Ngô Kim-Khôi và một vòng đời kỳ lạ

Nếu biết về thành công của Ngô Kim-Khôi trong ngành thiết kế thời trang Pháp, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy gần đây ông dành nhiều đam mê cho mỹ thuật Đông Dương. Qua câu chuyện dài của Ngô Kim-Khôi, dễ nhận thấy chuỗi những cơ duyên trong cuộc đời ông...

Ngô Kim-Khôi.

Được biết, ông tới Pháp định cư từ năm 1985 và đã thành công với vai trò là nhà dựng mẫu thời trang cho Hermès, Christian Dior, Givenchy, Scherrer hay Balenciaga... Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm khi chinh phục một trong những kinh đô thời trang của thế giới?

Thực sự là tôi rất ngại nói về mình. Cái duyên đã đưa đẩy tôi đến với nghiệp thời trang, đến nay đã hơn 25 năm. Về chuyên môn, tôi nghĩ mình chẳng hơn được ai, nhưng tôi biết hát, biết vẽ, biết gửi những tâm tình của mình vào tác phẩm... nên có lẽ đó là lý do tôi đạt được một chút thành công ở Paris. Ở Pháp, người ta không nặng nề chuyện bằng cấp mà họ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm do người đó tạo ra.

Được thiết kế cho nhiều ngôi sao thế giới như Catherine Deneuve, Charlotte Gainsbourg, Nicole Kidman, nữ hoàng nhạc pop Madonna hay Hoàng hậu Iran Soraya... là ước mơ của nhiều nhà thiết kế, nhưng dường như ông lại đang quan tâm nhiều hơn tới hội họa Đông Dương?

Đó là một câu chuyện dài. Tôi sinh ra ở Bình Dương và đến năm 13 tuổi thì gia đình tôi chuyển về Sài Gòn. Hồi đó, tôi rất ham đọc sách báo. Một lần, tôi nhìn thấy ở thư viện có bức tranh tên là “Cây Việt Nam năm ngàn năm văn hiến”. Tranh vẽ một cây cổ thụ, bắt đầu từ gốc Hùng Vương, rồi đến các nhánh chia ra nhiều lĩnh vực văn hóa khác nhau. Trong nhánh Nghệ thuật đâm ra một cành Hội họa. Ở đầu cành đó có hai cái tên được vinh danh, đó là Victor Tardieu và Nam Sơn - ông ngoại tôi. Qua lời kể của mẹ, tôi được biết ông bà ngoại và gia đình sống ở Hà Nội.

Sau này, khi đất nước thống nhất, tôi viết một lá thư gửi ra Hà Nội, nhưng thư hồi âm của bác tôi, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, trưởng nữ của ông ngoại Nam Sơn lại mang tin buồn. Ông bà ngoại tôi đã qua đời. Mẹ tôi đã rất đau đớn, còn ước mơ một ngày nào đó được gặp ông của tôi đóng lại.

Năm 1995, hơn 10 năm sau khi đến Pháp định cư, tôi đến một quán sách ở quận 3, Paris để tìm sách nghệ thuật liên quan đến Đông Dương. Tôi vô tình chạm vào một quyển sách nói về Nam Sơn. Cuốn sách rất cũ, xuất bản tháng 11/1952. Tôi suy nghĩ nhiều từ cơ duyên tình cờ hay hữu ý này và bắt đầu dành trọn đam mê để khám phá nhiều điều thú vị về mỹ thuật Việt Nam. Đó là lý do tôi quyết định ngừng việc “kiếm cơm” trong thế giới thời trang để làm điều mình yêu thích.

Được biết ông về Việt Nam lần này nhằm triển khai dự án sách về Thang Trần Phềnh – lứa họa sĩ đầu tiên từ buổi bình minh nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Điều gì đã khiến ông quyết định viết cuốn sách này?

Tôi nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam cách nay gần 30 năm, đặc biệt là về trường Mỹ thuật Đông Dương. Trong buổi bình minh của nền hội họa Việt Nam, có ba cái tên thường xuyên được nhắc đến, đó là Lê Văn Miến, Thang Trần Phềnh và Nam Sơn. Tôi đã viết một chuyên khảo về Lê Văn Miến và trong bài viết về trường Mỹ thuật Đông Dương, tôi đã nhắc đến Nam Sơn và nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ông trong việc thành lập trường Mỹ thuật, cái nôi của nền mỹ thuật nước nhà.

