Ngoại giao Nhân dân tệ thực sự hữu hiệu?

Ngân sách của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tăng khoảng 11%/ năm trong giai đoạn 2000-2017 và có thể sẽ sánh ngang với ngân sách cho ngoại giao của cả khối EU vào năm 2027. Tuy nhiên, những 'trái ngọt' của việc gia tăng ảnh hưởng vẫn chưa tới...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nepal, tháng 10/2019 – chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới Nepal trong 23 năm. (Nguồn: South China Morning Post)

Theo một báo cáo nghiên cứu mới đây của Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực hơn trong việc vun đắp các mối quan hệ với các chính trị gia tầm cỡ ở các nước khu vực Trung và Nam Á để mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong các khu vực này.

Ngân sách “khủng”, chuyến thăm và hơn thế

Ngân sách cho các hoạt động ngoại giao của Bắc Kinh ngày càng được mở rộng.

Nếu như Trung Quốc tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như hiện tại, ngân sách cho ngoại giao của nước này sẽ tương đương với của Liên minh châu Âu (EU) cho tới năm 2027. Ngân sách của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tăng hàng năm khoảng 11% trong giai đoạn 2000-2017, từ 30 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 4,3 tỷ USD) lên 62,71 tỷ Nhân dân tệ. Ngân sách cho đối ngoại của cả khối EU cho giai đoạn 2021-2027 dự kiến ở mức 20,5 tỷ euro (22,9 tỷ USD). Trong khi đó tại Mỹ, hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump cho biết ông dự định cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao khoảng 23% xuống còn 40 tỷ USD.

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2017, Trung Quốc đã "đầu tư" 1.039 chuyến thăm tới khu vực Nam Á và 722 chuyến thăm tới khu vực Trung Á. Nepal là quốc gia được Trung Quốc “ưu ái” nhiều nhất với 129 chuyến thăm chính thức, tiếp đến là Sri Lanka với 102 chuyến thăm.

Tại Nepal, trong những năm qua, các quan chức Trung Quốc đã gặp gỡ và kết thân với hầu hết các nhà lãnh đạo, hỗ trợ tài chính cho các chiến dịch bầu cử của một số chính trị gia. Các quan chức Trung Quốc thậm chí còn cùng họ tới địa phương trong các chiến dịch vận động.

Việc đầu tư vào quan hệ ngoại giao tại Nepal có ý nghĩa rất quan trọng đối với tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh, bởi quốc gia không giáp biển này được coi như “sân sau” của Ấn Độ.

Một báo cáo tổng hợp 206 cuộc phỏng vấn quan chức chính phủ, nhà ngoại giao và học giả trong khu vực cho hay rằng Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc sáp nhập Đảng Cộng sản Nepal Maoist và Đảng Cộng sản Marxist-Leninist Thống nhất Nepal (CPN-UML), tạo tiền đề cho chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017, đánh bại đảng Quốc đại Nepal vốn “thân” Ấn Độ.

Tại Sri Lanka, một chính trị gia tiết lộ rằng Bắc Kinh đã hỗ trợ chi phí đi lại đối với các quan chức tới thăm Bắc Kinh và còn hứa hẹn các thỏa thuận phát triển ở quê nhà. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc tạo ra sự kết nối lục địa và hàng hải để tăng cường thương mại và các nguồn tài nguyên cũng đang góp phần thúc đẩy ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực. Tổng chi phí cho BRI trong giai đoạn 2000-2017 lên đến 120 tỷ USD.

Hai quốc gia chiếm một nửa các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong khu vực là Pakistan và Kazakhstan - những mắt xích quan trọng trong BRI. Bắc Kinh cũng rầm rộ tổ chức các sự kiện văn hóa, cấp học bổng và trao đổi sinh viên. Hầu hết quốc gia ở Nam và Trung Á có ít nhất một kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm truyền hình, phát thanh và báo in.

Nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc vấp phải sự hoài nghi của công chúng các nước Nam, Trung Á. (Nguồn: AFP)

Hiện tượng "Sinophobia" và giá trị hình ảnh

Một hình ảnh ngoại giao sôi nổi của Trung Quốc tại khu vực đã quá rõ ràng. Thế nhưng liệu rằng những quan tâm và đầu tư mạnh tay của Bắc Kinh có cải thiện nhận thức của người dân sở tại về hình ảnh của đất nước Trung Quốc hay không còn là một câu hỏi lớn.

James Dorsey, thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho biết ở một số nước Trung Á có hiện tượng chống Trung Quốc khi các công ty Trung Quốc tham gia phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực nhưng lại có các chính sách khắc nghiệt với người dân sở tại.

Tại Kazakhstan, báo cáo của các nhà nghiên cứu cho thấy, mặc dù Trung Quốc có quan hệ với giới chính trị tinh hoa, nhưng người dân địa phương lại tỏ ra hoài nghi về đầu tư và sự quan tâm của Bắc Kinh. Hiện tượng "Sinophobia" (kỳ thị Trung Quốc) bắt đầu sinh sôi. Đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho biết những lo ngại về tình trạng nợ nần, sự tiện ích và công bằng của các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc, cáo buộc tham nhũng và các vấn đề khác đã gây tranh cãi trong dư luận.

“Hờ hững” với Trung Quốc cũng đang là câu chuyện của nhà lãnh đạo Sri Lanka. Bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh tại đất nước này, tân Tổng thống Gototti Rajapaksa đã chọn Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên vào tháng 11 vừa qua.

Ở New Delhi, Tổng thống Rajapaksa đã kêu gọi Ấn Độ và các quốc gia khác cung cấp lựa chọn thay thế BRI cũng như đầu tư nhiều hơn vào nước mình. Ông "chào mời" gói tín dụng trị giá 400 triệu USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, mặc dù trước đó, Bắc Kinh hứa sẽ cung cấp khoản vay gần 1 tỷ USD, tương ứng với 85% chi phí cho dự án Đường cao tốc mới của Sri Lanka.

Các chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc muốn hiện thực hóa chiến lược của mình, thay vì “vung tiền”, Bắc Kinh cần phải có chính sách gần gũi, gắn kết hơn với người dân địa phương các nước sở tại, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Hiện nay, khoảng 95% ngoại giao tài chính của Trung Quốc là về cơ sở hạ tầng và chỉ 5% thuộc các lĩnh vực khác như hỗ trợ nhân đạo hoặc xóa nợ.

Do vậy, ngoại giao công chúng chính là chìa khóa vạn năng để nỗ lực của Bắc Kinh “đáng đồng tiền bát gạo”, khắc phục bất lợi bên trong và vượt lên đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Thu Hiền

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-nhan-dan-te-thuc-su-huu-hieu-106639.html