Ngọc trai từ cổ đại đến hiện tại

Một viên ngọc trai màu hồng nhạt có đường kính khoảng 1/3cm, được phát hiện năm 2017 tại một địa điểm khảo cổ trên đảo Marawah, ngoài khơi biển Abu Dhabi, có niên đại 8.000 năm (theo Bộ Văn hóa và Du lịch Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) vừa được trưng bày trong triển lãm tại Louvre Abu Dhabi với tên gọi '10.000 năm xa xỉ'.

Ngọc trai thời xưa được biết đến muốn có phải đổi bằng máu và nước mắt của những người thợ lặn, phần lớn ở vịnh Ba Tư, vẫn được coi là một món đồ xa xỉ. Nhưng thời thế đã thay đổi…

Món giải khát nửa triệu USD

Bằng phương pháp đồng vị phóng xạ carbon, đã xác định chắc chắn viên ngọc trai đang trưng bày ở Abu Dhabi được hình thành khoảng năm 5300-5600 trước Công nguyên, chính là viên ngọc trai lâu đời nhất được tìm thấy cho đến nay. Nó “cao tuổi” hơn hàng ngàn năm so với viên ngọc trai Nữ hoàng Cleopatra đã hòa vào giấm để làm món tráng miệng trong cuộc thách đố với người tình của bà - danh tướng Anthony.

Viên ngọc trai 8.000 năm tuổi được trưng bày trong triển lãm tại Louvre Abu Dhabi.

Trong cuốn Lịch sử tự nhiên, Pliny kể lại rằng, Nữ hoàng Cleopatra vốn sở hữu 2 viên ngọc trai quý giá nhất thời đó, khoảng từ năm 69-30 trước Công nguyên. Khi thấy Anthony tự thưởng cho mình những bữa ăn hoang phí xa xỉ nhất, Nữ hoàng đã giễu cợt hỏi rằng, liệu ông có thể xơi hết 10.000.000 sesterces (nửa triệu USD, quy đổi theo tiêu chuẩn vàng) trong một bữa tối hay không. Một cuộc cá cược được xác nhận và kết thúc với phần thắng thuộc về Nữ hoàng.

Số là, sau khi dọn cho Anthony một bữa tối - có thể là tuyệt hảo với rất nhiều người, nhưng chỉ là “thường thôi” với Anthony - trước ánh mắt đắc thắng của danh tướng, Cleopatra đã nhẹ nhàng gỡ một viên ngọc trai đang đeo cho vào cốc giấm, đợi viên ngọc hòa tan và… uống hết. Lucius Plancus, trọng tài của vụ cá cược, trịnh trọng đặt tay lên viên ngọc thứ hai khi bà đang chuẩn bị hòa tan nó theo cách tương tự và tuyên bố Antony là người thua cuộc.

Tuy nhiên, Cleopatra vẫn chưa phải người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng hòa tan ngọc trai trong giấm và uống. Thuở ấy, vịnh Ba Tư với độ sâu vừa phải, nhiệt độ ấm áp, từng là “cái nôi” lý tưởng cho các loài trai ngọc. Trong tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne xuất bản cuối thế kỷ thứ 19, thuyền trưởng Nemo đã tặng cho người thợ lặn nghèo khổ được ông cứu sống một túi ngọc trai, bằng cả một gia tài; hay trong một cuộc đi dạo hy hữu dưới đáy vịnh, đã cho phép Giáo sư Aronnax chiêm ngưỡng viên ngọc trai to bằng quả dừa vẫn nằm nguyên trong con trai mẹ.

Con người có thể tạo ra theo ý muốn

Viên ngọc trai to bằng quả dừa cho đến bây giờ vẫn cực hiếm, nhưng còn những viên ngọc có thể đeo trên tay như của Cleopatra giờ đây có lẽ cũng thường thôi, bởi con người đã có thể tạo ra theo ý muốn, rất nhiều hạt ngọc với kích thước và màu sắc khác nhau đẹp hoàn hảo.

Những viên ngọc trai được nuôi cấy hiện đại với đủ màu sắc và được mài dũa theo chủ ý của con người.

Đầu những năm 1900, khi người Nhật Bản phát triển kỹ thuật mới để nuôi cấy ngọc trai nhân tạo, nghề lặn bắt ngọc trai mới dần dần biến mất khỏi Abu Dhabi, mặc dù các công viên giải trí và các công ty du lịch vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ này cho những du khách muốn thử cảm giác mạnh.

Cụ thể, ông Kokichi Mikimoto, được coi là cha đẻ của ngành công nghiệp ngọc trai nuôi cấy hiện đại, bắt đầu thử nghiệm nuôi loại ngọc trai Akoya từ đầu những năm 1900 và cuối cùng đã thành công sau gần một thập niên thử nghiệm. Cũng trong khoảng thời gian đó, một nhà sinh vật học Tokichi Nishikawa và một thợ mộc Tatsuhei Mise, đã nhân giống thành công ngọc trai Akoya. Chiếc kim ghép đặc biệt mà Mise phát minh ra đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1907. Không lâu sau đó, Nishekawa đã xin cấp bằng cho sáng chế tạo phôi ngọc của riêng mình và phát hiện ra bằng sáng chế của Mise. Một kết cục có hậu: họ thống nhất cùng nghiên cứu vì mục tiêu chung và phương pháp Mise-Nishikawa ra đời, hiện vẫn đang được hầu hết các kỹ thuật viên ghép ngọc sử dụng.

Mikimoto đã tiến một bước xa hơn bằng cách bổ sung thêm một bước của riêng mình vào quy trình ghép ngọc, từ đó tạo ra ngọc trai Akoya tròn hoàn hảo. Bằng sáng chế cho thay đổi này đã được cấp cho Mikimoto vào năm 1916. Sau đó, ông này thành lập Công ty ngọc trai Mikimoto và bắt đầu truyền bá công nghệ ghép ngọc trai trên khắp thế giới.

Với ngọc trai biển, dù là trai nuôi, cứng hơn, bóng đẹp hơn và bền hơn, vì thế cũng đắt hơn nhiều, thường đắt gấp đôi một sản phẩm tương tự cùng kích cỡ từ nước ngọt. Nhưng ngọc trai nước ngọt cũng có những ưu điểm riêng: dải màu sắc phong phú, hình dáng dễ điều chỉnh đa dạng hơn, tỷ lệ nuôi cấy thành công cao hơn. Trong lĩnh vực này, những “sư phụ” lại là người Trung Hoa. Người Trung Hoa đã nuôi cấy ngọc trai nước ngọt hàng trăm năm trước, bằng cách cấy một nhân kim loại hoặc khuôn định hình vào bên trong vỏ của con trai, sau đó thả chúng xuống nước trong vài năm.

Ngọc trai nước ngọt nhiều màu sắc hơn ngọc trai biển, từ màu trắng ngà cho đến hồng đào và tím oải hương. Một số công ty nuôi trai ngọc Trung Quốc giờ đây còn sản xuất được loại ngọc trai có màu chưa từng thấy trong tự nhiên, có ánh kim loại lấp lánh hoặc màu cầu vồng và hình thù độc đáo. Người mua thậm chí có thể đặt làm riêng những viên ngọc trai theo thẩm mỹ của mình. Nhưng họ sẽ phải chờ đợi khá lâu, và tất nhiên trả tiền cao hơn nhiều so với kiểu “có gì chọn nấy”.

CẨM HÀ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/ngoc-trai-tu-co-dai-den-hien-tai-74043.html