Ngọc Lặc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn

Huyện Ngọc Lặc đã khuyến khích người dân phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng. Sự chuyển biến trong tư duy sản xuất đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và từng bước nhân rộng trong Nhân dân.

Diện tích cây ăn quả trồng theo hướng VietGAP tại thị trấn Ngọc Lặc.

Được thành lập năm 2013 với số vốn 370 triệu đồng, 9 thành viên Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn thôn Giang Sơn, xã Thúy Sơn đã kiên trì với hướng phát triển nông nghiệp an toàn, dần khẳng định được thương hiệu với những sản phẩm rau củ quả đạt chất lượng VietGAP, trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm nông sản sạch cho thị trường. Ông Dương Đăng Hòa, Tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn thôn Giang Sơn, chia sẻ: “Xuất phát từ những hộ sản xuất nông nghiệp truyền thống tại địa phương, chúng tôi đã tập hợp thành THT để hỗ trợ nhau phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng để cung ứng cho thị trường. Theo đó, từ năm 2014, THT đã đăng ký phát triển vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và thường xuyên mời cán bộ nông nghiệp, chuyên gia tại những đơn vị có uy tín trong, ngoài huyện về tập huấn quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất. Đồng thời, huy động nguồn vốn để xây dựng nhà sơ chế theo nguyên tắc một chiều chống nhiễm chéo. Toàn bộ diện tích sản xuất khoảng 1,8ha của 9 thành viên đều sử dụng phân bón hữu cơ, không ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất theo nguyên tắc “bốn đúng” gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp được quy định trong tiêu chuẩn sản xuất VietGAP”.

Được biết, vừa quản lý, định hướng phát triển sản xuất cho THT, gia đình ông Dương Đăng Hòa còn có 7 sào đất trồng các loại rau, như: cải sen, cải ngọt, cải xanh, su hào, bắp cải, rau muống, rau dền, mồng tơi, rau ngót...; các loại quả như: bầu, bí, mướp, dưa chuột, đậu đũa... và các loại rau thơm như: húng quế, húng cây, mùi, thì là, rau răm, tía tô, hẹ lá, hành lá... Diện tích sản xuất nói trên, gia đình anh áp dụng chặt chẽ tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, sử dụng phân hữu cơ bón lót, bón vôi tăng hàm lượng pH cho đất và lắp đặt hệ thống tưới phun hiện đại, tiết kiệm nước. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác hiện đại, đạt tiêu chuẩn nên diện tích sản xuất của gia đình anh đạt giá trị kinh tế cao, trừ chi phí mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

Nếu như trước đây, gia đình chị Lê Thị Thảo, thôn Thành Công, xã Kiên Thọ, sản xuất ngoài trời theo phương thức truyền thống, thường xuyên chịu thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt thì từ năm 2019, gia đình chị đã đầu tư hệ thống nhà màng rộng gần 2ha để sản xuất một số loại cây trồng theo hướng công nghệ cao. Cùng với đó là hệ thống tưới tự động để cung cấp chất dinh dưỡng, nước cho cây trồng. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, nên cây trồng sản xuất trong nhà lưới sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, cây dưa Kim Hoàng hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu đạt gần 800 triệu đồng/năm, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.

Chị Thảo cho biết: "Nhờ định hướng của cán bộ nông nghiệp địa phương, sau nhiều lần được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, gia đình tôi đã quyết tâm đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp an toàn. Việc đầu tư sản xuất nói trên không chỉ tạo nên những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường mà còn giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội".

Tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn được nhân rộng, tạo nên những vùng sản xuất quy mô lớn, theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, trên địa bàn huyện có 11 mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất dưa vàng Kim Hoàng hậu, cây rau, củ, quả áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 150ha sản xuất cây nghệ, 130ha cây sả, 360ha cây chuối tiêu hồng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, còn có khoảng 97,5ha cây trồng của Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Hồ Gươm - Sông Âm, gồm: 15ha cam, bưởi, 27ha vải không hạt, 11ha thanh long ruột đỏ, 34,5ha bơ Israel, 10ha xoài keo đã được chứng nhận VietGAP và dần chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm trang trại chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, huyện Ngọc Lặc đã và đang lồng ghép nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp an toàn, xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, giá trị kinh tế cao. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, huyện Ngọc Lặc xây dựng được vùng lúa thâm canh, năng suất chất lượng cao 2.500ha/năm. Trong đó có 50ha lúa nếp hạt cau được chứng nhận VietGAP. Diện tích cây ăn quả tập trung được sản xuất theo hướng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao 800ha, 100ha diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, số trang trại gia cầm quy mô lớn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP chiếm 90%. Duy trì phát triển một số gia súc, gia cầm bản địa như lợn cỏ, dê, gà địa phương... chăn nuôi hữu cơ đảm bảo an toàn dịch bệnh chiếm 10% tổng đàn.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ngoc-lac-chu-trong-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-an-toan-214040.htm