Ngoại giao 'chắp cánh' sức mạnh mềm văn hóa

Từ cuối thế kỷ XX, thuật ngữ sức mạnh mềm văn hóa xuất hiện với hàm nghĩa là sự gia tăng ảnh hưởng, vị thế của quốc gia này với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế thông qua sự hấp dẫn của các giá trị văn hóa.

UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Tuấn Huy)

Trong thời buổi hội nhập toàn cầu, văn hóa trở thành một ngành công nghiệp để khai thác và phát huy sức mạnh nội sinh. Đơn cử như làn sóng Hallyu quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới, hay Ngày quốc tế yoga truyền bá “đặc sản” của Ấn Độ đến mọi ngõ ngách của đời sống...

Tại Đại hội XIII của Đảng, thuật ngữ “sức mạnh mềm văn hóa” lần đầu tiên được đưa vào trong văn kiện chính thức của Đảng. Điều này thể hiện bước đột phá trong tư duy nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập, phát triển đất nước ở mọi lĩnh vực.

Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam được coi là sức mạnh nội sinh, góp phần tăng cường tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Năm 2007, Giáo sư Joseph Nye, tác giả của học thuyết “Sức mạnh mềm” khi đến Việt Nam nhận định rằng, sức hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam chính là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa.

Nếu như văn hóa là sức mạnh mềm của quốc gia thì ngoại giao văn hóa chính là lực lượng xung kích để hiện thực hóa sức mạnh ấy trên phạm vi thế giới.

Thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm và yêu mến Việt Nam.

Từ đó, dẫn tới quyết định lựa chọn đất nước hình chữ S là điểm đến để hợp tác, đầu tư, du lịch, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam... hay cao hơn là ủng hộ các quan điểm, đường lối, chính sách của Việt Nam.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa trong bối cảnh mới, ngày 30/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030, trong đó có ba điểm mới nổi bật, đó là: làm rõ nội hàm của ngoại giao văn hóa, xác định nhiệm vụ phục vụ hai mục tiêu là đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa; xác định chủ thể hướng tới và đối tác triển khai là các địa phương, người dân, doanh nghiệp; cập nhật và cụ thể năm nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quan hệ, hội nhập văn hóa, quảng bá đất nước, vận động danh hiệu và tiếp thu tinh hoa nhân loại.

Có thể nói, sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam là khả năng huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Và, sứ mệnh góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới, đồng thời tăng cường uy tín, vị thế của dân tộc Việt Nam trong các quan hệ quốc tế chính là ngoại giao văn hóa.

Khánh Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-chap-canh-suc-manh-mem-van-hoa-180979.html