Ngoại giao Trump-Kim thất bại, Mỹ lo 'khủng hoảng nghiêm trọng nhất'

Các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều đã không mang lại kết quả thực chất và khoảng trống ngoại giao đã cho Bình Nhưỡng thêm thời gian để củng cố kho vũ khí hạt nhân.

Các quan chức quân đội và tình báo Mỹ, những người theo dõi các hành động của Triều Tiên từng giờ, nói họ đang chuẩn bị cho vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn đến bờ biển Mỹ trong tương lai gần. Nhưng dường như họ phải cam chịu trước thực tế rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không có lựa chọn nào tốt để ngăn chặn việc này.

Nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử trong những ngày tới - Bình Nhưỡng đã nói sẽ "tặng quà Giáng sinh" nếu không có tiến triển nào trong việc dỡ bỏ trừng phạt - đó sẽ là thất bại lớn đối với sáng kiến đối ngoại táo bạo nhất của ông Trump, ngay cả khi ông phải đối mặt với phiên tòa luận tội trong nước.

Các quan chức Mỹ đang cố gắng giảm nhẹ mối đe dọa tên lửa, dù các thử nghiệm tương tự hai năm trước đã khiến ông Trump phải lên tiếng đe dọa về "bom đạn cuồng nộ", rằng chiến tranh có thể xảy ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo triều Tiên Kim Jong Un đứng bên phía Triều Tiên tại khu phi quân sự liên Triều hồi tháng 6. Ảnh: NYT.

Ông Trump thường viện dẫn việc tạm dừng các vụ thử hạt nhân trong lòng đất và tên lửa tầm xa 2 năm qua là bằng chứng cho thấy ngoại giao giữa lãnh đạo với lãnh đạo mà ông thực hiện với Triều Tiên đang có hiệu quả và những kỹ năng đàm phán như vậy sẽ thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ kho vũ khí.

Lập luận của chính quyền hiện đã thay đổi. Nếu ông Kim khôi phục các vụ thử, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên thực sự cảm thấy bế tắc, và kết luận rằng Washington sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng một sớm một chiều.

Vở kịch của Triều Tiên

Tuy nhiên, chuyện chưa được đề cập là thách thức mà một vụ thử tên lửa mới sẽ mang lại và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược trừng phạt. Trong tuần qua, Stephen E. Biegun, đặc phái viên về Triều Tiên, đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn là thứ trưởng ngoại giao tiếp theo, có chuyến thăm Đông Á để cố gắng ngăn chặn những nỗ lực mới của Nga và Trung Quốc nhằm làm suy yếu các biện pháp trừng phạt đó.

Các quan chức quân sự cho biết hiện không có kế hoạch phá hủy tên lửa trên bệ phóng, hoặc đánh chặn nó trên không - các biện pháp mà cả hai cựu tổng thống George W. Bush và Barack Obama đều cân nhắc, và bác bỏ. Không rõ liệu Bộ Tư lệnh Không gian mạng của quân đội Mỹ có đang cố ngăn chặn các vụ phóng từ xa, như họ từng làm dưới thời ông Obama, với kết quả khi này khi khác.

Thay vào đó, các quan chức cho biết, nếu Triều Tiên quay lại thử tên lửa, chính quyền Trump sẽ nhờ cậy các đồng minh và một lần nữa vận động Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thắt chặt các biện pháp trừng phạt - chiến lược đã được áp dụng trong hai thập kỷ.

Đằng sau những mối đe dọa gần đây là sự tồn tại của một thực tế lạnh lùng: Trong 18 tháng sau khi ông Trump và ông Kim gặp nhau lần đầu tiên ở Singapore, với những tuyên bố về sự ấm áp chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt bằng lệnh ngừng bắn năm 1953, Triều Tiên đã gia cố kho tên lửa và dự trữ vật liệu hạt nhân sẵn sàng cho việc chế tạo bom.

Ước tính mới từ một cơ quan chức năng hàng đầu cho thấy ông Kim đã mở rộng kho vũ khí của Triều Tiên kể từ khi ông Trump tuyên bố trên Twitter sau hội nghị Singapore rằng "không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa".

Siegfried S. Hecker, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos và là một trong số ít người phương Tây từng nhìn thấy các cơ sở sản xuất uranium của Triều Tiên, nói ông tin rằng nước này có đủ cấp nhiên liệu cho khoảng 38 đầu đạn - gấp đôi ước tính trước đó mà ông và các nhà khoa học, phân tích tình báo khác đưa ra.

