Ngoài nhập khẩu hàng hóa không rõ nguồn gốc, Con Cưng còn có 6 vi phạm khác

Theo Cục Quản lý thị trường, ngoài vi phạm về 'nhập khẩu hàng hóa không có hóa đơn chứng từ', Công ty Con Cưng còn mắc thêm 6 vi phạm khác.

Liên quan vụ thương hiệu bằng việc cắt và thay mác nhãn hiệu, mới đây, tại buổi họp báo chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường đã công bố 7 hành vi vi phạm của Công ty Con Cưng.

Cụ thể, 7 hành vi vi phạm của Công ty Con Cưng bị phát hiện gồm: kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin;

Công ty Cổ phần Con Cưng là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm quần áo, tã, sữa, thực phẩm, đồ dùng trẻ em và phụ nữ có thai. Công ty này có tất cả 311 cửa hàng siêu thị trên toàn quốc.

Có giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hóa; bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức; bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.

Ông Tín khẳng định, với 7 hành vi sai phạm nêu trên, Công ty Con Cưng sẽ bị xử lý.

Trong khi trước đó, ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Con Cưng từng khẳng định rằng, công ty này luôn kinh doanh đúng quy định pháp luật, không lừa dối khách hàng.

"Hiện tại chúng tôi có khoảng 600.000 khách hàng mỗi tháng, doanh thu tăng trưởng 100% qua từng năm. Công ty cũng dự kiến đến năm 2020 sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán nên không có lý do gì để chúng tôi làm ăn gian dối, gây thiệt hại cho chính mình lẫn người tiêu dùng.

Hiện hệ thống chúng tôi kinh doanh 10.000 sản phẩm, nên hằng ngày trong khâu di chuyển hàng, xử lý hàng, tem phụ dán trên sản phẩm sẽ rớt xuống, đó là vi phạm nhãn mác nhưng chỉ là lỗi kỹ thuật trong quá trình vận chuyển", người đứng đầu Con Cưng thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Con Cưng.

Đồng thời, ông Minh cũng khẳng định, sản phẩm tại các cửa hàng Con Cưng là sản phẩm chính hãng mang thương hiệu Con Cưng được đặt hàng nhà sản xuất từ Thái Lan. Sản phẩm lỗi là do nhân viên kiểm soát hàng khi nhập kho không soát kỹ nên mới để xảy ra sự cố như những ngày vừa qua.

Thế nhưng, khi được hỏi vì sao đối tác Thái Lan cung cấp sản phẩm lỗi khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, nhưng Con Cưng không phản hồi và kiện nhà cung cấp thì ông Minh nói rằng việc sai sót là không mong muốn nên không đem ra kiện tụng.

Ngày 20/7, anh Trương Đình Vĩnh (39 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đã gửi phản ánh đến các cơ quan báo chí về việc sản phẩm quần áo trẻ em của Công ty Cổ phần Con Cưng bị cắt tem nhãn, gắn mác ngoại.

Anh Vĩnh cho biết: "Chiều 22/5, tôi đến cửa hàng Con Cưng tại số 788 Âu Cơ, phường 14 (quận Tân Bình) để mua hàng cho con với tổng giá trị hóa đơn gần 1,5 triệu đồng; trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329 nghìn đồng.

Tuy nhiên, khi mang sản phẩm về nhà, tôi phát hiện bộ quần áo thun dành cho bé gái mà tôi vừa mua có dấu hiệu bị cắt tem nhãn và thay thế bằng tem mác CF (Con Cưng Fashion) được ghi xuất xứ là Made in Thailand. Sợ sản phẩm mình mua đã bị cắt tem nhãn rồi thay thế, tôi đã mang sản phẩm đến cửa hàng Con Cưng và yêu cầu làm rõ sự việc".

Theo anh Vĩnh, sau khi tiếp nhận phản ánh của khách hàng, Con Cưng đã thu hồi lại sản phẩm nghi bị lỗi và các sản phẩm nằm cùng lô hàng tại cửa hàng. Đồng thời, cửa hàng này cũng cam kết sẽ kiểm tra và gửi trả lại hàng bị lỗi cho nhà cung cấp.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp cùng Cục QLTT đã thực hiện kiểm tra hàng hóa, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm tại nhiều cửa hàng Con Cưng tại TP.HCM.

Thy Huệ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngoai-nhap-khau-hang-hoa-khong-ro-nguon-goc-con-cung-con-co-6-vi-pham-khac-d416739.html