Nghiện game, thanh niên 21 tuổi có tính cách và hiểu biết như trẻ 12!

Nghiện game, thời gian dành cho game chiếm hết mọi thời gian giao tiếp xã hội và học tập nên thanh niên 21 tuổi khi vào nhập viện điều trị nghiện game có biểu hiện tính cách và hiểu biết, kỹ năng giao tiếp như một đứa trẻ 12 tuổi…

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm thông tin ban đầu về "Nghiên cứu điều trị về nghiện game và trầm cảm ở thanh thiếu niên" do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức.

Trầm cảm, rối loạn cảm xúc vì game

Theo ThS.BS Lê Thanh Hà (Học viện Quân y 103), tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam tăng với tốc độ chóng mặt, gấp 10-100 lần các nước khác trong khu vực châu Á. Theo nguồn Internetworldstats, từ năm 200-1010, tỷ Tỷ lệ tăng trưởng người dùng Internet khu vực châu Á, Việt Nam tăng tới 12035%, trong khi Trung Quốc chỉ tăng 1767%; Ấn Độ tăng 1520%; Malaixia 357%; Singapore 205%; Nhật Bản 111%...

Độ tuổi sử dụng Internet ở Việt Nam (năm 2015) cũng trẻ nhất (21 tuổi), đặc biệt tỷ lệ người sử dụng dưới 19 tuổi cũng rất cao, lên đến 50%. Có đến 87% người Việt vào Internet nghe nhạc và tới 62% để chơi game online.

Ông Hà cũng cho biết, theo nghiên cứu nhỏ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, có đến 11,6% thanh niên Việt Nam tuổi từ 15-19 bị trầm cảm, còn 17,9% thanh niên từ 20-24 tuổi bị trầm cảm. Có nhiều liên quan đến trầm cảm và việc nghiện chất, nghiện game.

BS Nguyễn Tất Định (Học viện Quân y 103) chia sẻ, Bệnh viện Quân y 103 từng điều trị cho một học sinh1 6 tuổi nhưng trí tuệ, tương tác chỉ như một đứa 5 tuổi. “Bạn này có mẹ hay đi công tác và được mua cho máy tính để học nhưng lại sử dụng để chơi game, có khi chơi quay mấy ngày đêm, ăn tại chỗ hoặc nhịn ăn dẫn đến cơ thể gầy gò, suy kiệt. Khi mẹ yêu cầu không chơi, cắt internet ở nhà thì bé này đã cáu gắt, đánh lại mẹ, sau đó trốn ra ngoài để được chơi. Khi tiếp nhận trường hợp này, chúng tôi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với nhóm thuốc an thần nhẹ”, BS Định cho biết.

Phân tích nguyên nhân trẻ 16 nhưng lại có trí tuệ như trẻ lên 5 hay có những thanh niên 21 tuổi mà tính cách, hiểu biết và kỹ năng gio tiếp lại như đứa trẻ 12, chuyên gia y tế Trần Thị Mỹ Hạnh, Đại học Y tế Công cộng phân tích: Người nghiện thường có biểu hiện tự cô lập mình với gia đình, bạn bè hoặc mọi hình thức tiếp xúc với xã hội và dồn sự tập trung nhiều nhất vào chơi game online vì bị thu hút mạnh hơn tất cả các sự kiện khác trong cuộc sống.

"Ở tuổi thiếu niên, lẽ ra đứa trẻ phải dành thời gian cho học tập, tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thể thao, học cách giao tiếp, xử sự... và từ đó sẽ trưởng thành. Nhưng do dành quá nhiều thời gian vào chơi game nên cơ hội để phát triển nhân cách đã bị mất đi" - chuyên gia Mỹ Hạnh chia sẻ.

 Dành quá nhiều thời gian và chơi game, thanh niên 21 tuổi mất kỹ năng giao tiếp xã hội, tính cách và hiểu biết chỉ như đứa trẻ 12 - ảnh minh họa

Dành quá nhiều thời gian và chơi game, thanh niên 21 tuổi mất kỹ năng giao tiếp xã hội, tính cách và hiểu biết chỉ như đứa trẻ 12 - ảnh minh họa

Trong khi đó, ThS Hà cho biết, nghiện game online kéo dài sẽ khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. Người sử dụng internet 5-6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội.

“Thực tế cho thấy, nhiều người chơi đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những người nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật. Một tỷ lệ trẻ nghiện game online kéo dài khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo”, BS Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ sau câu chuyện của VnMedia về việc nhiều bố mẹ khi không thể dứt con ra khỏi game đã tìm cách đưa con vào các trường đại học để học chuyên về công nghệ thông tin với hy vọng con sẽ dành đam mê game cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên gia Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng, nếu bố mẹ nhầm lẫn giữa ham mê chơi game và đam mê công nghệ và có quyết định như vậy vô hình chung sẽ “tiếp tay” cho con mình chìm đắm vào nghiện game hơn.