Những dải ruy băng nhiều màu sắc được treo tại khu phi quân sự liên Triều trong tháng 12 để cầu mong hòa bình. Bình Nhưỡng nói sẽ tặng "quà Giáng Sinh" nếu không có tiến triển nào trong việc dỡ bỏ trừng phạt. Ảnh: AFP/Getty.

Trong những tuần gần đây, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm trên mặt đất đối với thứ dường như là động cơ tên lửa mới mà Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ giúp tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của mình, cho thấy họ có thể không có ý định từ bỏ năng lực hạt nhân.

"Tôi nghĩ rằng một phần của việc này có lẽ là suy nghĩ thực sự của họ", John R. Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia, nói với NPR hôm 19/12. "Họ nghĩ rằng tổng thống (Mỹ) rất khao khát một thỏa thuận và nếu họ tạo ra ràng buộc thời gian giả cho điều đó, có thể là họ nghĩ rằng họ sẽ có được một thỏa thuận tốt hơn. Chúng ta chỉ cần chờ xem".

"Tuy nhiên, việc này cũng hoàn toàn nằm trong vở kịch của Triều Tiên", ông lưu ý.

Khủng hoảng nghiêm trọng nhất

Một yếu tố mới trong vở kịch có thể là việc ông Kim đang tính toán rằng quá trình luận tội đã làm ông Trump suy yếu, khiến tổng thống Mỹ càng mong muốn có được một thắng lợi về chính sách.

Các quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại và các chỉ huy quân sự đang chuẩn bị cho có lẽ là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất.

"Thứ mà tôi nghĩ là một loại tên lửa đạn đạo tầm xa nào đó sẽ là 'món quà'", tướng Charles Q. Brown Jr., chỉ huy Không quân Thái Bình Dương, cho biết hôm 17/12. "Nó đến vào đêm Giáng sinh? Nó đến vào ngày Giáng sinh? Nó đến sau năm mới? Một trong những trách nhiệm của tôi là chú ý đến điều đó".

Không có tiến triển ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng kể từ khi hội nghị thượng đỉnh gần nhất giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội hồi tháng 2, các quan chức chính quyền miễn cưỡng nhìn ông Trump nhảy vào một cuộc đàm phán trực diện khác.

Trong khi những tiếp xúc ngoại giao ban đầu giữa hai nhà lãnh đạo đã nuôi hy vọng và tạo ra những tiêu đề tích cực, tổng thống Mỹ chấp nhận ngôn ngữ mơ hồ trong việc kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như lời cam kết vững chắc của Bình Nhưỡng về việc giải giáp vũ khí.

Sự leo thang nằm trong dự đoán của Triều Tiên sẽ để lại cho ông Trump một lựa chọn không hề dễ chịu. Ông có thể lặp lại những lời mối đe dọa đáng báo động về hành động quân sự từ cuối năm 2017, mang đến cho năm bầu cử năm 2020 cảm giác khủng hoảng, việc có thể khiến ông mất đi lá phiếu ủng hộ - cũng như có thể dẫn đến xung đột thực sự.

Hoặc ông Trump có thể chịu đựng sự khiêu khích mới và gia tăng trừng phạt, đánh cược rằng việc này bằng cách nào đó có thể buộc Triều Tiên từ bỏ con đường mà họ đã theo đuổi trong hàng thập kỷ với mục tiêu là tạo ra loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ.

Bản tin trên truyền hình Hàn Quốc về việc Triều Tiên phóng một vật thể bay hồi tháng 11. Ảnh: Reuters.

Hy vọng tan thành mây khói

Khi ông Trump xuất hiện sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài cả ngày với ông Kim tại Singapore, lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau, ông có vẻ chắc chắn rằng sẽ nhanh chóng có tiến triển.

"Tôi nghĩ ông ấy sẽ làm những việc này", ông Trump nói. "Tôi có thể sai. Tôi có thể đứng trước bạn trong sáu tháng nữa và nói, này, tôi đã sai rồi".

Rào cản xuất hiện gần như ngay lập tức. Bình Nhưỡng từ chối bàn giao danh sách vũ khí và hệ thống phân phối. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy ông Kim muốn mở cửa nền kinh tế Triều Tiên, theo các nhà phân tích.

