Nghiên cứu và sản xuất khí tài quang điện tử tại Việt Nam

Từ nhu cầu trong quân đội, lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất các thiết bị quang điện tử đã dần bén rễ và phát triển tại Việt Nam. Hiện nay, các khí tài quang điện tử ở trong nước vẫn tập trung ở hai mảng chính là thiết bị nhìn đêm cho người lính (ống nhòm, kính ngắm) và các hệ thống quang điện tử giám sát và chỉ thị mục tiêu.

“Mắt cú” cho người lính

Có thể thấy khí tài quang điện tử đã có mặt và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tác chiến của các đơn vị trong quân đội. Nhu cầu trang bị các khí tài quang điện tử hiện đại sử dụng công nghệ ảnh nhiệt, laser đo xa trở nên cấp thiết trong nền quốc phòng Việt Nam.

Thiết bị nhìn đêm (NVD) cho người lính là loại khí tài mang, đeo cho cá nhân, phục vụ tác chiến trực tiếp, cự ly gần. Có hai dòng thiết bị chính là ống nhòm nhìn đêm và kính ngắm nhìn đêm lắp trên súng. Về mặt công nghệ, các thiết bị này đang sử dụng hai công nghệ chính là khuếch đại ánh sáng yếu và công nghệ ảnh nhiệt.

Các loại kính ngắm, ống nhòm nhìn đêm sử dụng công nghệ khuếch đại ánh sáng yếu đã cơ bản được chúng ta làm chủ. Hiện nay, NVD khuếch đại ánh sáng yếu được trang bị rộng rãi cho lực lượng bộ binh (ống nhòm đêm cá nhân) và các loại súng bộ binh (kính ngắm đêm). Xí nghiệp 23, Nhà máy Z199, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đã phát triển được một số NVD khuếch đại ánh sáng yếu như kính nhìn đêm trang bị cho súng AK, súng PKM-S, súng B-41, súng SPG-9, súng ĐKZ82-B10. Viện Vũ khí cũng thiết kế các mẫu kính ngắm ngày, đêm, trong đó có lắp trên các súng Gali ACE (KNĐ-GL32, KNN-GL32 và KQC-GL32), súng bắn tỉa (NVS-1BT).

Các đài quang điện tử do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) nghiên cứu và sản xuất.

Tiếp tục phát triển trên nền tảng khí tài dùng cho cá nhân, các đơn vị nghiên cứu và sản xuất trong quân đội đang nghiên cứu thử nghiệm kính nhìn đêm trang bị cho súng cối, súng AGS-17, súng M-79, súng máy phòng không 12,7mm; các loại ống nhòm một mắt, hai mắt trang bị cho lái xe, trưởng xe tăng T-54, T-55.

Các khí tài trên đều sử dụng ống khuếch đại ánh sáng (EOP) do Nhà máy Z181, Tổng cục CNQP làm chủ và phát triển. Với dây chuyền sản xuất 2.000 sản phẩm/năm, các sản phẩm làm ra có tính năng kỹ thuật ngày càng được nâng cao về độ nhạy sáng, độ phân giải và tỷ số tín/tạp. Việc làm chủ được thành phần lõi-trái tim của kính khuếch đại ánh sáng là cơ sở quan trọng để Việt Nam tự chủ hoàn toàn việc trang bị đại trà các kính nhìn đêm cho bộ đội.

Đối với NVD sử dụng công nghệ ảnh nhiệt, Quân đội ta cũng đã nghiên cứu, sản xuất và trang bị trong những năm gần đây. Dù việc chế tạo cảm biến ảnh nhiệt vẫn còn là một thách thức khó vượt qua, việc tiếp cận các linh kiện quan trọng này đã dễ dàng hơn trong thời đại ngày nay. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu trong nước có thể phát triển những sản phẩm thiết bị ảnh nhiệt, tập trung vào vấn đề xử lý tín hiệu, quang học, cơ khí sản phẩm.

Nổi bật là từ khi thành lập bộ phận nghiên cứu về lĩnh vực quang điện tử, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tiếp cận và nhanh chóng làm chủ công nghệ ảnh nhiệt. Viettel đã chế tạo thành công dòng sản phẩm NVD cho quân nhân, được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đưa vào trang bị cho một số quân, binh chủng như Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Binh chủng Đặc công...

Đây là những thành công đầu tiên và là cơ sở để công nghệ quang điện tử ảnh nhiệt tiếp tục phát triển tại Việt Nam.

Giám sát và chỉ thị mục tiêu

Phức tạp hơn các khí tài nhìn đêm cho cá nhân, các hệ thống quang điện tử giám sát và chỉ thị mục tiêu là những sản phẩm có độ tích hợp cao, chứa đựng nhiều công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Hiện nay, hầu hết các đài quang điện tử sử dụng trong Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ các đối tác nước ngoài như Mỹ, Israel, Pháp. Mức độ tùy biến để phù hợp với điều kiện tác chiến của môi trường và con người Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian do thường xuyên phải gửi về nước sản xuất.

