Nghiệp chướng

Cựu tổng thống Philippines Josef “Erap” Estrada gọi việc bà Gloria Arroyo bị bắt vì nghi ngờ gian lận bầu cử năm 2007 là do “nghiệp chướng”

Từ“nghiệp chướng” mà ông Estrada dùng không chỉ có nghĩa là “làm ác gặp ác” theo quan niệm của Phật giáo mà còn bao hàm nhiều ý khác. Nó khiến người ta nhớ bà Arroyo đã từng “hành hạ” ông Estrada suốt 7 năm trời.

Ngay sau khi bị quần chúng ở thủ đô Manila nổi dậy đuổi ra khỏi dinh tổng thống, ông Estrada bị chính quyền bà Arroyo bắt giữ về tội tham ô và khai man tài sản. Tòa án đặc biệt Sandiganbayan (tương đương với tòa phúc thẩm) đem ông ra xét xử từ năm 2001 đến năm 2007. Chung cuộc, ông thoát tội khai man nhưng bị kết án tù chung thân về tội tham ô.Tuy nhiên, sau đó ông được bà Arroyo ân xá.

“Gậy bà đập lưng bà”

Theo nhà báo Raissa Robles trên trang mạng Global Balita, khúc mắc trong chuyện bà Arroyo không thể xuất cảnh để đi chữa bệnh (theo lời của chồng bà, ông Jose Miguel “Mike” Arroyo) là do Thông tư 41 của Bộ Tư pháp ban hành ngày 25-5-2010. Lúc đó, bà Arroyo hãy còn là tổng thống nước Cộng hòa Philippines.

Tinh thần chủ yếu của Thông tư 41 là củng cố những quy định liên quan đến “lệnh cấm xuất cảnh”, “lệnh cho phép xuất cảnh” và “ lệnh lập danh mục theo dõi”. Thông tư còn ghi rõ: “Chiếu theo thông tư của tòa án tối cao, lệnh cấm xuất cảnh chỉ có hiệu lực trong những trường hợp án hình sự thuộc quyền tài phán của tòa án khu vực (RTC) cũng như trong thời gian chờ quyết định của những cơ quan tố tụng của chính phủ”. Đương kim Bộ trưởng Bộ Tư pháp Leila De Lima đã vận dụng vế cuối cùng thông tư này để ngăn chặn bà Arroyo xuất cảnh hôm 15-11 với lý do bộ nhận được 5 đơn khiếu kiện bà Arroyo.

Theo tác giả Raissa Robles, không phải vô cớ mà bà Arroyo chỉ đạo Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 41. Nó giống như điều luật sửa đổi hiến pháp số 6 của tổng thống Ferdinand Marcos năm 1973 cho phép ông sở hữu những quyền lập pháp bí mật. Nhưng không ngờ giờ đây bà bị khốn đốn bởi chính thông tư đó.

Phó chánh án Lourdes Sereno (trái) và người phát ngôn SC Midas Marquez. Ảnh: GMA News

Cho nên ngày 8-11 vừa qua, luật sư Estelito Mendoza, đại diện cho bà Arroyo, đã khẩn cấp làm đơn thỉnh cầu Tòa án Tối cao (SC) tuyên bố Thông tư 41 nói trên là vi hiến, không có giá trị sau khi hay tin Bộ Tư pháp sẽ dùng “gậy bà đập lưng bà”.

Ông Mendoza là một luật sư lừng danh, từng làm bộ trưởngbộ tư pháp thời tổng thống Marcos. Khách hàng của ông đa số là chính khách cỡ bự như quý vị cựu tổng thống Ferdinand Marcos, Erap Estrada và Gloria Arroyo. Các vị này bị cáo buộc tham ô, nhũng lạm nhưng đều có số “tiền hung, hậu kiết”. Ngay như ông Estrada bị kết án chung thân nhưng sau đó cũng được ân xá, điều này cho thấy tài năng của ông Mendoza. Nhưng lần này, ông Mendoza, trưởng đoàn luật sư và cố vấn luật của bà Arroyo, đã mắc một số sai lầm mang tính định mệnh.

