Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ chuyển vũ khí cho Ukraine đấu với Nga

Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, việc Mỹ chuyển giao vũ khí cho quân đội chính phủ Ukraine không nằm ngoài mục đích để chiến đấu với Nga.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi cho họ vũ khí thực sự để họ có thể chiến đấu với người Nga".

Đồng thời, ông Pompeo cũng chỉ trích chính quyền của cựu lãnh đạo Mỹ Barack Obama, người từ chối cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev. "Với những gì đã làm cho Ukraine, người Mỹ có quyền tự hào về điều đó", ông Pompeo nhấn mạnh.

Ngay trước khi Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tuyên bố trên, ông William B. Taylor, đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine cho biết, Washington sẽ cung cấp cho Kiev nhiều thiết bị quân sự mới, trong đó có hai tàu tuần tra dành cho lực lượng bảo vệ bờ biển.

Binh sĩ Ukraine huấn luyện với tên lửa Javelin.

Binh sĩ Ukraine huấn luyện với tên lửa Javelin.

"Mỹ rất hài lòng khi có thể cung cấp các thiết bị bổ sung cho Ukraine. Đặc biệt, hai tàu tuần tra lớp Island từ Mỹ sẽ gia nhập hạm đội hải quân Ukraine trong vài tháng tới.

Tôi rất vui mừng thông báo ngày hôm nay rằng Ukraine đã đề xuất lần đầu tiên về việc mua thiết bị quân sự thông qua một chương trình đặc biệt của Bộ Quốc phòng Mỹ, có tên gọi là chương trình bán hàng quân sự cho nước ngoài", Ông B. Taylor cho biết.

Việc Mỹ chấp thuận bán thêm nhiều thiết bị quân sự và 2 chiếc tàu tuần tra cho Ukraine thực chất đang từng bước giúp nước này hiện thực hóa "Chiến ược biển sửa đổi" được Hải quân Ukraine công bố hồi đầu năm 2019.

Trong đó nói rõ Bộ tư lệnh Hải quân Ukraine đã xem xét kỹ các sự kiện liên quan đến Nga xảy ra ở Biển Azov và Biển Đen, qua đó có được cái nhìn tổng quan về những việc cần phải làm để bảo vệ lợi ích của đất nước tại những vùng biển này.

Các bước thực hiện trình bày trong Chiến lược sẽ cho phép Ukraine gây dựng được tầm ảnh hưởng đến tình hình ở vùng Biển Đen và Biển Azov trong tương lai. Chiến lược biển được chia thành ba giai đoạn được thực hiện trước năm 2035.

Giai đoạn đầu tiên (2019-2025) sẽ gồm các hành động nhằm bảo vệ lợi ích của Ukraine ở khu vực ven biển (cách bờ biển 40 hải lý). Trong giai đoạn này, Hải quân Ukraine sẽ phải gây dựng được một hệ thống tình báo về không gian biển có khả năng phát hiện nhanh các mối đe dọa và cho phép nâng cao tốc độ phản ứng với chúng.

Theo kế hoạch, đến cuối giai đoạn này Ukraine sẽ mua các hệ thống tên lửa chống hạm. Giai đoạn thứ hai (2025-2030) nhằm tạo ra các điều kiện cho phép tàu thuyền của Ukraine có thể hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (khoảng cách 200 hải lý). Để đạt được mục tiêu này, một hệ thống giám sát mặt biển, cũng như dưới ngầm và không phận sẽ được thiết lập.

Hải quân Ukraine đặc biệt chú ý đến việc tạo ra một "hạm đội muỗi" - những chiếc tàu có trọng tải nhỏ (dưới 5-6 trăm tấn), có thể tấn công các mục tiêu của đối phương với sự trợ giúp của tên lửa hành trình có độ chính xác cao.

Và ở giai đoạn thứ ba (2030-2035) sẽ hướng đến đảm bảo sự tham gia của Hải quân Ukraine vào các hoạt động duy trì an ninh của NATO ở tất cả các vùng biển trên thế giới. Khi đó các tàu thuộc lực lượng Hải quân Ukraine phải có khả năng đánh trúng cả mục tiêu mặt đất cũng như trên biển.

Đồng nghĩa với việc lúc này Ukraine sẽ phải sở hữu những chiến hạm đa dụng đầu tiên. Và những chiếc tàu lớp Island và số lượng khiêm tốn tên lửa Javelin Mỹ chuyển giao mang lại kỳ vọng rất lớn cho Kiev và được đánh giá thuộc giai đoạn 3.

Nhưng theo nhận định của chuyên gia Nga, ông Vadim Kolesnichenko, đây chỉ là "quà tặng phế thải" Mỹ dành cho Ukraine bởi thực tế, chúng đã bị Mỹ loại biên từ lâu do quá cũ kỹ và lạc hậu.

Chuyên gia Nga nói: "Món quà kế tiếp từ Mỹ tặng cho Ukraine nói lên rằng Mỹ coi Ukraine là nơi thu gom kim loại phế thải. Hai cái gọi là tàu hiển nhiên không giúp tăng cường sức mạnh cho Hải quân Ukraine. Cử chỉ này cho thấy rằng đâu là đất nước hạng ba nằm trong phạm vi lợi ích của người Mỹ".

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ngoai-truong-pompeo-my-chuyen-vu-khi-cho-ukraine-dau-voi-nga-3391257/