Ngỡ ngàng 'Bút Lực'

Chọn 60 trong tổng số 700 bức tranh của họa sĩ Phạm Lực mà nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng đang sở hữu để trưng bày trọn một tháng trong triển lãm mang tên 'Bút Lực', khai mạc ngày 20-4 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), giám tuyển - họa sĩ Lê Thiết Cương hẳn có dụng ý của riêng mình. 60 bức tranh chỉ là một phần nhỏ nhoi so với hàng nghìn bức tranh Phạm Lực vẽ trong 70 năm qua, từ khi mới là cậu bé con năm tuổi, nhưng gần như là những tác phẩm đẹp hoặc tuyệt đẹp, chưa từng hoặc ít được công bố, khái quát đủ một Phạm Lực vạm vỡ cả sức vóc thể chất lẫn tinh thần, một tâm hồn trong trẻo khoáng đạt, một tài hoa, hứa hẹn đem lại ngỡ ngàng cho những ai tham dự triển lãm...

Bức tranh Gánh gạo theo chồng của họa sĩ Phạm Lực.

Phạm Lực vẽ nhiều, quá nhiều. Ông lao động cuồng nhiệt, nhanh và cuồn cuộn như người dư thừa năng lượng, không xả van bớt thì sẽ quá ngưỡng, tràn bờ. Vẽ nhanh nhưng không ẩu bởi ông có tạo hình vững và tư duy bố cục mạch lạc, hiện đại. Cũng khó để định lượng phong cách của ông bởi bút pháp Phạm Lực khá đa dạng, nhìn ở loạt này có thể thấy chút gì đó ảnh hưởng từ Van Gốc, loạt kia mang âm hưởng lập thể kiểu Pi-cát-xô, tuy nhiên tựu trung vẫn chính là con người của ông, vâm váp mà bạo dạn, đầy chuyển động linh hoạt trong mỗi đường nét. Phạm Lực vẽ phố cũng nhiều, nhưng dứt khoát không phải Phố Phái, không bị ảnh hưởng bởi bậc thầy đi trước. Phố của Phạm Lực không nâu trầm cố hữu, mà căng cứng chật chội, như thiếu nữ xuân thì…

Phạm Lực cũng tương tự nhiều họa sĩ thế hệ ông, vì những khó khăn, thiếu thốn trong thời bao cấp, đã phải vẽ bằng và vẽ trên bất cứ chất liệu nào. Ông vẽ sơn dầu, bột mầu, mầu nước, chì, sơn mài… trên giấy báo, giấy xi-măng, giấy dó, toan vải và cả bao tải… Thoạt đầu chỉ là tiện có gì vẽ nấy, dần dà Phạm Lực tận dụng được những thế mạnh của chất liệu đem lại hiệu quả thị giác cho tác phẩm của mình, và tranh đương nhiên vẫn đẹp, bao tải hay giấy xi-măng vẫn gói trọn một tác phẩm để đời, vẫn thẩm mỹ và ám ảnh. Lao động như lực điền, vẽ rồi bán, rồi cho, tặng, rồi có thể quên đi, ông là một trong những họa sĩ hiếm hoi cho đến nay có một fan club những nhà sưu tầm hâm mộ, và thường chính họ đứng ra tổ chức các triển lãm cho ông. Ít nhớ được tranh mình, nên có thể thế, trong các triển lãm của chính mình, Phạm Lực cũng không thể chủ động trưng bày bức này hay bức kia, mà phần nhiều phụ thuộc vào các nhà sưu tầm nghệ thuật. Đấy cũng là nguyên do, nhiều tranh đẹp của ông đang được giới sưu tầm cất kín, hiếm có cơ hội xuất hiện trước ngay cả đồng nghiệp lẫn công chúng ái mộ. Bởi thế, kho tàng Phạm Lực mà nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng nắm giữ, được trình làng, là dịp may để những người yêu hội họa được biết thêm những bức tranh đẹp của ông.

Là họa sĩ quân đội, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, ký ức chiến tranh luôn là một quầng sáng trong ông, và quầng sáng ấy an lành, dẫu có những đớn đau, day dứt, mất mát theo suốt cuộc đời. Phải là người đủ khỏe khoắn cả sức lực bên ngoài lẫn kiêu hãnh nội tâm, thì mới đối diện với những thăng trầm của cuộc sống, với thời cuộc bằng sự trong veo tươi sáng như thế.

KHÁNH LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/36143502-ngo-ngang-but-luc.html