Ngộ độc thuốc diệt cỏ

78 người dân ở bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu (Sơn La) vừa phải vào viện cấp cứu với những biểu hiện đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Kiểm tra khu vực quanh nơi bệnh nhân sinh sống, cho thấy những người này dùng chung nguồn nước mà gần đó vương vãi các vỏ chai lọ chứa thuốc diệt cỏ paraquat. Các sĩ cho biết, ngộ độc thuốc diệt cỏ đang ngày càng gia tăng.

Một bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Ngộ độc do thuốc diệt cỏ ngấm vào nguồn nước

Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân đã dần ổn định và được ra viện ngày 28/4. Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên, trước đó, cả 78 người bị ngộ độc là người Mông cùng sống tại bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, Mộc Châu, Sơn La vào viện cùng có các biểu hiện đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.

Các bác sĩ đã phải hội chẩn chuyên môn với Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế và Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông Đinh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp (huyện Mộc Châu) thì người dân bản Suối Khoang để mó nước (ống dẫn nước) lấy từ thung lũng cách bản Suối Khoang khoảng 3-4 km dẫn về một bể chứa ở bản. Hệ thống nước sạch này được đầu tư xây dựng cách đây 3-4 năm. Từ bể chứa nước của bản sẽ nước theo đường ống đến từng hộ gia đình. “Qua tìm hiểu xã đã đưa ra nhận định rằng, có một hộ gia đình phun thuốc diệt cỏ ở khu vườn mận, mơ. Thuốc chưa kịp ngấm vào cỏ, đất gặp trời mưa nên đã trôi xuống mó nước, rồi xuống bể chứa tại bản Suối Khoang, là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc trên” - ông Thuận nói.

Lãnh đạo xã Tân Hợp đã đi thăm hỏi những nạn nhân trong vụ ngộ độc, hỗ trợ mỗi người bị ngộ độc 400 nghìn đồng. Đồng thời, hỗ trợ bà con dọn dẹp xung quanh bản, làm mó nước mới, không sử dụng mó nước cũ. Cùng với khắc phục của UBND xã thì sở Y tế Sơn La cũng cử đoàn cán bộ công tác cùng đoàn của Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp điều tra, giám sát, lấy mẫu nước làm xét nghiệm và triển khai các biện pháp xử lý khắc phục hậu quả.

Báo động

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, năm 2016 trung tâm tiếp nhận trên 450 bệnh nhân ngộ độc Paraquat, khoảng 400 người trong đó đã tử vong. Số người ngộ độc Paraquat vào điều trị ngày càng tăng, năm 2015 có trên 300 ca vào viện, 2016 tăng lên trên 450 ca. Tính chung toàn quốc ước tính có tới 1.000 trường hợp tử vong do ngộ độc Paraquat.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, với ngộ độc Paraquat mặc dù các bác sĩ đã áp dụng nhiều biện pháp và thuốc nhưng tỉ lệ tử vong vẫn rất cao. Hoạt chất có trong thuốc diệt cỏ cực độc, dù trên động vật, nông nghiệp xét ở bậc 2 nhưng trên con người thì loại thuốc này được xét ở bậc 1. Thuốc này khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan, không thể hồi phục.

“Khi đã bị ngộ độc thuốc diệt cỏ thì bệnh nặng dần lên, tiến triển nhanh và không hồi phục. Đã bị ngộ độc rồi thì tỉ lệ tử vong rất cao” - BS Nguyên chia sẻ.

Hoạt chất Paraquat có trong các loại thuốc diệt cỏ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liệt vào danh sách cấm sử dụng. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất này vẫn được phép lưu hành đến hết năm 2018. Bác sĩ Nguyên cho rằng nên ngưng sử dụng sớm ngày nào hay ngày ấy, nếu ngưng sớm một ngày cứu được ít nhất 3 mạng người.

Về nguy cơ với người phun thuốc chứa chất này, bác sĩ Nguyên cho biết nếu không đủ đồ bảo hộ lao động thì các hạt thuốc bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng đường hô hấp trên, nếu bị dính vào da ở diện tích rộng cũng sẽ ảnh hưởng.

Hệ lụy của việc sử dụng thuốc diệt cỏ vô cùng nguy hiểm.

500 tấn thuốc diệt cỏ phun xuống mỗi năm

Về vụ 78 người dân ở bản Suối Khoang ngộ độc thuốc diệt cỏ, phòng NN&PTNT huyện Mộc Châu cũng hướng dẫn người dân sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp theo quy định.

Trong những năm gần đây, tại nhiều thôn, bản ở vùng cao, bà con nông dân khi bắt đầu một vụ mùa mới thay vì làm cỏ theo cách truyền thống lại phun hóa chất diệt cỏ để tiết kiệm thời gian, công sức. Theo thống kê, mỗi năm, các tỉnh Tây Bắc sử dụng đến 500 tấn thuốc diệt cỏ. Đa phần thuốc diệt cỏ mà bà con sử dụng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và không lường trước được tác hại của nó tới sức khỏe con người, động vật, và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước.

Hiện trên địa bàn 5 tỉnh Tây Bắc gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, hiện có trên 1.000 cửa hàng, đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật, đó là chưa kể các cửa hàng nhỏ lẻ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Người dân vô tư mua, bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà không lường hết được hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của việc làm này.

Việc sử dụng thuốc diệt cỏ ở nhiều địa phương đã trở thành phổ biến, cứ phát cỏ nương rẫy, bà con lại dùng. Nếu cứ tính theo diện tích mảnh nương trước đây phải mất hàng chục công để thuê phát cỏ, nhưng nay chỉ cần 2 người cùng một máy bơm thuốc trừ sâu thì việc làm sạch cỏ hoàn thành chỉ trong vòng một buổi sáng. Sau vài ngày phun thuốc cỏ sẽ bị cháy khô, có thể đốt và bắt tay vào trồng vụ mới được.

Điều đáng lo ngại hơn là thuốc diệt cỏ vừa phun xong được vài ngày người dân đã vào canh tác, rất nguy hiểm. Thêm vào đó là phía dưới những nương rẫy, ruộng lúa được phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu là nguồn nước, nơi người dân thường xuyên sử dụng nước để tắm giặt, sinh hoạt, thậm chí sử dụng để nấu ăn.

Các cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, hoạt chất trong thuốc trừ cỏ là loại cực độc song chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước gây ô nhiễm nguồn đất, nước và mất cân bằng hệ sinh thái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình sâu bệnh trên cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp.

Ngọc Hải

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/ngo-doc-thuoc-diet-co-tintuc403678