Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Sáng nay, 21/12, tại Thủ đô Hà Nội, trong khuôn khổ hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, phiên toàn thể về ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển đất nước được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: baoquocte.vn)

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khái quát tình hình từ hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất và hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến nay. Theo đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", ngành Ngoại giao đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, cùng các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các trụ cột, binh chủng đối ngoại và ngoại giao.

3 năm qua, công tác đối ngoại đã đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, rộng khắp ở các châu lục trên cả bình diện song phương và đa phương. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới. Mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi. Ngành Ngoại giao đã cùng với quốc phòng và an ninh giữ vững trật tự, an toàn xã hội bên trong, môi trường hòa bình, ổn định bên ngoài, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh.

Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại, có đóng góp rất quan trọng của NGKT. Quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về “xây dựng nền NGKT phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ”, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, công tác NGKT đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Hội nghị đã tập trung đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế, nhất là những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Các ý kiến cũng đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác NGKT đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về NGKT; làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, các bài học kinh nghiệm.

Tại Quảng Bình, năm 2023, tỉnh đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong NGKT. Cụ thể, đã phối hợp tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2023 với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư” tại Hà Nội; tọa đàm “Gặp gỡ, hợp tác Quảng Bình-Tokyo” tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Trung tâm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Khăm Muồn (Lào) nâng cao hiệu quả hoạt động của Cửa khẩu quốc tế Cha Lo-Nà Phàu với nhiều giải pháp đồng bộ.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1,12 tỷ USD. Ước doanh thu năm 2023 đạt khoảng 150 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, nộp ngân sách đạt khoảng 5 triệu USD. Quảng Bình cũng đã khuyến khích, hỗ trợ các DN của tỉnh đầu tư sang nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp. Tỉnh đã phối hợp với các địa phương của nhiều nước để thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật 6 thành tựu của công tác NGKT từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay. Đó là liên tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về NGKT, nắm chắc tình hình khu vực, thế giới, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, xây dựng chính sách và thực hiện chính sách về NGKT. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy mạnh mẽ mối quan hệ giữa lấy nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, từ đó, huy động nguồn lực để phát triển đất nước.

NGKT đã góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu; tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để huy động nguồn lực; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc. NGKT cũng góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân, quan hệ kinh tế giữa DN với DN, giữa người dân với người dân, lấy DN, người dân làm trung tâm phục vụ; thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, cùng với yêu cầu NGKT cần kế thừa hiệu quả những thành tựu của giai đoạn trước và phát triển lên nữa, phù hợp với tình hình thế giới và giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các chỉ đạo cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ của công tác NGKT trong tình hình mới.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202312/ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-phat-trien-dat-nuoc-2214568/