Ngộ độc nấm độc - đến hẹn… lại lên

Với thời tiết của mùa Xuân (mưa nhiều, ẩm ướt), các loại nấm đua nhau mọc lên, trong đó có những loại nấm cực kỳ độc.

Ảnh minh họa.

Nấm phát triển đồng nghĩa với việc thói quen vào rừng hái nấm về ăn của bà con dân tộc, vùng núi cao lại trỗi dậy. Và đến hẹn lại lên, bệnh nhân bị ngộ độc nấm độc cũng bắt đầu xuất hiện.

Theo Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi năm Trung tâm tiếp nhận khoảng vài chục ca ngộ độc nấm. Đa số các trường hợp bị ngộ độc nặng từ tuyến dưới chuyển lên, trong đó 50% số ca tử vong do ngộ độc quá nặng và cấp cứu chậm.

Đau xót hơn khi Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, chi phí điều trị của một ca ngộ độc nấm rất cao (lên đến hàng trăm triệu), nhưng phần lớn các trường hợp mắc là người dân tộc ít người, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sinh sống ở những khu vực miền núi cao, vùng sâu xa của đất nước (Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng…).

Do nhận thức hạn chế về nấm độc, người dân thường vào rừng hái nấm ăn, ăn phải nấm độc dẫn đến tử vong. Bệnh nhân bị ngộ độc nấm thường là người trong cùng một gia đình.

Có nhiều trường hợp bị ngộ độc cả gia đình (trường hợp gia đình có tới 9 người mắc ở Quang Vinh, Trà Lĩnh, Cao Bằng, trong đó 8 người tử vong, chỉ có một người may mắn sống sót).

Trước sự gia tăng đột biến số ca mắc ở tỉnh Cao Bằng, Bác sỹ Dũng cho biết, Trung tâm chống độc đã tiến hành một cuộc khảo sát về nấm độc tại địa phương này.

Kết quả cho thấy: Giai đoạn 2003-2009, có tổng số 81 trường hợp bị ngộ độc nấm ở Cao Bằng, nhưng đến giai đoạn 2010-2014, cả tỉnh chỉ còn 12 người mắc (1 bệnh nhân tử vong).

Quá trình khảo sát, nghiên cứu nhóm nghiên cứu đã tìm ra tổng số 13 loại nâm độc, trong đó có những loại cực độc như nấm tán trắng chứa chất độc amatoxin. Khi bị nhiễm độc loại nấm này, tỷ lệ tử vong rất lớn. Còn một loại nấm độc khác độc tố nhẹ hơn, thường chỉ gây rối loạn tiêu hóa có tên nấm ô tán trắng tán xanh...

Thường thì, Bác sỹ Dũng cho hay, bệnh nhân bị ngộ độc nấm nặng sẽ bị tổn thương gan, thận, chảy máu gan, sau đó hôn mê gan, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong, nhẹ thì chỉ bị rối loạn tiêu hóa (đi ngoài, buồn nôn, mất nước...).

Tất cả các trường hợp đều có triệu chứng đầu tiên là rối loạn tiêu hóa. Vì thế, ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng này, bệnh nhân cần phải được xử trí tạm thời, tốt nhất gây nôn để bệnh nhân thải ra hết các chất độc trong nấm (gây nôn bằng cách cho uống thuốc gây nôn, hoặc bằng cách thủ công lùa bàn chải vào cuống họng gây nôn), trước khi chuyển lên tuyến trên cấp cứu và điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc cũng cho biết, nhiều người dân rất ấu trĩ khi cho rằng, những loài nấm mà sâu bọ, kiến bò lên ăn mà không sao thì là nấm không độc, nhưng đó là nhận thức hoàn toàn sai lầm.

Đáng lo ngại hơn khi Bác sỹ Nguyên cảnh báo, loại nấm độc nhất là loại nấm có hình thức đẹp, màu sắc cực kỳ bắt mắt (có màu trắng tinh, xanh, tím); ăn ngon (vị ngọt, ngậy).

Mặt khác, không thể phân biệt nấm độc với nấm không độc nếu nhìn bề ngoài, bằng mắt thường. Về mặt khoa học, nấm độc thường có đủ 3 bộ phận, gồm mũ, thân và gốc. Trên thân nấm có hình chiếc nhẫn.

Tuy nhiên, chỉ những nhà chuyên môn mới phân biệt được sự khác nhau này, còn đa phần người dân thường, không có kinh nghiệm không thể biết được điều đó.

Chính vì lẽ đó, người dân nên cảnh giác với những loại nấm có vẻ ngoài bắt mắt, hấp dẫn. Đặc biệt, không nên tự ý hái các loại nấm mọc trong rừng, nơi hoang dại về ăn sẽ rất nguy hiểm.

Đoan Trang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ngo-doc-nam-doc--den-hen-lai-len-d35696.html