Ngô sinh khối: Thức ăn thô xanh chiến lược phát triển gia súc ăn cỏ

Phát triển ngô sinh khối, tăng cường đàn gia súc ăn cỏ sẽ giải quyết vấn đề mất cân đối trong ngành chăn nuôi khi con lợn đang chiếm 70% giá trị ngành hàng này.

 Ông Tống Xuân Chinh - Cục phó Cục Chăn nuôi. Ảnh: TL.

Ông Tống Xuân Chinh - Cục phó Cục Chăn nuôi. Ảnh: TL.

Trong lúc dịch tả lợn Châu Phi chưa được khống chế, việc thiếu thịt lợn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung ứng thực phẩm cho xã hội thì việc chuyển đổi một phần chăn nuôi lợn ở khu vực nông hộ không đủ điều kiện tái đàn sang chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn liền với việc trồng, chế biến thức ăn thô xanh, trong đó có trồng, chế biến ngô sinh khối là một định hướng chiến lược của Bộ NN- PTNT trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn của ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi về vấn đề này.

Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, xin ông cho biết mục tiêu cụ thể đến năm 2025 về đầu con, sản phẩm đối gia súc ăn cỏ?

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN- PTNT, Cục Chăn nuôi được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong, ngoài Bộ đã xây dựng, xin ý kiến, hoàn thiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu đến năm 2025, nước ta dự kiến nuôi khoảng 2.445 ngàn con trâu, 6.254 ngàn con bò thịt, 514 ngàn con bò sữa và 3.400 ngàn con dê để tạo ra tương ứng lượng thịt hơi gồm 166 ngàn tấn thịt trâu, 610 ngàn tấn thịt bò, 1.711 ngàn tấn sữa tươi nguyên liệu và 51 ngàn tấn thịt dê, cừu.

Trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ thì thức ăn thô xanh giữ vai trò quan trọng, vậy tiềm năng của nguồn thức ăn thô xanh ở nước ta như thế nào?

Không giống như một số nước có diện tích đồng cỏ tự nhiên lớn như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand…, nước ta về cơ bản không có đồng cỏ tự nhiên nên chăn nuôi gia súc ăn cỏ phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng, chế biến thức ăn thô xanh.

Cả nước có trên 172 ngàn ha trồng cỏ voi (số liệu năm 2019 của Tổng cục Thống kê), đạt năng suất trung bình trên 55,4 tấn/ha/năm và có trên 50 ngàn ha trồng ngô sinh khối, cây thức ăn thô xanh khác cho gia súc nhai lại, năng suất từ 120-150 tấn/ha/năm.

Như vậy, tổng diện tích đất giành cho trồng thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại chỉ chiếm khoảng 2,0% diện tích đất gieo trồng của cả nước.

Dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ, các chuyên gia cho rằng cần phải có tổng diện tích trồng cây thức ăn thô xanh vào năm 2025 lên gần 500 ngàn ha thì mới đủ tổng lượng thức ăn thô xanh (khoảng 43 triệu tấn) cho đàn gia súc ăn cỏ và sản phẩm thịt, sữa của chúng như mục tiêu đã nêu ở trên.

Nếu diện tích trồng thức ăn thô xanh được chuyển đổi cho gia súc nhai lại đến năm 2025 không đạt được 500 ngàn ha, nước ta còn một tiềm năng rất lớn về phụ phẩm công-nông nghiệp có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc nhai lại.

Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2019 nước ta có trên 55 triệu tấn phụ phẩm công-nông nghiệp có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, trong đó có gần 40 triệu tấn rơm, nguyên liệu quan trọng làm thức ăn thô xanh cho trâu bò.

Nếu khối lượng rơm này được thu gom, bảo quản và chế biến 100% thì có khả năng đáp ứng cơ bản thức ăn thô xanh cho đàn gia súc ăn cỏ ở Việt Nam theo như mục tiêu đề ra trong Chiến lược.

Nước ta có tiềm năng rất lớn về phụ phẩm công-nông nghiệp để chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò thịt, bò sữa. Vậy nguyên nhân nào là yếu tố hạn chế đối với việc chế biến các phụ phẩm nêu trên?