Việc thỉnh cầu SC tuyên bố Thông tư 41 vi hiến đã đẩy SC vào thế đối đầu với Bộ Tư pháp trong bối cảnh SC từng mang tiếng là “tòa án của bà Arroyo” vì Chánh án Renato Corona là người được bà Arroyo bổ nhiệm vài tháng trước khi mãn nhiệm kỳ tổng thống. Nếu SC tuyên bố Thông tư 41 vi hiến, lệnh cấm xuất cảnh của Bộ Tư pháp bị vô hiệu và bà Arroyo được xuất cảnh nhưng không trở lại thì SC sẽ lãnh đủ hậu quả. Đây là một viễn cảnh mà SC không bao giờ muốn xảy ra.

Hơn nữa, trong SC gồm có 13 vị thẩm phán không phải ai cũng bênh vực bà Arroyo. Việc biểu quyết lệnh cấm xuất cảnh của Bộ Tư pháp đối với bà Arroyo trong khi bà được SC cấp giấy phép xuất cảnh có điều kiện (TRO) có hợp pháp hay không là một ví dụ.

Tính già hóa non

Giấy phép TRO yêu cầu bà Arroyo đáp ứng 3 điều kiện: 1. Ông bà Arroyo mỗi người phải đóng tiền ký quỹ 2 triệu peso (971 triệu đồng); 2. Đến nước nào phải trình báo với Đại sứ quán Philippines ở nước đó; 3. Chỉ định một đại diện pháp luật để “nhận trát đòi hầu tòa, trát tòa và các văn bản pháp luật khác” trong khi ông bà Arroyo ở nước ngoài.

Theo nhật báo Philippines Cebu Daily News, văn phòng luật sư Mendoza đã phạm một sai lầm ngớ ngẩn. Hai điều kiện đầu thực hiện đầy đủ nhưng tại điều kiện thứ ba, luật sư Ferdinand Topacio được chỉ định làm đại diện pháp luật của ông bà Arroyo với nhiệm vụ “tống lệnh triệu tập hoặc nhận tài liệu chứng cứ” thay vì “nhận trát đòi hầu tòa, trát tòa”.

Phó chánh án SC, bà Lourdes Sereno, mô tả đó là điều không thể chấp nhận được cho dù là “lỗi của thư ký văn phòng” và bà đã quyết định bỏ phiếu công nhận lệnh cấm xuất cảnh của Bộ Tư pháp là hợp pháp vì ông bà Arroyo không thực hiện đầy đủ các điều kiện của TRO.

Nguồn tin của VERA Files, trang web của nhóm cựu nhà báo Philippines, cho biết cuộc bỏ phiếu nói trên diễn ra rất gay cấn. 7/13 thẩm phán SC tuyên bố TRO cấp cho ông bà Arroyo ngày 15-11 đã bị vô hiệu do lỗi của đương sự. Thế nhưng, người phát ngôn của SC là ông Midas Marquez lại tuyên bố 8/13 thẩm phán công nhận TRO vẫn có hiệu lực. Điều này khiến bà Phó chánh án Sereno bực mình quở trách ông Marquez tuyên bố lung tung làm SC mất uy tín.

Đó không chỉ là sai sót duy nhất của nhóm luật sư của bà Arroyo. SC cấp giấy phép TRO cho gia đình bà Arroyo lúc 18 giờ 30 phút ngày 15-11 nhưng trước đó một giờ, các luật sư của bà Arroyo đã có mặt tại văn phòng SC để đóng tiền ký quỹ. Trong khi Bộ Tư pháp chưa nhận được bản sao TRO thì họ đã mua vé máy bay đi Singapore. Mánh khóe lách luật này đã làm hỏng đại sự của bà Arroyo vì bộ tư pháp đã kịp thời ngăn chặn.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111122112720711p0c1006/nghiep-chuong.htm