Ngỡ ngàng trước nạn gian lận trong giới học giả

Có được một bài báo đăng trên tạp chí khoa học uy tín có thể giúp các nhà khoa học Trung Quốc có được tiền thưởng và sự thăng tiến trong sự nghiệp.

Đơn cử, hồi tháng 6, trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên ở Ya'an trao tặng một nhóm các nhà nghiên cứu 2 triệu USD sau khi nhóm này có một bài báo đăng trên Tạp chí nghiên cứu quốc tế Cell. Thế nhưng, áp lực để có những công trình nghiên cứu mang tính đột phá luôn là gánh nặng với giới học giả Trung Quốc. Vì vậy, trong xu thế cạnh tranh để có thể ghi tên trên những tạp chí khoa học hàng đầu, nạn gian lận là khó tránh khỏi.

Nhiều trường đại học ở Trung Quốc trao thưởng lớn cho những người có bài đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng

Nhiều trường đại học ở Trung Quốc trao thưởng lớn cho những người có bài đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng

Rút lại hàng loạt bài nghiên cứu

Bê bối nổi lên gần đây nhất là trường hợp của Han Chunyu - một nhà khoa học tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Bắc. Người này tuyên bố rằng ông đã tìm ra một cách mới để chỉnh sửa gene người, một kỹ thuật mà một ngày nào đó có thể giúp con người loại bỏ bệnh di truyền hoặc cho phép cha mẹ điều chỉnh chiều cao hoặc chỉ số IQ của trẻ chưa sinh.

Phát hiện này của ông Han Chunyu đăng trên Tạp chí Nature Biotechnology đã có người ví như một phát minh cỡ Giải Nobel. Chính quyền địa phương thậm chí đã đề nghị xây dựng một trung tâm nghiên cứu chỉnh sửa gene trị giá 32 triệu USD tại trường đại học mà ông sẽ điều hành. Sau đó vào cuối năm ngoái, các nhà khoa học đồng loạt cho biết, kết quả thử nghiệm của ông Han không thể nào đạt được trên thực tế. Đối mặt với áp lực tăng, ông và các đồng tác giả cuối cùng đã phải rút lại bài báo.

Chưa hết, hồi tháng 4-2017, Tumor Biology - Tạp chí khoa học hàng đầu về ung thư đã thu hồi 107 bài nghiên cứu về sinh học, một kỷ lục lịch sử về số lượng bài báo bị thu hồi của một tạp chí. Trong số này, nhiều tác giả là bác sĩ lâm sàng ở Trung Quốc, những người phải chịu áp lực lớn về chỉ tiêu phải có bài nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học. Theo điều tra của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, có đến 101 trong 107 bài nghiên cứu bị thu hồi là do tác giả mạo danh các nhà nghiên cứu tên tuổi gửi đánh giá đến, thực chất là họ tự “chế” hoặc thuê người viết ra những đánh giá tích cực để bài viết của mình được đăng.

Giấc mơ siêu cường về học thuật

Đồng thời, cuộc điều tra nói trên cũng chỉ ra rằng có một “chợ đen trực tuyến”, bán tất tật mọi thứ, từ các đánh giá đồng đẳng cho đến các bài nghiên cứu. Chỉ cần gõ cụm từ “giúp xuất bản bài nghiên cứu” trên Taobao - một trang thương mại điện tử phổ biến của Trung Quốc, kết quả tìm kiếm là một danh sách dài những người bán hàng cung cấp đủ loại dịch vụ, giá cả từ vài trăm lên đến 10.000 USD. “Đừng lo, chúng tôi sẽ giữ bí mật. Chúng tôi có chuyên gia ở mọi lĩnh vực”, một người bán hàng chat qua trang Taobao.

Cùng với công cuộc chinh phục ngôi vị số 1 thế giới về kinh tế, chính trị và quân sự, Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu trở thành một cường quốc về khoa học và công nghệ toàn cầu vào năm 2049. Hiện nay, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với Liên minh châu Âu và Mỹ về cả số lượng nhà nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cũng như số lượng bài báo đăng trên các tạp chí khoa học lớn. Nhưng theo trang Retraction Watch, từ năm 2012, Trung Quốc cũng là nơi có nhiều bài báo khoa học phải rút lại nhất. Bởi thế, Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường về học thuật thì trước hết họ phải vượt qua được nạn gian lận trong giới học giả.

“Tại Mỹ, nếu cố tình giả mạo dữ liệu thì sự nghiệp học thuật sẽ chấm dứt. Nhưng ở Trung Quốc, cái giá phải trả cho sự gian lận không đáng kể. Không bị sa thải, có thể không được thăng cấp ngay lập tức, nhưng một khi mọi người đã quên thì lại có cơ hội được đề bạt”.

Giáo sư Trương Lôi (Khoa Vật lý học ứng dụng, trường Đại học Giao thông Tây An, Trung Quốc)

Yên Vũ (Theo New York Times)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/ngo-ngang-truoc-nan-gian-lan-trong-gioi-hoc-gia/745486.antd