Ngộ ghê, vì sao lại thế?

Khi đuổi theo hay đang yêu say đắm, hầu như chẳng ai tỉnh táo nhìn thấy khiếm khuyết của người kia. Với họ, 'đối tượng' của mình bao giờ cũng 'trên cả tuyệt vời'. Những người đứng ngoài, do tỉnh táo hơn nên dù có buông lời nhận xét chính đáng nhưng người trong cuộc cũng dễ dãi: 'Ối dào, chuyện nhỏ'. Họ bỏ ngoài tai, bởi khi yêu thông thường người ta làm theo 'chỉ đạo' của cảm xúc hơn là sự tỉnh táo của lý trí.

Minh họa: MINH SƠN

Minh họa: MINH SƠN

Đến khi chung sống, có người thẫn thờ nhận ra sự trái khoáy từ tính cách, thói quen, sở thích… mà “kêu trời không thấu”. Ngược lại, nghe những lời than trách ấy, người kia vội vàng chống chế: “Ô hay, sao ngày mới yêu anh/em chẳng than phiền chuyện đó, còn khuyến khích nữa là khác, sao nay lại “trở chứng” thế?”.

Đúng thế. Ngày còn thẹn thùng tay nắm tay, mỗi lần môi chạm vào nhau là tràn trề sung sướng, hạnh phúc đến suýt ngất, nàng thường bảo: “Sau này, nhà mình dành một khoảng sân rộng, anh trồng hoa loa kèn, hoa hồng, hoa cúc cho em nghen. Em thích hoa lắm”. Chàng gật đầu cái rụp. Do đó, lúc dành dụm tiền bạc mua được căn nhà nho nhỏ, nhớ lời hứa, chàng không quên vai trò “người làm vườn” nhằm tạo ra một không gian thoáng mát cho vợ. Nàng ưng ý lắm, khen ngợi hết lời.

Lần nọ, nàng xem trên truyền hình thấy ngôi nhà có hàng rào là những giàn bông giấy đỏ thắm. Trời, lãng mạn làm sao. Khoái lắm. Nàng bèn mua cây, đem về nhà hì hục trồng theo sở thích. Trồng xong, ngắm nghía và hài lòng chụp luôn vài ảnh “tự sướng” khoe trên Facebook. Nào ngờ, chiều đi làm về, anh chồng nhìn thấy “công trình” của vợ, chẳng khen cho một câu, chỉ cười ruồi: “Trồng thế mà trồng! Em phá vỡ hết… nghệ thuật!”. Tiện tay, anh nhổ sạch ném luôn vào một xó rồi phán: “Khoảng vườn này là của em! Em đừng quên anh tốn biết bao thời gian, chọn lựa các giống cây rồi trồng hài hòa đúng bài bản cũng vì em”.

Có nhiều người bao giờ cũng đặt trên miệng câu “vì em”, “vì anh” như một cách tự bảo vệ việc làm của mình.

Sát vách nhà tôi, có đôi vợ chồng trẻ suốt ngày cãi nhau vì chuyện rất lãng xẹt. Ở chung cư, trong nhà lúc nào cũng máy lạnh điều hòa không khí, cửa kín mít nhưng cô vợ lại khoái nuôi chó cưng. Mà con chó to lực lưỡng, hễ ai đi ngang qua căn hộ là nó gầm gừ đến chết khiếp. Có khi đêm hôm nó cao hứng sủa ầm ĩ náo động cả không gian tĩnh mịch. Anh chồng cương quyết không chịu sở thích của vợ bởi hàng xóm xì xào nhỏ to đủ điều. Đã thế, lông của nó bám vào ghế nệm, giường ngủ đến phát gớm! Anh quyết tống cổ nó đi cho khuất mắt, cô vợ sụt sùi giọt lệ: “Lúc cả nhà mình đi vắng, tiền bạc, tài sản của anh không phải nó canh chừng kẻ trộm sao? Em nuôi nó cũng vì anh đó thôi”.