Ở lĩnh vực cần phát triển nhiều công nghệ lõi thành phần, Viettel đã thể hiện được nhiều ưu thế trong khả năng nghiên cứu, phát triển và nhanh chóng chế tạo thành công các hệ thống quang điện tử giám sát và chỉ thị mục tiêu. Viettel đã tiếp cận từ giải pháp hệ thống đến việc làm chủ các công nghệ thành phần quan trọng nhất bao gồm công nghệ xử lý tín hiệu ảnh nhiệt hồng ngoại, quang học hồng ngoại, điều khiển tự động, xử lý thông tin. Khả năng làm chủ các công nghệ lõi thành phần đã giúp Viettel chế tạo thành công nhiều hệ thống quang điện tử giám sát và chỉ thị mục tiêu với các yêu cầu tác chiến khác nhau. Từ các hệ thống giám sát an ninh tầm gần khu vực trọng điểm sử dụng loại cảm biến ảnh nhiệt không làm lạnh, giá thành thấp, đến các hệ thống cảnh giới tầm xa, sử dụng loại cảm biến ảnh nhiệt làm lạnh, có hiệu năng cao. Từ các hệ thống đặt cố định truyền dữ liệu tới sở chỉ huy đến hệ thống đặt trên phương tiện cơ động như tàu, thuyền cần có các bộ tự ổn định, bộ định vị. Đó là các nền tảng công nghệ và sản phẩm quan trọng, sẵn sàng đưa vào sản xuất theo nhu cầu quân đội.

Ngoài những sản phẩm đã được trang bị, đơn vị còn có các sản phẩm đã nghiên cứu và chế tạo thành công, sẵn sàng được triển khai như đài quang điện tử tầm xa dùng cho tàu trên biển. Các hệ thống quang điện tử trên xe tăng, quang điện tử cảnh giới đang được tiếp tục nghiên cứu và phát triển. Một mảng khác về quang điện tử là nghiên cứu đầu dẫn quang điện tử hồng ngoại cũng đang được tích cực nghiên cứu tại Viettel.

Cần chiến lược tổng thể

Đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn phải thừa nhận, quang điện tử hồng ngoại đối với Việt Nam là một lĩnh vực còn mới mẻ, cả về ứng dụng trong quân đội lẫn khả năng nghiên cứu, sản xuất.

So với quân đội các nước phát triển, mức độ sử dụng các khí tài quang điện tử hiện nay ở Việt Nam còn chưa cao. Để thay đổi điều này, đầu tiên cần nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của khí tài quang điện tử trong tác chiến hiện đại. Những lợi thế to lớn mà các nước phát triển có được nhờ sở hữu công nghệ quang điện tử tiên tiến so với các nước lạc hậu hơn là hết sức rõ ràng. Để thu hẹp dần khoảng cách này, cần có những nghiên cứu sâu về khả năng tác chiến của thiết bị quang điện tử trong từng điều kiện khác nhau, điều kiện ngày đêm, điều kiện thời tiết sương mù, khói bụi, tính cơ động, tác chiến trên mặt đất, trên không hay trên biển. Việc hiểu rõ khả năng hoạt động của các thiết bị quang điện tử hiện đại giúp chúng ta có thể mạnh mẽ hơn trong việc áp dụng thiết bị quang điện tử trong tác chiến, sử dụng một cách hiệu quả, tăng tính chiến đấu cho quân đội. Bên cạnh đó, hiểu rõ hoạt động của thiết bị quang điện tử của đối phương cũng giúp chúng ta có thể đưa ra các biện pháp phòng thủ hiệu quả.

Về khả năng nghiên cứu làm chủ, đối với Việt Nam, quang điện tử vẫn là một lĩnh vực công nghệ cao, mới, khó và đặc thù. Nền tảng khoa học kỹ thuật nói chung và khoa học kỹ thuật quân sự nói riêng trong nước vẫn còn chưa đáp ứng được. Với điều kiện tài chính hạn hẹp, nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực hẹp còn chưa có, mặt bằng công nghiệp phụ trợ trong nước còn yếu, những trở ngại cho ngành quang điện tử hồng ngoại non trẻ ở trong nước là vô cùng lớn. Điều này đặt ra nhu cầu về một chiến lược tổng thể để phát triển lĩnh vực quang điện tử trong nước. Về mặt công nghệ, bài toán đặt ra là lựa chọn công nghệ phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, bảo đảm tính cập nhật, khả năng cạnh tranh, khả năng nhân lên mức độ sản xuất hàng loạt và tiềm năng phát triển cho tương lai. Ngoài ra, thách thức đặt ra cho chương trình phát triển ngành quang điện tử còn nằm ở một phương diện khác, là làm sao để không chỉ giải quyết được bài toán khó về kỹ thuật, công nghệ mà còn giải quyết được bài toán về kinh tế và hiệu quả đầu tư.

Để giải quyết bài toán lớn đó, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ về đường lối, chủ trương của các cấp lãnh đạo, đồng thời những người làm trong nghề phải xây dựng được một bức tranh ngành hoàn chỉnh và chi tiết, xác định được chiến lược dài hạn và ngắn hạn, về công nghệ và về sản phẩm, chia ra các bài toán nhỏ hơn về các công nghệ thành phần, các dòng sản phẩm mục tiêu theo từng giai đoạn, phù hợp năng lực nghiên cứu và nhu cầu thị trường, bảo đảm khả năng tự chủ cả về công nghệ, sản phẩm và năng lực tài chính cho sự phát triển lâu dài.

Bài và ảnh: HOÀNG MINH ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cong-nghiep-quoc-phong-4-0/nghien-cuu-va-san-xuat-khi-tai-quang-dien-tu-tai-viet-nam-683910