Ngoại giao học giả góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác Việt - Ấn

'Cam kết thúc đẩy hợp tác song phương và hợp tác khu vực của chính phủ hai nước hiện nay đòi hỏi phải có sự tham gia của giới học giả.'

Đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ N.K. Kumaresan Raja, Khoa Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Pondicherry (Ấn Độ) trong bài phỏng vấn với Thế giới và Việt Nam.

Theo ông, đâu là những thành tựu quan trọng nhất của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn 2015 - 2018 khi Việt Nam đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ?

Hà Nội hiện là nhân tố quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. Việt Nam cũng là quốc gia mà Ấn Độ “ưu tiên nhất” trong suốt hơn 5 thập kỉ vừa qua. Việt Nam còn có hơn 200 ngôi đền cổ Hindu. Vì vậy, có thể nói, Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ từ lâu đời.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ N.K. Kumaresan Raja.

Việt Nam và Ấn Độ cùng đặt trọng tâm vào các vấn đề an ninh khu vực và thương mại. Sự tin cậy, mối quan ngại đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự quy tụ các lợi ích chiến lược đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Ấn Độ hiện đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Năm 2015, hai bên đã kí kết Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng giai đoạn 2015 – 2020, theo đó cam kết thường xuyên trao đổi và tương tác trong lĩnh vực quốc phòng, giao dịch, đào tạo quốc phòng và hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghệ mới trong tương lai. Đầu tháng 10 năm nay, một đoàn tàu tuần tra trên biển của Việt Nam lần đầu tiên đến thăm Ấn Độ.

Ngoài những kết quả tích cực mà hai nước đã đạt được, xin ông cho biết đâu là những thách thức chính trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ở thời điểm hiện nay và trong tương lai?

Tính kết nối và ngôn ngữ là hai rào cản chính trong quan hệ hai nước, nhưng tôi cho rằng những rào cản này có thể bị xóa bỏ nếu hai nước bắt đầu khởi động các cơ chế hợp tác. Đường cao tốc kết nối Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan sẽ cải thiện vấn đề này khi dự án hoàn thành. Trong khi đó, Ấn Độ đã từng là thuộc địa của Anh trong quá khứ, nên Ấn Độ nổi danh là một quốc gia có tiềm năng về đào tạo tiếng Anh, cũng như hỗ trợ việc xây dựng năng lực.

Những lĩnh vực hợp tác Việt Nam và Ấn Độ cần thúc đẩy trong tương lai là gì?

Hợp tác Mekong- Ganga kí kết vào năm 2000 đã được hai bên liên tục cập nhật (cuộc họp lần thứ 9 đã được tổ chức vào tháng 8/2018), qua đó cho thấy nỗ lực thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa hai nước.

Trao đổi học thuật giữa hai quốc gia cũng cần được tăng cường, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đại học. Thế hệ trẻ của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ hệ thống cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng tuyệt vời của Ấn Độ.

Thêm vào đó, lĩnh vực y học cổ truyền, đặc biệt hệ thống y tế Ayuvedha là một trong những nguồn tài nguyên chưa được khai thác của Ấn Độ, mặc dù đây là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng khai thác. Du lịch kết hợp chữa bệnh ở Ấn Độ là một ngành có nhiều tiềm năng và đang trên đà phát triển.

Cuối cùng, xây dựng năng lực cho công chức là vấn đề cần được chú trọng. Hệ thống các trung tâm đào tạo cho công chức, viên chức của Ấn Độ rất chuyên nghiệp. Việt Nam đã gửi các nhà ngoại giao tham dự các khóa đào tạo tại Ấn Độ, tuy nhiên việc mở rộng đào tạo cho tất cả công chức, viên chức trong các lĩnh vực khác cũng nên được thực hiện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ N.K. Kumaresan Raja trả lời phỏng vấn PV báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Hải An)

Theo ông, Ấn Độ có thể đóng góp những gì trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông?

Chúng ta cần hiểu rằng, thế giới hiện nay đều liên kết chặt chẽ với nhau. Không một quốc gia nào muốn lâm vào một cuộc chiến trong tình cảnh hiện tại. Vì thế, đối thoại song phương, dựa trên các tập quán quốc tế có thể là giải pháp cho tất cả các tranh chấp quốc tế. Tôi cho rằng, không gì là không thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Ông có thể chia sẻ về một vài nét về tình hình nghiên cứu Việt Nam tại các Viện Hàn lâm ở Ấn Độ trong thời gian qua?

Các trường đại học ở Ấn Độ đều có các môn học về khu vực Đông Nam Á và ASEAN từ bậc học phổ thông cho đến đại học. Cam kết thúc đẩy hợp tác song phương và hợp tác khu vực của chính phủ hai nước hiện nay đòi hỏi phải có sự tham gia của giới học giả đang làm việc trong lĩnh vực này. Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ ở cấp độ các viện nghiên cứu, đặc biệt ở bậc giáo dục đại học.

Hải An

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/ngoai-giao-hoc-gia-gop-phan-quan-trong-thuc-day-hop-tac-viet-an-81175.html