Ngoại giao quân sự của Mông Cổ trong vòng xoáy cạnh tranh Nga-Mỹ-Trung

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, Mông Cổ đã chọn đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hoạt động quân sự của Mỹ và NATO để tăng cường vị thế quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mông Cổ Battulga Khaltmaa duyệt đội danh dự trong lễ đón ở Ulaanbaatar, Mông Cổ, ngày 3/9/2019. (Nguồn: Reuters)

Vào tháng 2/2020, Trung Quốc đã gửi tặng 100.000 liều vaccine để tặng cho quân nhân Mông Cổ. Động thái này thể hiện mức độ hợp tác cao giữa hai nước vốn từng là cựu thù trong những năm 1920 và căng thẳng Xô-Trung những năm 1960-1980.

Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mông Cổ tập trung vào hỗ trợ phát triển và các biện pháp xây dựng lòng tin như việc hỗ trợ y tế và các hình thức hợp tác khác, bao gồm trao đổi quân sự.

Hồi tháng 1/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tổ chức Hội đồng Tham vấn Quân sự Thường niên Mỹ-Mông Cổ lần thứ 17, tại đây các quan chức tái khẳng định ủng hộ cam kết về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Cũng trong tháng Một, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mircea Geoana và Bộ Quốc phòng Mông Cổ đã phối hợp tổ chức khai mạc trực truyến Trung tâm tăng cường khả năng phòng thủ trên không gian mạng của Mông Cổ.

Tích cực tham gia gìn giữ hòa bình

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, các quốc gia nhỏ ngày càng khó giữ thế cân bằng, trung lập. Mông Cổ đã lựa chọn xây dựng trở thành hình mẫu để đóng góp vào hòa bình và ổn định toàn cầu bằng việc xây dựng lòng tin.

Sau hai thập kỷ cam kết gìn giữ hòa bình, Mông Cổ là quốc gia đứng thứ 23 thế giới đóng góp quân số cho Liên hợp quốc (LHQ). Điều này khiến Mông Cổ trở thành nước đóng góp quân số cho LHQ lớn thứ hai ở khu vực Đông Bắc và Trung Á, chỉ sau Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Ngoài ra, các lực lượng dự phòng và bệnh viện dã chiến của Mông Cổ đã triển khai tới các phái bộ của LHQ ở Chad, Sierra Leone, Sudan, và một tiểu đoàn hiện được triển khai ở Nam Sudan.

Mông Cổ đã trở thành quốc gia có đóng góp bền vững cho các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO từ năm 2003 trở đi như triển khai 1.200 binh sĩ ở Iraq và hơn 45.000 binh sĩ ở Afghanistan. Ngoài ra, hiện hơn 250 quân nhân Mông Cổ vẫn đang sát cánh cùng Mỹ và Đức ở chiến trường Afghanistan.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã đánh giá Mông Cổ giống với Singapore, New Zealand và Đài Loan (Trung Quốc), là “đối tác tự nhiên, đáng tin cậy và có năng lực”. Bên cạnh đó, Mỹ cũng ủng hộ Mông Cổ chuyển đổi căn cứ kiểu cũ của họ thành trung tâm gìn giữ hòa bình hiện đại, Trung tâm Huấn luyện Five Hills.

Ngoại giao quân sự đa phương

Cùng với Mỹ, Mông Cổ đã tổ chức cuộc tập trận hòa bình duy nhất trong khu vực với tên gọi Khaan Quest. Cuộc tập trận có cả sự tham gia của quân đội PLA của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các thành viên NATO.

Về hợp tác với châu Âu, Mông Cổ đã có kinh nghiệm làm việc với quân đội Bỉ ở Afghanistan và Kosovo, với Ba Lan ở Iraq và hiện nay là quân đội Đức ở Afghanistan. Việc triển khai binh sĩ đến các chiến trường giúp Mông Cổ nhận sự hỗ trợ kỹ thuật quân sự và tiến hành chuẩn bị các cuộc tập trận chung.

Năm 2005, NATO đã thành lập Chương trình Quan hệ Đối tác và Hợp tác với Mông Cổ. Đến năm 2012, Mông Cổ trở thành 1 trong 9 đối tác của NATO trên toàn cầu.

Trong bối cảnh địa chính trị nhạy cảm, Mông Cổ đã giới hạn quan hệ hợp tác với các thành viên NATO chỉ còn trong việc huấn luyện, giáo dục và hỗ trợ hòa bình thay vì sắm sửa khí tài để nâng cao năng lực quân sự.

Sự hợp tác quân sự "thân thiện" của Mông Cổ với NATO đã góp phần đưa nước này trở thành thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) vào năm 2012.

Ngoài quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ và NATO, Mông Cổ còn đặc biệt quan tâm đến quan hệ hợp tác với Nga.

Trong quan hệ Đối tác chiến lược song phương năm 2019, hợp tác quốc phòng trở thành một phần quan trọng trong việc khôi phục hợp tác kỹ thuật quân sự, hỗ trợ Mông Cổ hiện đại hóa vũ khí.

Từ năm 2008, cuộc tập trận quân sự Nga-Mông Cổ với tên gọi Selenge được tổ chức thường niên. Do đại dịch Covid-19 năm 2020, hai nước đã cùng tổ chức huấn luyện chỉ huy.

Khi Nga có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 thế giới, Mông Cổ vẫn gửi binh sĩ đến Lễ diễu binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng Phát xít Đức của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến 2, mà khi đó Mông Cổ là đồng minh thân thiết.

Tránh vết xe đổ

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Lực lượng vũ trang Mông Cổ (MAF). Đất nước thảo nguyên đã tách khỏi Trung Quốc 100 năm trước và được Liên Xô hỗ trợ thành lập quân đội. Từ đó, Mông Cổ duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Nga và Trung Quốc, các nước vốn là đối thủ địa chính trị của nhau.

Mặc dù quân đội Mông Cổ đã được tái thiết và đóng vai trò rõ ràng trong việc xây dựng các mục tiêu chính sách đối ngoại, nhưng vấn đề cân bằng quân sự của Mông Cổ sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi Mỹ-Nga-Trung đang tăng cường cạnh tranh bằng các chương trình nghị sự quốc tế.

Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, Mông Cổ có thể quay lại môi trường Chiến tranh Lạnh mà nước này từng trải qua trước đây trong những năm 1960-1970, mắc kẹt giữa vòng xoáy Nga-Trung và phương Tây.

Quân đội Mông Cổ đã phải vượt qua những thách thức chuyển tiếp mà nước này đối mặt trong những năm 1960-1970 với việc cắt giảm 50% quân số, cắt giảm ngân sách quốc phòng lớn và cắt đứt quan hệ đồng minh với Liên Xô.

Trong kịch bản như vậy, những thành tựu đầu tư vào các nỗ lực xây dựng lòng tin quân sự và hợp tác cân bằng các bên sẽ giúp đất nước thảo nguyên tránh bị kéo theo bất kỳ phe nào và giữ vững thế trung lập cũng như trở thành trung gian hòa giải cân bằng tiềm năng trong tương lai.

(theo East Asia Forum)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-quan-su-cua-mong-co-trong-vong-xoay-canh-tranh-nga-my-trung-144432.html