Nghìn người bốc thăm mua nhà ở xã hội, Hà Nội chưa thể tiêu 5.000 tỷ

Trong khi cả nghìn người chen chân bốc thăm mua nhà ở xã hội thì theo lãnh đạo TP Hà Nội, 5.000 tỷ đồng thu từ việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội vẫn chưa có hướng dẫn để chi.

Đây là thực tế được ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ ra tại Hội nghị triển khai đề án 1 triệu nhà ở xã hội (NƠXH) mới đây.

Theo quy định, nguồn tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 2ha, 10ha thực hiện nghĩa vụ NƠXH bằng hình thức nộp tiền, được sử dụng để đầu tư xây dựng NƠXH.

Ông Tuấn cho biết, đến nay, nhiều doanh nghiệp nộp tiền vào quỹ thành phố với số tiền gần 5.000 tỷ đồng nhưng lại chưa có hướng dẫn để chi khoản này.

Thực tế, tại nhiều dự án có quy mô dưới 10ha, chủ đầu tư đã lựa chọn hình thức nộp tiền.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tại Đà Nẵng, kết luận thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển NƠXH giai đoạn 2016 – 2021 của Thanh tra Bộ Xây dựng cho thấy, 9/10 dự án có quy mô dưới 10ha chủ đầu tư không dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng NƠXH. Các chủ đầu tư đều chọn hình thức nộp tiền sử dụng đất trên toàn bộ diện tích được giao.

1.300 người bốc thăm giành suất mua 149 căn hộ nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Hà Nội), ngày 20/5 , tỷ lệ chọi gần 1/9. (Ảnh: Hồng Khanh)

1.300 người bốc thăm giành suất mua 149 căn hộ nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Hà Nội), ngày 20/5 , tỷ lệ chọi gần 1/9. (Ảnh: Hồng Khanh)

Cụ thể gồm các dự án: Khu khách sạn và dân cư Saphia; Khu công viên, biệt thự sinh thái và văn phòng thấp tầng; Khu dân cư Bàu Mạc; Khu dân cư Nam Bàu Mạc; Khu nhà ở phía Đông đường Trần Đăng Ninh; Khu dân cư Phùng Hưng; Khu dân cư 223 Trường Chinh; Khu phức hợp dịch vụ cao tầng An Hòa và Khu dân cư lô 18, 19, 20 An Đồn Đà Nẵng.

Theo kết luận thanh tra, tính đến ngày 31/5/2022, dự án Khu phức hợp dịch vụ cao tầng An Hòa của Công ty CP An Hòa và dự án Khu dân cư lô 18, 19, 20 An Đồn Đà Nẵng của Công ty CP Lê Bảo Minh, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước do chưa có quyết định phê duyệt giá đất của cơ quan có thẩm quyền.

Dự án khu công viên, biệt thự sinh thái và văn phòng thấp tầng, Công ty CP Đầu tư Quốc Bảo chưa nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phần diện tích tăng thêm 205m2 do chưa có quyết định phê duyệt giá đất với phần diện tích đất tăng thêm của cơ quan có thẩm quyền.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục kiểm tra, rà soát để thực hiện đúng quy định về việc dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH. Tránh thất thoát tiền, tài sản của nhà nước.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng đánh giá, việc sử dụng nguồn tiền này để tái đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê trong giai đoạn vừa qua còn hạn chế.

Việc chưa có quy định, hướng dẫn sử dụng khoản tiền trên cũng là một trong những khó khăn vướng mắc trong phát triển NƠXH thời gian qua. Trong khi, nguồn lực tài chính tại không ít địa phương để đầu tư xây dựng NƠXH từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Vì vậy, lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20%, 25% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị, trường hợp chủ đầu tư nộp bằng tiền quỹ đất 20%, việc xác định giá đất do Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì xây dựng phương án giá đất trình Hội đồng Thẩm định giá đất TP.HCM thẩm định và UBND TP.HCM phê duyệt. Vấn đề này, cần thể hiện trong phương án giá đất tách bạch rõ giá trị quyền sử dụng đất được xác định trên toàn bộ dự án.

Trong đó, xác định giá trị quyền sử dụng đất tương ứng với phần diện tích đất nhà ở thương mại, giá trị quyền sử dụng đất tương ứng với phần diện tích đất NƠXH.

Trên cơ sở đó, Cục Thuế TP có trách nhiệm thu tiền và thông tin lại kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính theo từng nội dung đã được xác định giá, để Sở Tài nguyên - Môi trường có cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế TP thống kê, tổng hợp số liệu về nguồn tiền thu được từ việc chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ về NƠXH bằng hình thức nộp tiền mặt tương đương giá trị quỹ đất 20%. Báo cáo UBND TP hàng quý, hàng năm để nguồn tiền thu được này để bố trí nguồn vốn xây dựng NƠXH.

1 “chọi” 9 bốc thăm mua NƠXH

Năm 2010, người dân Hà Nội xếp hàng nộp hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội đầu tiên trên địa bàn - dự án nhà ở CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông). Sau khi xét điểm hồ sơ mua nhà, đơn vị bán đã phải bốc thăm để chọn vì số lượng người có nhu cầu quá nhiều mà căn hộ có hạn.

Hơn 10 năm sau, tình cảnh tương tự vẫn tái diễn, dự án NƠXH NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mở bán, người dân lại xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà từ 2h sáng.

Ngày 20/5, 1.300 người phải bốc thăm giành suất mua 149 căn hộ, tỷ lệ chọi gần 1/9. Như vậy, sẽ có 1.151 hồ sơ ”bị loại”.

Trong 3 năm qua, Hà Nội mới có một dự án NƠXH đủ điều kiện mở bán. Việc quá ít dự án NƠXH mở bán khiến nghìn người phải xếp hàng bốc thăm giành suất mua.

Trước đó, Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH kết nối trực tuyến với UBND nhiều tỉnh thành. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế tạo quỹ đất, thiếu vốn, vấn đề thủ tục hành chính cho dự án NƠXH quá rườm rà... tiếp được nêu ra. Đây vốn là những vấn đề không mới nhưng vẫn vướng trong suốt thời gian dài khiến giấc mơ an cư của nhiều người dân lao động, thu nhập thấp vẫn còn xa vời.

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghich-canh-nghin-nguoi-boc-tham-mua-nha-o-xa-hoi-ha-noi-chua-the-tieu-5-000-ty-2146206.html