Mặc dù nước ta có tiềm năng lớn như vậy về phụ phẩm công-nông nghiệp để chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ nhưng tỷ lệ chỉ khoảng 20% được xử lý làm thức ăn thô xanh, chủ yếu là rơm lúa. Có mấy nguyên nhân chính sau đây:

(i) Rơm lúa thu theo mùa, được thu hoạch cơ bản bằng máy gặt đập liên hợp nên tạo ra một lượng rơm lớn trong một thời gian ngắn nên khó khăn cho việc thu gom, bảo quản trong môi trường nhiệt đới nắng mưa thất thường;

(ii) Rơm khô có thể tích lớn nên nếu không có máy đóng, ép, bao góp công nghiệp thì rất khó vận chuyển, bảo quản;

(iii) Việc áp dụng máy công nghiệp và chế phẩm vi sinh vào thu gom, ép, đóng góp rơm bao kín bằng bạt công nghiệp HDPE để ủ chua rơm tươi phơi héo còn rất hạn chế, chỉ có một số doanh nghiệp lớn, xuất khẩu mới có máy móc, công nghệ này;

(iv) Chỉ có một vài doanh nghiệp lớn đang chuẩn bị đầu tư vào sản xuất thức ăn công nghiệp hoàn chỉnh cho gia súc nhai lại (Total Mix Fermented- TMF) ở Việt Nam. Trong khi đó việc chế biến các phế phụ phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để sản xuất năng lượng sinh khối còn rất thấp.

Hiện cũng chưa có doanh nghiệp nào chuyên sản xuất các viên nén sinh khối hữu cơ để làm đệm lót sinh học cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn an toàn sinh học có sử dụng chế phẩm quần thể vi sinh vật hữu ích đưa vào thức ăn, nước uống, phun phòng bệnh, đệm lót sinh học như mô hình của Tập đoàn Quế Lâm.

Trồng ngô sinh khối hiệu quả gấp 2,5-3 lần so với trồng lúa

Vậy các giải pháp chính để khuyến khích người nông dân trồng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ là gì, thưa ông?

Về mặt hiệu quả kinh tế cho thấy việc trồng ngô sinh khối có hiệu quả gấp 2,5-3 lần so với trồng lúa. Ngô lấy hạt trồng ở nước ta khó cạnh tranh về giá, chất lượng so với ngô hạt nhập khẩu. Trong khi tổng diện tích ngô sinh khối của cả nước còn rất thấp so với nhu cầu của ngành chăn nuôi.

Nhằm đạt mục tiêu cho 500 ngàn ha trồng cây thức ăn thô xanh vào năm 2025, trong đó có khô sinh khối cho gia súc ăn cỏ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sau:

(i) Xây dựng, ban hành thể chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước tích tụ đủ lớn diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, ngô sinh khối áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào trồng, chăm sóc, thu gom, bảo quản và chế biến thức ăn cho gia súc ăn cỏ;

(ii) Hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ chức sản xuất của người nông dân để cung cấp nguyên liệu đầu vào, quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm và chủ động thu gom bằng cơ giới hóa, thu mua cho nông dân. Hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến sữa đang thu mua từ 600 đến 650 đồng/kg thân ngô còn xanh, 900 đồng đến 1.000 đồng/kg ngô sinh khối toàn thân cộng bắp chín sáp;

(iii) Hỗ trợ người nông dân trồng ngô sinh khối vụ đông ở miền Bắc, miền Trung;

(iv) Hình thành các chợ buôn bán thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại ở một số vùng chăn nuôi phát triển như Bình Định, Bến Tre, An Giang, Thanh Hóa, Nghệ An…

(v) Tập trung nghiên cứu phát triển hoặc nhập khẩu các giống ngô chuyên sinh khối năng suất cao và các chủng giống gốc vi sinh thuộc nhóm Bacillus để sản xuất chế phẩm vi sinh có quần thể sinh khối trên 1 tỷ CFU/g phục vụ chăn nuôi, chế biến thức ăn thô xanh.

Thức ăn thô xanh sản xuất trong nước, ngoài phục vụ cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ còn được xuất khẩu đi một số nước. Xin ông cho biết thông tin về vấn đề này?

Nhu cầu thức ăn thô xanh cho đàn gia súc ăn cỏ ở nước ta rất lớn nhưng hiện tại một số doanh nghiệp vẫn xuất khẩu các mặt hàng này.

Theo số liệu của Tổng cục Thông kê năm 2019, cả nước xuất khẩu trên 291 ngàn tấn thức ăn thô xanh ủ chua, đạt doanh thu trên 29 triệu USD, tới 22 nước trong đó chủ yếu tới Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản…

Tham gia xuất khẩu nhóm mặt hàng này có tới 40 doanh nghiệp, xuất khẩu 13 chủng loại hàng hóa như thân ngô ủ chưa, bã mía ủ chua, ngô và đậu nành ủ chưa, vỏ dứa, bã mía ủ chua…

Tính đến hết tháng 6/2020, 31 doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 74 ngàn tấn thức ăn ủ chua, đạt 8,1 triệu USD, tới 12 nước, trong đó ngô thân ngô ủ chua đạt tỷ trọng xuất khẩu cao nhất, chiếm trên 35% so với 12 với chủng loại hàng hóa được xuất khẩu thuộc nhóm này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Bền

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ngo-sinh-khoi-thuc-an-tho-xanh-chien-luoc-phat-trien-gia-suc-an-co-d269015.html