Nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn

Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ vừa thực hiện thành công đề tài 'Nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn'.

Mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng và hình thành phương thức sản xuất mới cho nông dân trồng rau, từ truy xuất được nguồn gốc, ứng dụng công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương và có kênh tiêu thụ rõ ràng.

Qua đó, nâng cao chuỗi giá trị rau an toàn cho tỉnh An Giang. Tùy đối tượng và mùa vụ gieo trồng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất ít nhất 20%. Đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP.

Xây dựng 5 quy trình chuyển giao công nghệ với diện tích 3.800m2 và 9 mô nhân rộng (4ha ngoài trời và 1.000m2 trong nhà màng) sản xuất hiệu quả một số rau ăn quả chính (dưa leo, khổ qua, cà chua cherry) và rau ăn lá (xà lách, cải ngọt) tại TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc, có gắn kết các giải pháp sơ chế và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gồm: 25 cán bộ kỹ thuật và 330 lượt nông dân phục vụ phát triển mô hình. Xây dựng và phát triển thị trường cho sản phẩm rau an toàn tỉnh An Giang. Đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển bền vững chuỗi giá trị rau an toàn cho tỉnh.

Trao giấy chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Bình Thạnh

Đề tài đã điều tra thực trạng sản xuất, sơ chế, kênh phân phối và tiêu thụ rau ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và 4 huyện: Chợ Mới, An Phú, Châu Phú và Châu Thành. Chuyển giao các quy trình kỹ thuật sản xuất cà chua cherry trồng trong nhà màng và xà lách, cải ngọt, dưa leo, khổ qua trồng ngoài trời đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Đào tạo 20 cán bộ kỹ thuật sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP. Tập huấn kỹ thuật sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP cho 100 lượt nông dân sản xuất rau trong và ngoài tổ sản xuất rau an toàn thuộc TP. Long Xuyên và Châu Thành quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP); nhật ký ghi chép đồng ruộng; quy trình kỹ thuật sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP cho các loại rau ở trên; quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp cho sản xuất rau VietGAP (4 loại rau); kỹ thuật sơ chế, đóng gói và bảo quản rau đạt chuẩn VietGAP (4 loại rau).

Các quy định phải tuân thủ trong sản xuất rau VietGAP. Tập huấn về liên kết giữa nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập huấn sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc. Hội thảo đầu bờ cho các hộ nông dân tham gia mô hình, cán bộ và nông dân trồng rau tại địa phương.

Theo chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Phạm Thị Minh Tâm, đã xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP cho cây xà lách, cải ngọt, dưa leo, khổ qua trồng ngoài trời.

Mô hình được thực hiện trên đất của tổ viên tổ hợp tác sản xuất rau an toàn đã có ở TP. Long Xuyên và huyện Châu Thành. Hoàn thiện mô hình sơ chế, xử lý, đóng gói rau sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

Củng cố tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP. Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP; đăng ký nhãn hiệu; phối hợp Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Phan Nam phân phối sản phẩm; xúc tiến thị trường ngoài tỉnh.

Trao giấy chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Mỹ Hòa Hưng

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, UBND xã Bình Thạnh (Châu Thành), xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm khổ qua và dưa leo của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Bình Thạnh, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Mỹ Hòa Hưng (nay là Hợp tác xã nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng).

Tổ sản xuất rau an toàn xã Bình Thạnh có diện tích 1,05ha (sản xuất tại ấp Thạnh Hòa, xã Bình Thạnh) với 4 thành viên tham gia sản xuất chủ yếu là khổ qua và dưa leo, sản lượng hàng năm dự kiến đạt 24 tấn. Qua 12 tháng thực hiện hướng dẫn các thủ tục trong quy trình VietGAP, lấy mẫu đi kiểm tra các tiêu chí và kết quả đạt yêu cầu phù hợp với tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Việc 2 sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP là dịp để tổ kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, góp phần tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp địa phương; bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng.

Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng có 54 thành viên, trong đó 26 thành viên sản xuất rau an toàn, với tổng diện tích 12,69ha (7,69ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn). Mô hình mang lại thu nhập ổn định cho nông dân và giá trị lợi nhuận cao hơn trồng rau bình thường.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nghien-cuu-xay-dung-chuoi-lien-ket-san-xuat-va-tieu-thu-rau-an-toan-a265182.html