pháp thay thế để chứng minh tác động của các sự kiện cháy rừng ở nhiệt độ cao đối với các hệ sinh thái trên cạn”, Jiao, tại Viện Địa chất Nam Kinh thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết.

Sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi (EPME) đã chứng kiến khí thải núi lửa và cháy rừng dẫn đến sự nóng lên toàn cầu dẫn đến cháy rừng dữ dội hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Các nhà khoa học đã phân tích các hợp chất trong 40 mẫu được thu thập ở khu vực Lengqinggou, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Theo nghiên cứu, khu vực Lengqinggou là một khu vực chuyển tiếp giữa đất liền và biển với các trầm tích từ cả hai, và được coi là một điểm tham chiếu quan trọng để nghiên cứu về sự tiến hóa của hệ sinh thái ở phía Tây Nam Trung Quốc trong thời kỳ chuyển tiếp giữa 2 kỷ Permi và Trias.

Một nghiên cứu của cùng một nhóm nghiên cứu vào năm 2021 đã phát hiện ra lượng than củi dồi dào ở khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc cũng như Quý Châu cũng ủng hộ lý thuyết về các sự kiện cháy rừng thường xuyên và sự thay đổi thảm thực vật.

Mai Anh (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghien-cuu-nui-lua-va-chay-rung-gay-ra-dai-diet-vong-250-trieu-nam-truoc-post249392.html