Sau những lần thư từ qua lại nồng ấm, hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau ở Hà Nội, nơi ông Trump đưa ra một đề nghị lớn - Triều Tiên giải giáp hoàn toàn kho vũ khí để đổi lấy việc Mỹ chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt. Tổng thống thậm chí còn đề nghị giúp xây dựng các khách sạn dọc theo bờ biển phía đông Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Hà Nội trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2. Ảnh: AP.

Ông Kim cho biết ông sẽ đồng ý tháo dỡ địa điểm hạt nhân chính tại Yongbyon, trung tâm của chương trình hạt nhân Triều Tiên, để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất mà chính quyền Obama đã bắt đầu thực thi vào năm 2016 và ông Trump đã đẩy mạnh. Ông Trump rất muốn chấp nhận, các cựu trợ lý nói, nhưng Ngoại trưởng Mike Pompeo và ông Bolton đã ngăn cản ông, cho rằng các địa điểm làm giàu uranium quan trọng của Triều Tiên nằm bên ngoài các bức tường của cơ sở Yongbyon. Việc đàm phán kết thúc trong thất bại.

Trong những tháng tiếp theo, chính quyền Mỹ đã tranh luận về việc liệu có nên "làm mềm" yêu cầu rằng Triều Tiên phải tháo dỡ tất cả cơ sở hạ tầng hạt nhân trước khi nhận được lợi ích đáng kể hay không. Đã có cuộc nói chuyện về việc đàm phán "đóng băng hạt nhân tạm thời"; trong khi việc này có thể ngăn chặn vấn đề trở nên tồi tệ hơn, nó cũng giúp giữ lại kho vũ khí hạt nhân đã có kích thước bằng một phần ba của Pakistan và Ấn Độ.

Phải đến tháng 10, một nhóm đàm phán mới của Triều Tiên mới được tập hợp và gặp ông Biegun. Ông vốn nghĩ rằng cuộc gặp diễn ra tốt đẹp cho đến cuối ngày khi phái đoàn Triều Tiên trở lại để đọc một tuyên bố rõ ràng đã được viết sẵn lên án Mỹ.

Các nhóm đàm phán của hai bên đã không gặp nhau kể từ đó.

Lá bài của ông Kim

Những lời đe dọa gần đây từ ông Kim xuất hiện khi ông đang chuẩn bị cho hai sự kiện chính trị quan trọng - hội nghị toàn thể cuối năm của đảng Lao động Triều Tiên và phát biểu năm mới. Đầu năm 2019, ông Kim đã tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ dù chỉ một vũ khí cho đến khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Sau đó, ông đã đặt ra cho ông Trump thời hạn cuối năm.

Giờ đây, ông Kim thấy mình trắng tay, không thể bước vào hội nghị toàn thể trong thắng lợi hoặc tuyên bố chiến thắng vào ngày 1/1. Bị đẩy vào một góc, ông lại cố gắng sử dụng đòn bẩy chính của mình - đe dọa thử nghiệm vũ khí hoặc hành động quân sự - để ép buộc ông Trump nới lỏng các biện pháp trừng phạt, theo các nhà phân tích.

"Mọi chuyện đã không xảy ra theo cách mà ông ấy muốn", Jean H. Lee, chuyên gia về Hàn Quốc tại Trung tâm Wilson, nhận xét. "Tôi nghi ngờ ông Kim sẽ tiếp tục khiêu khích để buộc ông Trump phải quay lại đàm phán, nhưng cố gắng tránh đối đầu với ông ấy một cách công khai, vì ông Kim muốn để ngỏ một cơ hội".

Hôm 22/12, Triều Tiên cho biết ông Kim đã chủ trì một hội nghị của Quân ủy Trung ương, nơi các vấn đề quan trọng đã được thảo luận "để cải thiện và đẩy nhanh năng lực quân sự để tự vệ".

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết hội nghị được triệu tập để quyết định "các biện pháp chính trị và tổ chức quan trọng và các bước đi quân sự để củng cố" lực lượng vũ trang, "đáp ứng tình hình đang thay đổi nhanh chóng", song không nói cụ thể.

Ông Kim Jong Un thăm vị trí phòng thủ Changrido. Ảnh: KCNA/Reuters.

