Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

Hoàng thành Thăng Long – cái tên ấy gợi nhớ bao điều về những thăng trầm lịch sử của đất nước và những vương triều quân chủ, có nỗi buồn man mác và cũng rưng rưng tự hào khi những quá khứ vàng son bị chôn vùi hiện dần lên dưới tay nhà khảo cổ.

Hoàng Thành Thăng Long.

Hoàng Thành Thăng Long.

Thăng Long hay Hà Nội bây giờ trong dân gian truyền tụng là “đất thánh”. Bởi, đó là kinh đô lâu đời nhất (nếu kể cả thành Cổ Loa cũng nằm trong địa phận Hà Nội), của nhiều triều đại nhất và cho đến bây giờ vẫn là Thủ đô của chúng ta.

Về mặt tâm linh, đó là nơi hội tụ linh khí trời đất, long mạch non sông, về mặt xã hội, tất nhiên là nơi tập trung tinh hoa, trí tuệ, văn hóa, kiến trúc... của các thời đại kế tiếp nhau mà Hoàng thành Thăng Long chính là đỉnh cao của sự tinh hoa đó.

Cũng có câu về nơi “đất thánh này” được truyền tụng, nhiều người biết đến là “Thăng Long phi chiến địa”. Song, câu thành ngữ này dường như không đúng vì nơi đây đã xảy ra những cuộc chiến hào hùng và bi thương trong lịch sử lâu dài của dân tộc.

Hãy nhớ “Trận Bồ Đề sấm vang chớp giật” (cửa ngõ Thăng Long) trong cuộc chiến thần thánh chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lê Lợi nhưng trước đó tại cửa Hàm Tử (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) Trần Nhật Duật đánh tan quân Nguyên ở đây mở đường giải phóng thành Thăng Long.

Phố Hàm Tử Quan của Hà Nội bây giờ xưa là xóm thuyền chài bên sông Nhĩ Hà (sông Hồng) ghi nhớ chiến công oanh liệt đó. Rồi chiến thắng Đống Đa vang dội của Vua Quang Trung, rồi Pháp nã đại bác vào thành Cửa Bắc, mở đầu cho cuộc xâm lược và những cuộc chiến bi hùng của hai Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương kế tiếp nhau.

Không thể là nơi “phi chiến địa” được nhưng câu thành ngữ này có thể hiểu theo một nghĩa khác là sau từng cuộc chiến đó, Thăng Long thanh bình trở lại và mới đây nhất, như một sự kế tiếp lịch sử Hà Nội được quốc tế vinh danh là “Thành phố hòa bình”.

Tâm điểm của vùng “đất thánh” chính là khu vực trong thành, vì thế, cảm giác bàng hoàng vui mừng tột độ khi một sự run rủi tình cờ khiến chúng ta phát hiện ra tầng tầng, lớp lớp những nền móng kiến trúc vùi sâu trong lòng đất và cuộc khai quật lịch sử lớn nhất và kéo dài nhất đã diễn ra để làm lộ diện một di chỉ quý giá, mang nhiều ý nghĩa và làm “sống lại” không chỉ là những công trình kiến trúc mà cả cuộc sống của các vương triều đã chìm sâu vào quá khứ. Cái di chỉ thời đại đó có tên gọi Hoàng thành Thăng Long.

Nơi đây, khi xưa là “cấm địa” và “thánh địa” thì giờ đây trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn cho tất cả mọi người, đặc biệt tạo nên một nốt trầm sâu lắng giữa Thủ đô hiện đại và sôi động hôm nay. Tiếc thay, thực tế đã không như kỳ vọng khi chứng tích có thể trở thành phế tích bởi tình trạng khai quật lên rồi để đấy, không được bảo quản và giữ gìn nghiêm cẩn, một Hoàng thành có khi chỉ là một hố nước nếu tiêu thoát không kịp.

Đó không còn là nỗi buồn man mác nữa mà là nỗi đau có thật, không chỉ ở các nhà khảo cổ tâm huyết mà còn với cả những du khách vãng lai và đặc biệt, trong tâm khảm của mỗi người dân Việt.

Thời cận đại, cách chúng ta không lâu, khi Thăng Long chỉ là cố đô thì nỗi buồn về một quá khứ vàng son chưa bị vùi lấp, vẫn hiện diện đấy nhưng dường như đã chìm trong hoàng hôn quên lãng lâu rồi. Đó là tâm trạng được thể hiện trong bài thơ thất ngôn bát cú tuyệt tác của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

Vì thế, chúng ta sẽ không để một di chỉ quý giá đến vô giá là Hoàng thành Thăng Long chìm vào quá vãng mà phải tìm mọi cách để bảo tồn nơi đây như một địa chỉ chiêm bái những rỡ ràng lịch sử: “Nghìn năm gương cũ soi kim cổ”!

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/nghin-nam-guong-cu-soi-kim-co-510933.html