Còn Ths Định thì cho rằng, đúng là có những trường hợp trẻ đam mê công nghệ nhưng không nên đánh đồng đam mê công nghệ và nghiện game. Nếu người đam mê sẽ tìm tòi, đọc thêm tài liệu để củng cố, các thói quen sinh hoạt vẫn có thể duy trì. Do vậy, bố mẹ cần phải hiểu con mình có biểu hiện của đam mê công nghệ, ham tìm tòi để tăng hiểu biết hay chỉ đơn thuần là chơi game vô bổ để có định hướng phù hợp cho con.

Điều trị nghiên game và trầm cảm

Hiện nay thế giới chưa có mã bệnh về nghiện game hay nghiện sử dụng internet vì còn có vấn đề trong phân định ranh giới giữa sử dụng internet với mục đích cho công việc hay chỉ là vui chơi, giải trí. Theo Hội Tâm thần học Mỹ (DSM-5, 2013), đây là bệnh lý cần tiếp tục nghiên cứu.

Bản chất cơ chế bệnh sinh của nghiện game và trầm cảm đều có điểm tương đồng vì đều gây ra bởi tình trạng rối loạn cân bằng của nhóm năm hormone Dopamin, Endorphin, Testosterol, Oxytocin, Serotonin – còn gọi là dàn nhạc năm hormone hạnh phúc.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng các cộng sự đang tiến hành nghiên cứu điều trị về nghiện game và trầm cảm ở thanh thiếu niên. Dự án này vừa được khởi động và dự kiến nghiên cứu trong ba năm trên các đối tượng thanh thiếu niên nghiện game online.

BS Nguyễn Tất Định cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về nghiện game online. Nghiên cứu này sẽ tiến hành so sánh nồng độ năm hormonE Dopamin, Endorphin, Testosterol, Oxytocin, Serotonin trong máu của những người bị nghiện game online, trầm cảm và người bình thường khỏe mạnh. Từ đó, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá hiệu quả phương pháp điều trị dựa vào nguyên lý điều chỉnh nồng độ năm hormone trong máu của những người bị nghiện game online và trầm cảm ở Việt Nam.

“Nghiên cứu sẽ tiếp cận đo lường ngưỡng hormone bình thường sau đó điều chỉnh dần dần ngưỡng hormone của các trẻ nghiện và trầm cảm về ngưỡng chấp nhận được bằng các biện pháp điều trị tâm thần học và tâm lý liệu pháp. Hy vọng nghiên cứu này sẽ mở ra được cơ hội điều trị tốt và giảm thời gian trẻ phải nghỉ học, nghỉ làm để tập trung tại các cơ sở giáo dưỡng hay điều trị rối loạn tâm thần cũng như đem lại cơ hội bảo tồn được ổn định tâm lý của trẻ sau điều trị được lâu hơn”, BS Hạnh cho hay.

Theo BS Trần Thị Mỹ Hạnh, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra hướng điều trị bằng cách mới là cá nhân hóa điều trị. “Chúng tôi điều trị cắt cơn nghiện game cho người chơi. Sau khi cắt cơn, người chơi sẽ rơi vào trạng thái cô đơn, sẽ thiếu hụt đích mới trong cuộc sống. Theo đó chúng tôi tạo dựng thiên hướng mới cho trẻ như âm nhạc, nấu ăn… để trẻ cân bằng tâm lý, hòa nhập với xã hội”, BS Hạnh nói.

Trước mắt, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành nghiên cứu trên các đối tượng đang điều trị nội trú tại khoa tâm thần tuyến cuối của Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Quân Y viện 103. Sau đó tùy nhu cầu và số lượng bệnh nhân, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất mở rộng hợp tác điều trị với Viện Sức khỏe tâm thần TƯ, khoa Tâm thần của một số các bệnh viện uy tín. Việc điều trị bảo đảm tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế và ngành tâm thần học gồm điều trị nội trú tại bệnh viện bằng thuốc. Giai đoạn sau, nhóm sẽ tiến hành bảo tồn cho người bệnh bằng chuỗi các hoạt động tâm lý liệu pháp được cá thể hóa dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tâm lý liệu pháp của Học viện Quân y, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Phòng Tâm lý liệu pháp (Phòng khám đa khoa, Trường Đại học Y tế công cộng).

Hoàng Hải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/nghien-game-thanh-nien-21-tuoi-co-tinh-cach-va-hieu-biet-nhu-tre-12-618836/