Nghiên cứu vùng cao Việt Nam từ sử học và tiếp cận liên ngành

Hội thảo khoa học 'Nghiên cứu Vùng cao Việt Nam: Sử học và Tiếp cận liên ngành' được tổ chức ngày 30-12, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu nhiều vấn đề và các kết quả nghiên cứu đa chiều, khẳng định rằng: Lịch sử vùng cao còn cần được tiếp cận bằng cái nhìn đa chiều, trong một mạng lưới kết nối các vùng miền đa dạng.

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu Vùng cao Việt Nam: Sử học và Tiếp cận liên ngành”.

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu Vùng cao Việt Nam: Sử học và Tiếp cận liên ngành”.

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu Vùng cao Việt Nam: Sử học và Tiếp cận liên ngành” được tổ chức ngày 30-12, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu nhiều vấn đề và các kết quả nghiên cứu đa chiều, khẳng định rằng: Lịch sử vùng cao còn cần được tiếp cận bằng cái nhìn đa chiều, trong một mạng lưới kết nối các vùng miền đa dạng.

Nghiên cứu đa tuyến, toàn diện và toàn bộ

Nguyên lý đa tuyến, toàn diện và toàn bộ khi nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các thời kỳ cổ đại và trung đại - theo đó, “lịch sử Việt Nam được nhận thức là lịch sử của các cộng đồng quốc gia, cộng đồng cư dân, tộc người đã từng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay và đã từng góp phần vào tiến trình lịch sử Việt Nam, vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, quá trình sáng tạo và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam”, đã được giới sử học Việt Nam hiện đại từng bước hiện thực hóa, đặc biệt là trong những năm gần đây. Sử học Việt Nam nói chung và lịch sử văn hóa Việt Nam nói riêng đã bổ sung được các dòng chảy lịch sử văn hóa Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Chăm Pa ở miền trung và Đồng Nai - Óc Eo - Phù Nam ở miền nam.

Lãnh thổ Việt Nam ngày nay có địa hình đồi núi chiếm phần lớn (khoảng ¾) diện tích. Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, phần lớn các tộc người thiểu số sinh sống và định hình bản sắc văn hóa của mình trên các vùng đất cao. Các cộng đồng cư dân, các nền văn hóa vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc, Trường Sơn - Tây Nguyên đã hội nhập, đóng góp vào việc hình thành dân tộc Việt Nam, bảo tồn các dấu ấn văn hóa bản địa Việt Nam, góp phần không nhỏ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Dù cho lịch sử vùng cao Việt Nam, một lịch sử của các tộc người không có hoặc có rất ít chữ viết cần được xem xét bổ sung và đặt ở vị trí xứng đáng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam - một lịch sử đa tuyến và toàn bộ. Tuy vậy, không gian lịch sử, văn hóa rộng lớn là các vùng cao, miền núi tại Việt Nam (đã và vẫn) còn được trình bày khiêm tốn trong tổng thể các câu chuyện, các thời kỳ của lịch sử Việt Nam. Điều này đặt ra những yêu cầu nghiên cứu mới trong tương lai.

Một vùng năng động, chủ động, phong phú và kết nối

Với cái nhìn đa chiều và liên ngành, vùng cao Việt Nam là một vùng năng động, chủ động, phong phú và kết nối:

Về mặt chính trị, hệ thống quyền lực miền núi như chế độ thủ lĩnh dịa phương ở miền bắc, ở Tây Nguyên cho đến tận đầu thế kỷ 20, không chỉ theo không gian mà còn theo độ cao địa hình Các “chính thể miền núi” này đã từng là trọng tâm trong chính sách phát triển lãnh thổ, quyền lực và kinh tế của các Nhà nước quân chủ, là “đối tác trung gian” cho truyền bá tôn giáo. Và hiện nay, dấu vết văn hóa - xã hội của các thực thể này vẫn đang là mối quan tâm trong chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.

Về mặt kinh tế, trái ngược với những nhận định truyền thống về một vùng cao lạc hậu, bị động và kém trù phú, các nghiên cứu đều cho thấy rằng vùng cao có nhiều kết nối và đóng vai trò đầu cầu quan trọng (thậm chí quyết định) và còn rất có thể đã là động lực chứ không chỉ là hệ quả của những biến đổi kinh tế - xã hội ở miền bắc Việt Nam trong thời quân chủ. Ở thời hiện đại, vai trò kinh tế của vùng cao càng được nhấn mạnh hơn.

Về mặt văn hóa - xã hội, vùng cao không những là nơi lưu giữ những dấu ấn cổ sơ, đậm tính bản địa như những đặc trưng văn hóa mà còn có cả những dấu tích vật chất của các chính thể từ miền xuôi. Sự hiện diện của những dấu tích vật chất đó không chỉ đơn thuần “một chiều” từ Nhà nước trung ương, từ đồng bằng tác động lên mà còn những “kênh” khác đa dạng hơn nhiều.

Về mặt xã hội, các cuộc di cư hiện lên qua huyền thoại, truyền thuyết trong lịch sử, cho thấy sự di chuyển và biến đổi xã hội - văn hóa của mỗi / từng tộc người. Các cuộc dịch chuyển xã hội và các làn sóng di dân trong các thế kỷ 20 - 21 cho thấy một vùng cao “chuyển động” dưới tác động của các chính sách từ Nhà nước và đã biến đổi cấu trúc xã hội truyền thống của cả vùng trong vòng một thế kỷ gần đây.

PGS Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Nghiên cứu vùng cao được xác định là vấn đề lớn của sử học, làm cho lịch sử được nhìn nhận đầy đủ và sâu sắc hơn. Không những thế, nghiên cứu vùng cao Việt Nam tiếp cận từ sử học và tiếp cận liên ngành là hướng của giới nghiên cứu, trong nhiều ngành khoa học khác có liên quan.

VƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/nghien-cuu-vung-cao-viet-nam-tu-su-hoc-va-tiep-can-lien-nganh--630155/