Nghiên cứu và chuẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam

Dự án 'Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng tại Việt Nam' sẽ xây dựng các biện pháp giảm phát thải để đạt phát thải ròng bằng 0.

Hội thảo Khởi động dự án “Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo nhằm chia sẻ tới các bên liên quan chính của ngành năng lượng Việt Nam về các mục tiêu và hoạt động của nghiên cứu cũng như sự tham gia, đóng góp của các bên liên quan trong tiến trình thực hiên dự án.

Hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Tháng 11/2021, tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố: Bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện mạnh mẽ các biện pháp giảm phát thải để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050.

Các khoản đầu tư lớn vào cung cấp năng lượng và các hoạt động chuyển đổi sâu sắc tất cả các lĩnh vực, bao gồm giao thông vận tải và công nghiệp, chuyển đổi lao động, an ninh năng lượng, tài sản liên quan đến khí thải là những thách thức lớn cần được tính toán kỹ để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050.

Việc tìm kiếm các khoản đầu tư tối ưu và sự kết hợp các nguồn lực và công nghệ để đảm bảo thực hiện khử cacbon cho toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050, đồng thời cân nhắc đến các chính sách hiện tại và tương lai, các thách thức về an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước đòi hỏi một quy trình phân tích chuyên biệt và sự gắn kết chặt chẽ với các bên hữu quan.

Trong bối cảnh đó, dự án “Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho Ngành năng lượng Việt Nam” sẽ đánh giá quá trình chuyển đổi của ngành năng lượng Việt Nam sang kịch bản phát thải ròng bằng "0" (Net-Zero) vào năm 2050. Nghiên cứu trên cũng sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu cũng phù hợp với Chương trình Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế gồm: E4SMA - Italy, VIETSTAR - Việt Nam và Energy Modeling Lab (EML) - Đan Mạch, trong đó E4SMA và EML - với chuyên môn về mô hình năng lượng và biến đổi khí hậu cho việc ra quyết định, và VIETSTAR với vai trò gắn kết các bên liên quan cùng chuyên môn và sự am hiểu trong nước. Hiệp hội Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) đóng vai trò là nhà tài trợ cho nghiên cứu.

Các bên liên quan chính của ngành năng lượng Việt Nam và các tổ chức quốc tế tham dự khởi động dự án

Các bên liên quan cùng tham gia và đóng góp cho dự án

Nghiên cứu sẽ được thực hiện dưới sự phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan của ngành năng lượng Việt Nam như Bộ Công Thương (MOIT); Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE); Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)… Kết quả của nghiên cứu sẽ được phổ biến tới tất cả các cơ quan Chính phủ.

Bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ Trưởng Vụ Dầu Khí và Than- chia sẻ, Vụ Dầu Khí và Than sẽ hỗ trợ dự án và đóng vai trò kết nối với các bên liên quan trong ngành năng lượng Việt Nam.

“Nghiên cứu đưa ra các phân tích dựa trên bằng chứng thiết thực và tạo điều kiện cho các sáng kiến nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách về chuyển đổi năng lượng cũng như đóng góp vào sự phát triển của thị trường năng lượng cạnh tranh”- bà Sirpa Jarvenpaa - Giám đốc ETP cho hay.

Tọa đàm giữa tư vấn trong nước và quốc tế cùng các bên liên quan của ngành năng lượng Việt Nam

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam, thông tin từ Nghiên cứu Net-zero đóng vai trò vô cùng quan trọng, sẽ tác động đến hoạt động ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp năng lượng. “Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Singapore đã đạt được những bước tiến quan trọng và có nhiều hoạt động trong vài năm gần đây. Các doanh nghiệp Singapore cũng rất quan tâm đến những bước chuyển đổi mà Việt Nam đang hướng tới trong lộ trình Net-zero”- ông Jaya Ratnam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore cho biết.

Đại diện đơn vị tư vấn quốc tế, ông Maurizio-Giám đốc điều hành E4SMA cho biết: Nghiên cứu nhắm đến mục tiêu cung cấp một đánh giá chuyên sâu về các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng với phân tích toàn diện về kỹ thuật, tài chính và các tác động thể chế của quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam; nghiên cứu sẽ tăng cường đối thoại chính sách và cam kết chiến lược về chuyển đổi năng lượng Net-Zero thông qua thông tin về phát triển công nghệ, các tác động của các chính sách để thực hiện các giải pháp giảm thiểu carbon chi phí thấp và tổng chi phí và nhu cầu tài chính để đạt được các mục tiêu carbon thấp.

Bà Phạm Thu Hằng, CEO VietStar - Đơn vị tư vấn trong nước cho biết: Các nhà nghiên cứu sẽ thường xuyên làm việc với các bên liên quan ngành năng lượng nhằm đảm bảo rằng nghiên cứu phù hợp với thực tế và các ưu tiên của các bên liên quan. Sự hỗ trợ và góp ý của các bên liên quan đóng vai trò quan trọng cho thành công của của kết quả nghiên cứu.

Các bên liên quan cũng bày tỏ sự sẵn lòng hỗ trợ nghiên cứu thông qua chia sẻ dữ liệu và quan điểm về hoạt động chuyển đổi công nghệ của ngành năng lượng và các chính sách cần thiết để đạt được mục tiêu giảm phát thải bằng không.

Nghiên cứu sẽ được triển khai theo bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn được kết thúc bằng một báo cáo. Trong đó, giai đoạn 1 (giai đoạn khởi động - Tháng 2/2023). Giai đoạn 2 (tài liệu giả định và xác định kịch bản - Tháng 4/2023). Giai đoạn 3 (lập mô hình kịch bản - Tháng 6/2023). Giai đoạn 4 - Giai đoạn kết thúc dự án “Báo cáo - Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng tại Việt Nam”, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2023.

Tham gia Hội thảo khởi động ngày 28/2/2023 vừa qua tại Hà Nội có sự tham dự của bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu Khí và Than (Bộ Công Thương), ông Jaya Ratnam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam; đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Phát điện 1,2,3, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam-Đan Mạch, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)…

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghien-cuu-va-chuan-doan-cac-kich-ban-net-zero-cho-nganh-nang-luong-viet-nam-245202.html