Ông Kim có thể chọn phóng một vệ tinh thay vì tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đánh cược việc đó có thể đẩy ông Trump nới lỏng các lệnh trừng phạt mà không gây ra phản ứng dữ dội.

Ông Kim cũng có thể thuyết phục Trung Quốc và Nga tiếp tục nới lỏng các lệnh trừng phạt tại Liên Hợp Quốc. Cả hai quốc gia đều mong muốn khẳng định lại vai trò lãnh đạo trong vấn đề Triều Tiên.

Hôm 19/12, La Chiếu Huy, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, như Trung Quốc và Nga đã đề xuất hôm 18/12 tại Liên Hợp Quốc, là "giải pháp tốt nhất" để "phá vỡ thế bế tắc trên bán đảo (Triều Tiên)".

Các nhà phân tích cho hay Trung Quốc dường như không buộc mọi công nhân Triều Tiên phải về nước, như yêu cầu trong một nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc nói họ tuân thủ các nghị quyết trừng phạt. Các quan chức Mỹ cho biết Bắc Kinh cũng phải chấm dứt việc chuyển hàng bằng tàu do Triều Tiên thực hiện đối với các sản phẩm năng lượng.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì một mặt trận chung chống lại Triều Tiên có thể sẽ phức tạp hơn vào tuần tới khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản và Tổng thống Moon Jae In của Hàn Quốc. Nỗ lực của ông Trump nhằm buộc Hàn Quốc gánh toàn bộ chi phí của quân đội Mỹ đồn trú tại nước này đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa các đồng minh.

Ngăn chặn hay chiến tranh

Ông Trump từng dự tính tấn công Triều Tiên ngay trong những ngày đầu lên nắm quyền, khi các quan chức đưa ra ý tưởng về chiến lược "chiếc mũi đẫm máu" nhằm báo hiệu rằng Washington sẽ không bao giờ cho phép Triều Tiên đi đến bước có thể nắm giữ các thành phố của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

"Các giải pháp quân sự giờ đã hoàn toàn sẵn sàng, súng đã lên nòng, nếu Triều Tiên hành động không không ngoan", ông Trump viết trên Twitter vào tháng 8/2017.

Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên, hồi tháng 6. Ảnh: AFP/Getty.

Gần đây, ông Trump đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới việc giải quyết các xung đột hơn là bắt đầu những xung đột mới. Ông Trump cũng đã sa thải các cố vấn cấp cao diều hâu, bao gồm cả ông Bolton, người từng kêu gọi cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Song cách tiếp cận hiện tại của ông Trump - ngoại giao từng bước được hỗ trợ bởi việc "siết chặt" các biện pháp trừng phạt, có thể hướng đến việc đóng băng tạm thời - đang diễn ra trong bóng tối của những nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên tương tự mà bốn cựu tổng thống đã thực hiện và thất bại.

Khi ký dự luật quốc phòng lớn vào tối 20/12, ông Trump đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, bao gồm khả năng trừng phạt tài chính đối với Nga và Trung Quốc trong 120 ngày nếu họ giao dịch với Triều Tiên.

"Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao chuyện đó", Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, người soạn thảo các điều khoản, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Sẽ là sai lầm lớn nếu tổng thống trì hoãn áp dụng các biện pháp trừng phạt này trừ khi ông có thể xác thực tiến triển trong các vấn đề lớn".

Ông Trump về cơ bản đã phớt lờ 13 vụ thử rocket hoặc tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên đã tiến hành kể từ tháng 5. Tuy nhiên, một vụ phóng tên lửa liên lục địa sẽ khó bỏ qua hơn, và không rõ ông có thể đáp trả như thế nào, đặc biệt nếu vụ thử như vậy làm gia tăng chỉ trích rằng ông Kim đã thao túng được tổng thống Mỹ.

Cho đến nay, ông Trump đang tỏ ra không hào hứng với việc quay trở lại với những căng thẳng "bom đạn cuồng nộ" như hai năm trước.

"Tôi có mối quan hệ rất tốt với Kim Jong Un", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng trong tháng này trước khi nói thêm, điều có thể chỉ là suy nghĩ viển vông, "Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều muốn giữ lấy mối quan hệ đó".

Đông Phong
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ngoai-giao-trump-kim-that-bai-my-lo-khung-hoang-nghiem-trong-nhat-post1028032.html