Ngoài 'thử thách Momo', còn hàng trăm nội dung 'độc hại' trên Youtube

Các chuyên gia cho rằng, với số lượng hàng triệu video và bình luận phải xử lý mỗi ngày, Youtube khó lòng có thể đảm bảo rằng các nội dung 'độc hại' không tồn tại trên trang này.

 Thử thách Momo đã len lỏi và ngụy trang trên các video dành cho trẻ em trên Youtube Kids.

Thử thách Momo đã len lỏi và ngụy trang trên các video dành cho trẻ em trên Youtube Kids.

Gần đây, nhiều phụ huynh tá hỏa khi phát hiện một trò chơi có tên “Thử thách Momo” xuất hiện trên Youtube đe dọa sức khỏe tinh thần, tính mạng con mình. Theo đó, "Thử thách Momo" được chèn bên trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite.

Trong các đoạn video "Thử thách Momo", nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

Nhiều trẻ sau khi xem xong những video này có biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi, thậm chí còn có những hành động kỳ lạ, đe dọa đến tính mạng của mình.

Hình tượng Momo xuất hiện trong các video hoạt hình.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA, “Thử thách Momo” thật ra đã được lồng ghép trong các video từ lâu và tồn tại trong một khoảng thời gian dài. Thế nhưng Youtube chỉ vào cuộc khi nhận được sự phản hồi từ phía phụ huynh gần đây.

"Thử thách Momo" chỉ là một trong rất nhiều những nội dung không phù hợp tồn tại trên Youtube gây ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Bên cạnh rất nhiều những video hữu ích dành cho trẻ thì những nội dung “gây độc” cũng được kẻ xấu lồng ghép tinh vi trong video hoặc qua các đường link tưởng chừng vô hại. Khi trẻ vô tình truy cập vào đường link đó, trẻ sẽ được dẫn vào một thế giới hoàn toàn khác, với những nội dung không thể kiểm soát được.

Còn theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng BKAV, khi một dịch vụ phát triển, bên cạnh những lợi ích mang lại thì cũng đi kèm theo những mặt trái. Hệ thống của Youtube, một ngày phải xử lý hàng triệu video, cũng như các bình luận bên dưới. Bên cạnh sự can thiệp của con người thì Youtube sử dụng các công cụ, thuật toán, cụ thể là thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo).

Thuật toán của Youtube đưa ra sẽ giúp họ phát hiện clip hoặc các bình luận vi phạm các điều khoản mà Youtube đưa ra hay không, ví dụ như vi phạm bản quyền hay nội dung không phù hợp cần chặn hay không.

Ông Tuấn Anh cho rằng, YouTube đã và đang nỗ lực loại bỏ hàng triệu sản phẩm có nội dung độc hại, vi phạm chính sách người dùng trong nhiều năm qua. Thế nhưng, những kẻ xấu vẫn tìm được cách lách qua các thuật toán đã được thiết lập sẵn và sự kiểm duyệt của Youtube.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng BKAV

Theo chuyên gia Tuấn Anh, Youtube hay Google sẽ luôn phải đối mặt với những nguy cơ trên trong tương lai, bởi họ sẽ không thể nào thiết lập được 1 thuật toán hoàn hảo để có thể kiểm soát tất cả. Như vậy, Youtube không còn cách nào khác là phải tìm cách liên tục nâng cấp các thuật toán, nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn.

“Sự vào cuộc của người cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết, tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần có sự giám sát khi cho con cái sử dụng internet. Không ai khác ngoài cha mẹ có thể theo sát và ngăn chặn kịp thời những nội dung “xấu” có thể làm ảnh hưởng đến con cái mình”, chuyên gia BKAV đưa ra lời khuyên.

Thiên Bình

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ngoai-thu-thach-momo-con-hang-tram-noi-dung-doc-hai-tren-youtube-660395.ldo