Bìa cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895-1973).

Trong quá trình tìm kiếm và nghiên cứu, cơ duyên đưa đẩy tôi đặt tay lên một số tài liệu liên quan đến Thang Trần Phềnh. Tôi quyết định dành riêng cho ông một bài nghiên cứu và niềm đam mê đã đưa đẩy tôi từ một bài viết ngắn đến một cuốn sách dày…

Để sưu tầm những thông tin về một họa sĩ “có thông tin ít ỏi nhất của Việt Nam” như vậy cho việc hoàn thành cuốn sách dày 190 trang với khổ lớn như thế, hẳn ông phải bỏ ra rất nhiều công sức?

Tôi bắt đầu viết về Thang Trần Phềnh cách đây hơn 10 năm, mỗi khi có tài liệu nào liên quan đến ông, tôi đều để riêng qua một bên. Trong nghiên cứu, thông thường điều này sẽ liên quan đến điều kia khi nó nằm cùng một giai đoạn lịch sử, do đó người nghiên cứu phải có con mắt và nhận định rất tỉ mỉ, phải nói đó là vai trò của người khai quật quá khứ, mỗi điểm dù là rất nhỏ đều có tầm quan trọng.

Từ những thông tin nhỏ nhất, tôi đã tỉ mỉ xây dựng nên một bài nghiên cứu, rồi hình thành một quyển sách. Tôi rất hạnh phúc khi đón ấn bản đầu tiên của cuốn sách về Thang Trần Phềnh còn đẫm màu mực mới tinh khôi từ xưởng in. Đó là niềm cảm xúc khó diễn tả. Tôi cũng không quên nhắc tới sự giúp đỡ của nhiều bạn hữu đã tận tình động viên, giúp đỡ để tôi hoàn thành cuốn sách này…

Được biết có thời, những sáng tác của Thang Trần Phềnh đã viễn du xứ người và làm rạng danh văn hóa nước nhà. Vậy, ông có nghĩ đến việc xuất bản cuốn sách này tại những nền mỹ thuật có sự quan tâm nhất định đến văn hóa Việt Nam?

Càng tìm hiểu, càng đọc tài liệu, tôi kinh ngạc nhận ra rằng trước khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, tên tuổi Thang Trần Phềnh đã là một vì sao rực rỡ trên bầu trời mỹ thuật, đã là ánh ban mai sáng chói trong buổi bình minh hội họa Việt Nam. Tiếp theo đó, đồng hành cùng trường Mỹ thuật, các tác phẩm của ông đã tham gia những cuộc triển lãm vĩ đại tại Paris cũng như tại Rome 1931 và nhiều năm liên tiếp sau đó…

Cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895-1973) đã được tác giả Việt kiều Ngô Kim-Khôi viết bằng thứ tiếng Việt chuẩn xác, phong phú và tinh tế.

Nhưng, vì sao ấy chợt bừng lên rồi chìm khuất vào lãng quên, người ta vẫn biết đến sự hiện diện của ông, nhưng vị trí của ông không rõ ràng, vai trò của ông mờ mịt… Tôi hy vọng quyển sách này sẽ đưa ông vào vị trí sáng tỏ, tên tuổi của ông được các giới trẻ nhận định và đánh giá một cách đúng đắn hơn.

Theo ông, việc những người chơi tranh đương thời đang có xu hướng sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật ra đời từ thời kỳ đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam sẽ có tác động như thế nào đến phác thảo về nền hội họa của chúng ta qua thời kỳ này?

Hiện nay, trên thị trường tranh Việt, tranh thời Đông Dương vẫn là điểm mốc quan trọng và giá trị nghệ thuật không thể phủ nhận. Tôi mong rằng, qua quyển sách này, người sưu tập có điều kiện tìm hiểu về một người họa sĩ ít người biết đến, đánh giá đúng đắn hơn tranh của ông.

Và biết đâu, qua quyển sách này, một số nhà sưu tập bàng hoàng khám phá rằng trong bộ sưu tập của mình từ lâu đã ẩn chứa viên ngọc quý mang tên “Thang Trần Phềnh”…

Xin cảm ơn ông!

Khánh Nguyễn (thực hiện)

Khánh Nguyễn

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ngo-kim-khoi-va-mot-vong-doi-ky-la-76205.html