Nghiên cứu: Tử vong do rượu ở Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 1997

Người Mỹ đang uống nhiều rượu hơn và cũng chết với tỷ lệ cao hơn từ nguyên nhân này, theo 2 báo cáo mới được công bố vào tháng 1.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Alcoholism Clinical & Experimental Research đã kiểm tra các trường hợp tử vong liên quan đến rượu từ năm 1997 đến năm 2007. Các nhà nghiên cứu coi một cái chết có liên quan đến rượu nếu giấy chứng tử liệt kê rượu là nguyên nhân chính của tử vong.

Kết quả khá bất ngờ và đáng sợ.

Từ năm 1997 đến 2017, số ca tử vong liên quan đến rượu ở người Mỹ từ 16 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi từ 35.914 lên 72.558.

Tỷ lệ tử vong tăng 50,9%, từ 16,9 lên 25,5 trên 100.000 trường hợp.

944.880 ca tử vong liên quan đến rượu được ghi nhận từ năm 1999 đến 2017.

Trong năm 2017, rượu có liên quan đến 72.558 cái chết, khiến nó nguy hiểm hơn các loại thuốc bất hợp pháp. Chỉ có thuốc lá gây chết người nhiều hơn rượu ở Mỹ.

Trong khi đó, một nghiên cứu riêng biệt khác cho thấy trong năm 2017, khoảng một nửa số ca tử vong do rượu là kết quả của bệnh gan. Tuy nhiên có một thông tin khởi sắc, đó là từ năm 1997, số người Mỹ đã chết ít hơn đáng kể trong các vụ tai nạn xe hơi liên quan đến rượu, được dự đoán có thể là do sự gia tăng của các ứng dụng gọi xe công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người đang chết vì dùng quá liều ma túy, cũng liên quan đến rượu.

"Trong năm 2017, giấy chứng tử đã ghi nhận 10,596 trường hợp tử vong do sử dụng quá liều khi kết hợp rượu và các loại thuốc khác và 2.353 trường hợp tử vong do sử dụng rượu quá liều", báo cáo cho biết.

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng trộn rượu với opioid (có trong các thuốc giảm đau), đặc biệt nguy hiểm đối với người từ 66 đến 77 tuổi.

Một nghiên cứu khác đã kiểm tra tỷ lệ uống rượu của những người nghiện rượu từ năm 2011 đến 2017. Nghiện rượu được xác định là sử dụng 5 hoặc nhiều hơn số đồ uống có cồn, đối với một người nam hoặc nhóm 4 người nữ, trong một dịp. Kết quả cho thấy, số lượng đồ uống trung bình được tiêu thụ bởi những người nghiện rượu đã tăng từ 472 vào năm 2011, lên 529 vào năm 2017. Sự gia tăng đáng kể nhất thuộc về những người không có bằng cấp ba, tiêu thụ tới 942 đồ uống mỗi người trong năm 2017, tăng từ 646 vào năm 2011. Riêng năm 2018, 26,45% người từ 18 tuổi trở lên thừa nhận họ đã từng uống rượu say trong 6 tháng qua, trong khi 6,6% cho biết họ nghiện rượu nặng.

Tại sao rượu gây nghiện?

Rượu là một trong những chất gây nghiện phổ biến nhất trên hành tinh.

Về khoa học, rượu kích hoạt các khu vực trong não bộ, giải phóng dopamine và endorphin, giúp củng cố sự phụ thuộc về thể chất. Rượu cũng chứa một lượng lớn đường, nên bản thân nó có thể gây nghiện, ít nhất là theo một số nghiên cứu.

Mọi người thường sử dụng việc uống rượu như một cơ chế đối phó, cho dù trong các tình huống xã hội hoặc lo lắng và trầm cảm, điều này có thể củng cố hành vi và khiến chúng ta có nhiều khả năng lặp lại nó trong tương lai. Một số nghiên cứu khác cho thấy những người có bộ não giải phóng một lượng lớn opioid tự nhiên để phù hợp với rượu thì đặc biệt dễ bị nghiện rượu.

Làm thế nào để hạn chế uống rượu?

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những người uống nhiều hơn sáu ly rượu mỗi tuần có khả năng tử vong sớm đáng kể, đặc biệt là vì đột quỵ, bệnh tim, suy tim, bệnh tăng huyết áp và phình động mạch chủ. Do đó, nên hạn chế uống rượu.

Dưới đây là một số lời khuyên cho người nghiện rượu, của Trường Y Harvard:

- Viết ra các lý do cụ thể tại sao bạn muốn bỏ rượu: Các nghiên cứu cho thấy viết các mục tiêu ra làm cho chúng ta có nhiều khả năng đạt được chúng.

- Đừng giữ rượu trong nhà: Cố gắng tạo khoảng cách nhiều hơn giữa bạn và rượu; làm cho việc lấy được một chai rượu trở nên khó khăn hơn.

- Uống chậm: Hãy thử gọi một lon soda, hoặc nước, giữa các lần uống rượu.

- Đặt mục tiêu uống rượu: Nếu bạn muốn tiếp tục uống, hãy thử đặt giới hạn đồ uống trước khi ra ngoài để biết chính xác khi nào mình nên dừng lại.

- Chống lại cám dỗ: Nhận thức được những gì kích hoạt bạn uống, như một số người bạn, mức độ căng thẳng, địa điểm cụ thể... Hãy chú ý xem bạn có sử dụng rượu để đối phó với tình trạng căng thẳng hay không, và nếu có thì hãy tìm cách để thay thế cơ chế đối phó đó bằng một phương pháp khác lành mạnh hơn.

Tham khảo bigthink

Bảo Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nghien-cuu-tu-vong-do-ruou-o-my-da-tang-gap-doi-ke-tu-nam-1997-82020181195928878.htm