Có thể lý do đưa ra chính đáng, làm việc này việc nọ chẳng phải vì mình chút tẹo nào, mà vì vợ/chồng. Thế nhưng dù người này có thiện ý nhưng người kia không bằng lòng, không ưng ý thì cũng dễ xảy ra những cuộc đấu khẩu không kém phần oanh liệt.

Cô vợ là họa sĩ nổi tiếng vẽ nhiều tranh, mỗi lần vẽ xong, anh chồng luôn giành phần đóng đinh treo bức tranh lên tường. Ừ, cũng được. Thế nhưng nhiều lần vẽ được bức tranh ưng ý, cô tự ý treo lên thay cho bức tranh cũ, anh chồng cương quyết lắc đầu: “Treo tranh là cả một sự tính toán về mỹ thuật, bức mới này treo cạnh bức cũ là không hợp! Em làm rối cả mảng tường đang đẹp. Tháo xuống ngay thôi. Anh làm thế cũng vì uy tín nghề nghiệp của em đấy!”. Chà, nói dễ nghe thật, nhưng để có sự đồng cảm sao lại khó khăn quá. “Lòng tốt” của chồng là quý nhưng dần dà cô cảm thấy sở thích của mình tù túng, gò bó đến độ hết ham vẽ tranh nữa.

Đem chuyện của thiên hạ ra bàn luận, không khéo bị mắng “nhiều chuyện”, thôi thì xin kể thêm câu chuyện của “đương sự” vậy. Rằng, trong suốt cả tuần lễ qua, bao giờ “con mèo bé bỏng” cũng cho tôi ăn độc mỗi món gà tiềm hầm thuốc Bắc. Cô ấy dụ khị thật bùi tai: “Hôm nọ, vợ chồng mình đi khám sức khỏe tổng quát, anh nhớ chưa? Bác sĩ bảo anh phải bồi dưỡng nhiều hơn nữa. Em đọc sách thì biết món này còn hơn cả…”. Rồi cô thì thầm nói khẽ như sợ hàng xóm nghe lóm: “Hơn cả một tấn Viagra đó nghen!” Nghe lời yêu thương đằm thắm ấy, tôi cảm động đến suýt khóc. Cuối cùng, qua đến ngày thứ 5 chỉ thoáng ngửi mùi thuốc Bắc, tôi chịu hết xiết bèn đưa tay đầu hàng vô điều kiện. Lập tức nàng hờn giận, ngúng nguẩy, thở dài sườn sượt: “Em vì anh, vì sức khỏe của anh, vậy mà…”.

Vậy mà thế nào? Nhiều người đã lâm vào cảnh ngộ éo le này thì cũng chỉ biết vò tai bứt tóc.

Lại nhớ lần đầu chạm mặt ở quán cà phê, cả hai cùng là cổ động viên bóng đá, ngồi cạnh nhau nên họ tha hồ “bình loạn”. Những tưởng sau này, chung sống với nhau ắt tâm đầu ý hợp. Thế nhưng, đến mùa World Cup lại xảy ra “đấu khẩu”: “Ơ hay, đừng hỏi vì sao em cấm anh xem bóng đá trong đêm hôm khuya khoắt. Em lo lắng vì sức khỏe của ai?”.

Thật ra, khi nghe “đối phương” hỏi thế, nhiều người đã có câu trả lời. Nhưng dám nói ra hay không là chuyện khác. Thiện ý trong quan hệ vợ chồng bao giờ cũng cần thiết, nhưng trước khi làm một điều gì đó, có lẽ cách tốt nhất nên tự đặt câu hỏi: “Nếu là mình, mình sẽ hài lòng hay phản ứng?”. Nếu trả lời được câu hỏi đó, khi đó mục đích vấn đề “vì ai?” mới có ý nghĩa thiết thực.

LÊ MINH QUỐC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/201912/ngo-ghe-vi-sao-lai-the-885789/