'Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc' không làm giảm vai trò của môn học

Đó là quan điểm của nhiều thầy cô giáo trước phương án mới được công bố của Bộ GD&ĐT: Thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm hai môn bắt buộc Toán, Văn, không có Ngoại ngữ.

Trường THPT Thanh Thủy giao các nhóm bộ môn phân tích, thảo luận và xây dựng phương án dạy và học cho học kỳ II

Trường THPT Thanh Thủy giao các nhóm bộ môn phân tích, thảo luận và xây dựng phương án dạy và học cho học kỳ II

Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ gồm hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (phương án 2+2). Điều này đồng nghĩa Ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc mà trở thành một trong những môn thi tự chọn, “bình đẳng” với các môn học khác.

Ghi nhận tại các địa phương trong toàn tỉnh, hầu hết đều đồng tình với phương án và khẳng định việc thay đổi sẽ không làm giảm vai trò của môn học. Nhiều học sinh cho rằng việc được lựa chọn các môn thi tốt nghiệp ngoài hai môn Toán, Ngữ văn giúp giảm áp lực và giúp các em có cơ hội tập trung hơn vào những môn sở trường. Tuy nhiên, số tổ hợp hợp xét tuyển đại học sẽ thu hẹp hơn do chỉ còn 4 môn thi so với 6 môn như hiện nay.

Thầy giáo Trần Huy - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy cho biết: Nhà trường đã và đang giao cho các nhóm bộ môn phân tích, thảo luận và xây dựng phương án dạy và học cho học kỳ II trên cơ sở việc dạy và học phải đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và yêu cầu về kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và phụ huynh về tầm quan trong của Ngoại ngữ trong định hướng nghề nghiệp; khuyến khích học sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ nhằm tăng cơ hội xét tuyển nếu các em tiếp tục học lên.

Bên cạnh đó, thầy Huy cho rằng các trường Đại học cần có Đề án sớm để người học biết được các phương thức ứng tuyển. Bên cạnh đó, việc dạy học ngoại ngữ cũng cần phải có những điều chỉnh nhất định theo hướng thiết thực, đúng theo tinh thần Ngoại ngữ là một phương tiện giao tiếp, phục vụ nghiên cứu học tập chứ không phải là một môn để thi lấy điểm.

Đồng quan điểm với thầy Huy, thầy giáo Nguyễn Anh Tuân – Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa khẳng định: Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc không có nghĩa là xóa bỏ môn Ngoại ngữ. Môn Ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc trong Chương trình THPT và bậc học cao hơn. Kết quả môn Ngoại ngữ trong nhà trường vẫn được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT. Ngoại ngữ vẫn được lựa chọn là môn thi tốt nghiệp bởi những thí sinh có nhu cầu (có sở trường về môn Ngoại ngữ, có nguyện vọng sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển đại học).

Với việc tổ chức dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường, nhất là với lớp 12, các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết sẽ được thực hiện đồng bộ hơn do thi tốt nghiệp THPT không có nội dung phần kĩ năng nghe, nói nên hai kĩ năng này ít được chú trọng khi ôn tập.

Với việc thay đổi phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể; chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch ôn thi tốt nghiệp phù hợp với sự thay đổi của Bộ GD&ĐT. Lớp 12 hiện tại vẫn thực hiện phương án dạy học và ôn tập cơ bản như các năm học trước. Với lớp 11, lớp 10, nhà trường đã thực hiện khảo sát nguyện vọng, phân luồng học sinh để có phương án tổ chức lớp học, lớp ôn thi tốt nghiệp phù hợp với lựa chọn của học sinh.

Từ năm học 2024-2025, Trường THPT Hạ Hòa sẽ tổ chức cho học sinh ôn thi tốt nghiệp các môn học theo nguyện vọng đăng ký từ đầu năm học.

Từ năm học 2024-2025, Trường THPT Hạ Hòa sẽ tổ chức cho học sinh ôn thi tốt nghiệp các môn học theo nguyện vọng đăng ký từ đầu năm học.

Từ năm học 2024-2025, Trường THPT Hạ Hòa sẽ tổ chức cho học sinh ôn thi tốt nghiệp các môn học theo nguyện vọng đăng ký từ đầu năm học với thời khóa biểu phù hợp để học sinh có đủ thời gian ôn luyện cần thiết, không bị quá tải và áp lực trong việc học tập chính khóa và ôn thi TN. Ưu tiên phân công giáo viên có năng lực huyên môn tốt, giàu kinh nghiệm giảng dạy, ôn tập cho học sinh lớp 12.

Là một trong các trường THPT huyện miền núi, thầy giáo Nguyễn Tiến Trình - Hiệu trưởng Trường THPT Quế Lâm, huyện Đoan Hùng cho rằng: Với phương án này, học sinh có điều kiện tập trung học tập chuyên sâu những môn để định hướng nghề nghiệp và công bằng với tất cả các khối thi. Trên thực tế, nhiều học sinh nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, sau khi tốt nghiệp, các em sẽ đi làm và việc sử dụng Ngoại ngữ là rất ít. Điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học Ngoại ngữ chưa thực sự tốt, do đó nếu bắt buộc thi Ngoại ngữ cũng chưa thực sự hợp lý, chưa thực sự công bằng đối với đối tượng học sinh này.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh lớp 10A3, Trường THPT Quế Lâm, huyện Đoan Hùng

Giờ học Tiếng Anh của học sinh lớp 10A3, Trường THPT Quế Lâm, huyện Đoan Hùng

Với đặc thù học sinh Đoan Hùng còn nhiều khó khăn, Trường THPT Quế Lâm dự kiến sớm điều chỉnh kế hoạch dạy học, nhất là kế hoạch tổ chức ôn thi cho học sinh các lớp 10, 11 và các khóa tiếp theo ngay từ đầu học kỳ II này. Sau khi thống nhất với phụ huynh học sinh, nhà trường sẽ khảo sát nhu cầu và nguyện vọng học sinh, cho học sinh đăng ký lại môn mà các em sẽ dự kiến tham gia thi tốt nghiệp để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp cho các em.

Là một phụ huynh có con đang theo học lớp 10, chị Minh Thu, phường Tiên Cát, TP Việt Trì bày tỏ quan điểm ủng hộ: Tôi nghĩ rằng đây là phương án tối ưu nhất, cân bằng cả việc học lẫn nhu cầu của học sinh và gia đình. Phương án này đang hướng đến thực tế khi có những học sinh lựa chọn ngành nghề không liên quan đến ngoại ngữ hoặc chọn đi học nghề.

Trước đó, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi về một số phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 thì phương án “2 + 2”, trong đó Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc như trước được đa số các thầy cô giáo, nhà trường lựa chọn.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/ngoai-ngu-khong-con-la-mon-thi-bat-buoc-khong-lam-giam-vai-tro-cua-mon-hoc/204168.htm